Doanh thu mủ cao su của DPR giảm mạnh vì đâu?

Nguyễn Long 12/07/2018 04:20

Do giá bán giảm và không đạt chỉ tiêu sản lượng, nên doanh thu mủ cao su của CTCP Cao su Đồng Phú (MCK: DPR) 6 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 28% chỉ tiêu năm.

Lãi gộp của DPR đã bằng 94% kế hoạch cả năm đề ra.

Lãi gộp của DPR đã bằng 94% kế hoạch cả năm đề ra (Ảnh minh họa).

Sản lượng khai thác thấp

CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vừa công bố Báo cáo sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018. Theo đó, mặc dù sản lượng chỉ đạt hơn 1/4 chỉ tiêu năm, nhưng lãi gộp nửa năm đã đạt 94% kế hoạch cả năm 2018.

Trước đó, DPR đặt mục tiêu giá bán cao su bình quân năm 2018 ở mức 36,56 triệu đồng/tấn, giảm 8,4% so với giá bán bình quân năm 2017 (39,9 triệu đồng/tấn). Theo đó, chỉ tiêu doanh thu tiêu thụ của công ty cũng giảm 12,5% so với năm trước về 731,7 tỷ đồng và lãi gộp giảm 25,3% về 189,6 tỷ đồng. 

Có thể bạn quan tâm

  • Nỗi niềm cao su

    Nỗi niềm cao su

    04:11, 19/06/2018

  • CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam nối dài những ngày khốn khó

    CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam nối dài những ngày khốn khó

    00:20, 08/05/2018

  • Kim ngạch xuất khẩu cao su giảm đáng kể, triển vọng kém tươi sáng

    Kim ngạch xuất khẩu cao su giảm đáng kể, triển vọng kém tươi sáng

    09:25, 07/05/2018

Theo báo cáo của DPR, sản lượng cao su đạt 4,7 ngàn tấn, đạt 28% kế hoạch năm và chỉ bằng 88% cùng kỳ năm trước. Phân nửa sản phẩm của DPR được dùng để xuất khẩu, số còn lại để tiêu dùng nội bộ.

Hệ quả của việc giảm giá bán và không đạt chỉ tiêu sản lượng, doanh thu mủ cao su DPR 6 tháng cũng chỉ đạt hơn 28% chỉ tiêu năm. Tuy nhiên, do sự tăng mạnh của các khoản doanh thu khác như: doanh thu tài chính, cây cao su, thu nhập khác (đạt 186,5 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu năm 43%) đã vực dậy tổng doanh thu cho toàn công ty, đạt 49% kế hoạch cả năm với tổng giá trị 357,7 tỷ đồng.

Trái với tình trạng không mấy khả quan của sản lượng cao su và giá bán, lãi gộp nửa đầu năm đạt 178 tỷ đồng (94% kế hoạch) trong khi mục tiêu lãi toàn năm chỉ 190 tỷ đồng.

Trước đó, kết quả kinh doanh hai tháng đầu năm của DPR cũng đã sụt giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá bán bình quân lũy kế 2 tháng của DPR đạt 36,6 triệu đồng/tấn, giảm 25% cùng kỳ năm trước khiến doanh số giảm 2% về 112 tỷ đồng và lãi gộp giảm từ 63 tỷ về 47,4 tỷ đồng. Trong đó, riêng phần lợi nhuận đến từ sản xuất kinh doanh cao su là 9,2 tỷ đồng, giảm gần 18 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, trong tháng 2 công ty chỉ đạt vỏn vẹn 6 tỷ lãi gộp bao gồm 3,8 tỷ lãi sản xuất kinh doanh cao su.

Từ đầu năm 2018 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều phen giảm điểm với VN-Index từ mốc 1.200 xuống chỉ còn 900, nhưng giá cổ phiếu DPR không biến động nhiều, vẫn ổn định quanh mức 39.000 đồng/cp.

Ảm đạm của ngành cao su

Tại báo cáo chiến lược 2018, CTCP Chứng khoán Rồng Việt đánh giá tiêu cực cho ngành trồng trọt cao su trong ngắn hạn nhưng tích cực với triển vọng dài hạn.

Trong khi đó, MBKE nhận định giá cao su có thể phục hồi nhẹ nhờ một số thông tin hỗ trợ như giá dầu, hàng hóa có tương quan cao su phục hồi đáng kể; Chính phủ Thái Lan đã công bố chương trình trợ giá 20 tỷ bath kể từ tháng 12/2017; các nước sản xuất cao su Thái Lan, Malaysia, Indonesia thống nhất cắt giảm xuất khẩu 350.000 tấn (từ tháng 12/2017 đến tháng 3/2018);...

Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS)- Bộ NN & PTNT, khối lượng xuất khẩu cao su 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 560 nghìn tấn, tương đương 816 triệu USD, tăng 16,1% về khối lượng nhưng giảm 8,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá cao su xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2018 đạt 1.463 USD/tấn, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc, Ấn Độ, và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt 61,3%, 6,4% và 3,9%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu cao su trong 5 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là Ấn Độ (75%) và Indonesia (13,2%).

Ước khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 6/2018 đạt 50 nghìn tấn với giá trị đạt 96 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị cao su nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2018 đạt 294 nghìn tấn với giá trị 536 triệu USD, tăng 20,2% về khối lượng nhưng giảm 0,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong 5 tháng đầu năm 2018 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Campuchia chiếm 51,5% thị phần. Trong 5 tháng đầu năm 2018, giá trị cao su ở một số thị trường nhập khẩu chính giảm. Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu giảm mạnh nhất là Nga (-37,3%), Trung Quốc (-25,6%) và Nhật Bản (-13,8%). Ngược lại, một số thị trường có giá trị nhập khẩu tăng mạnh là Malaixia (+51,3%) và Indonesia (+19,3%).

Giá cao su thế giới và trong nước đang giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm và mức dự trữ của các nước tiêu thụ tăng lên. Mùa khai thác mủ cao su năm nay mới bắt đầu nhưng giá đã rớt liên tục khiến nông dân không khỏi lo ngại. Khi giá bán mủ nước đạt từ 300 đồng/độ thì họ mới có được mức lãi để đảm bảo trang trải cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh thu mủ cao su của DPR giảm mạnh vì đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO