Đổi 100 USD phạt 90 triệu đồng: Những câu hỏi gửi cơ quan chức năng

Đ.K. Hà 25/10/2018 09:30

Tiệm vàng cũng bị phạt 295 triệu đồng vì nhiều vi phạm, trong đó có việc nhận đổi 100 USD của ông Rê; đồng thời bị tịch thu số ngoại tệ đã đổi.

Như tin nhiều báo đưa tin, ngày 23/10, ông Rê, một thợ điện đã bị UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng vì đã mang đổi 100 USD tại tiệm vàng và bị tịch thu gần 2,3 triệu đồng đã đổi được. Tiệm vàng cũng bị phạt 295 triệu đồng vì nhiều vi phạm, trong đó có việc nhận đổi 100 USD của ông Rê; đồng thời bị tịch thu số ngoại tệ đã đổi.

UBND TP Cần Thơ có căn cứ để làm như vậy. Theo pháp lệnh ngoại hối năm 2005, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng hoặc thanh toán qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý. Và theo nghị định 96/2014, hành vi mua bán USD của người thợ điện nêu trên được xem là vi phạm pháp luật và áp theo khung xử phạt hành chính, từ 80 đến 100 triệu đồng. 

Những thông tin này khiến rất nhiều người choáng váng, ngỡ ngàng. Thật khó để không choáng váng. Có quá nhiều câu hỏi đặt ra liên quan đến vụ việc này.

Thứ nhất, qui định về giao dịch ngoại tệ theo pháp lệnh ngoại hối 2005 đang được thực thi thế nào?

Câu trả lời rõ như ban ngày: không hề được thực thi. Trừ những người cố tình che mắt lại và không muốn công nhận, ai cũng biết rằng xưa nay người dân giao dịch ngoại tệ không chỉ ở các tổ chức tín dụng mà còn ở đủ mọi tiệm vàng trên khắp cả nước này. Thậm chí các thành phố như Hà nội, TP HCM, Đà nẵng còn hình thành các tuyến phố với các cửa hàng chuyên mua bán trao đổi ngoại tệ công khai.

Vậy vấn đề ban hành công cụ pháp lý nhưng không thực hiện được là trách nhiệm của ai? Tại sao các cơ quan chức năng liên quan – những đơn vị trực tiếp phải chịu trách nhiệm lên kế hoạch, xây dựng và triển khai thực hiện các qui định luật pháp lại có vẻ như vô can?

Thứ hai, tại sao qui định này không được thực thi?

Tại nhiều lý do, mà trong đó chủ yếu là do thiếu khả thi, bất hợp lý, không tính hết đến nhu cầu cuộc sống và sự thuận tiện của người dân, bên cạnh vấn đề quản lý không tốt.

Bất hợp lý, thiếu khả thi, quản lý yếu nên cũng không có chế tài hay biện pháp cụ thể gì với các tổ chức tín dụng được phép giao dịch. Kết quả là người dân phải mất nhiều thời gian và đủ loại giấy tờ, thủ tục mới có thể mua được ngoại tệ tại ngân hàng. Tỉ giá mua vào của ngân hàng thường quá thấp. Đặc biệt rất nhiều ngân hàng không thực hiện các giao dịch nhỏ, hay các đồng tiền bị cũ, nhàu nát, và hầu như không có ngân hàng nào bán các ngoại tệ ít thông dụng. Người dân biết phải xử lý thế nào khi rơi vào những trường hợp này?

Và thị trường đã điều chỉnh như hiện hữu để đối phó với những thiếu sót đó.

Lẽ ra từ lâu, khi những qui định pháp lý còn nhiều vướng mắc và bất hợp lý với thực tế, các nhà làm luật phải nghiên cứu, điều chỉnh lại để luật pháp phù hợp với thực tế của sống và đảm bảo tuân thủ nghiêm minh, công bằng. Nhưng dường như chẳng-ai-làm-gì. Pháp luật giống như một cỗ áo xộc xệch, ai muốn mặc thì mặc, ai không vừa khỏi mặc. Để xảy ra điều này, phần lỗi rất lớn thực ra chính là thuộc về cơ quan chức năng.

Thứ ba, sao cứ nhè dân mà phạt?

Nhiều người dân choáng váng như đây là lần đầu tiên xảy ra vụ việc thế này. Thực ra chắc họ đã quên, những vụ việc tương tự cũng lặp lại vài lần rồi, khi ở Hà nội, khi ở TP Hồ chí minh, lần nào cũng khá gây sốc trong dân chúng.

Đặc điểm chung của những vụ như thế này là chỉ có người dân, cụ thể ở đây là cá nhân mua bán ngoại tệ, và doanh nghiệp (cửa hàng vàng) bị xử lý. Chẳng thấy ai nhắc đến trách nhiệm của các cơ quan công quyền. Ai đã để tình trạng vi phạm pháp luật xảy ra công khai, ai là người nắm được danh sách công ty nào được phép giao dịch, công ty nào không được phép mà vẫn để tình trạng các đơn vị không có chức năng mua bán ngoại tệ làm điều đó trong một thời gian rất dài?

Công an thành phố Cần Thơ họp báo thông tin vụ việc

Công an thành phố Cần Thơ họp báo thông tin vụ việc

Dù rõ ràng, trong trường hợp này, có lỗi của nhiều phía. Phía quản lý yếu kém, phía doanh nghiệp, và phía người dân vi phạm. Nhưng các chế tài chỉ nhằm vào hai đối tượng sau, vậy tính công bằng của pháp luật đã được tôn trọng hay chưa, từ chính những người thực thi pháp luật?

Hoặc nếu như chính quyền cố tình thả lỏng, không cương quyết thực thi các chế tài vì thừa nhận còn nhiều vấn đề bất hợp lý, vậy tại sao lại chỉ xử lý một vài trường hợp, mà chủ yếu là những vụ rất nhỏ?

Pháp luật, nhất định không thể là một công cụ để người thực thi tùy tiện, vô lý áp lên trường hợp này và bỏ qua trường hợp kia!

Những câu hỏi khác

Việc phổ biến, tuyên truyền qui định pháp luật đã thực thi tốt chưa? Rất nhiều người dân, dù là những người tiếp xúc thường xuyên với công nghệ, mạng internet đều chưa biết đến qui định về giao dịch ngoại hối này. Và khi được biết qua sự việc này thì họ quá sốc. Như vậy luật đã không những không được phổ biến tốt đến người dân, mà khi được biết đến, còn theo hướng tiêu cực. Khâu tuyên truyền rõ ràng có vấn đề.

Thậm chí, khi tìm kiếm thông tin ‘danh sách các tổ chức tín dụng được phép giao dịch ngoại tệ’, người dân cũng không biết tìm đâu ra. Thông tin không hề có trên internet. Nếu không có thông tin, sao dân biết được mình liệu có vi phạm?

Số tiền phạt đã hợp lý hay chưa? Khung hình phạt 80-100 triệu đồng áp dụng cho những giao dịch vi phạm nhỏ nhất dù chỉ 1 USD, dường như đã không tính đến trường hợp người dân nghèo chỉ có một vài đồng ngoại tệ lẻ, vì lý do nào đó bị vi phạm, dù vi phạm này không ảnh hưởng nhiều đến xã hội, họ vẫn có thể bị phạt mất đi cả một gia tài.

Và cuối cùng, người dân vẫn chưa nắm được chủ trương của nhà nước sẽ thế nào trong thời gian tới? Nếu muốn siết chặt kiểm soát ngoại tệ, các cơ quan quản lý nhất thiết phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, cho người dân biết thời điểm nào pháp lệnh ngoại hối sẽ thực sự đi vào cuộc sống.

Những điểm bất hợp lý cần được điều chỉnh, chẳng hạn có chế tài với các ngân hàng, qui định trần sàn tỉ giá, hay lập thêm các điểm chuyên trách mua bán ngoại tệ lẻ, ngoại tệ ít giao dịch… để đảm bảo nhu cầu du lịch, du học và tạo sự thuận lợi cho nhân dân.

Và quan trọng nhất, thực thi pháp luật nhất định phải nghiêm minh. Nếu vẫn để tình trạng những phi vụ lớn diễn ra công khai trước mắt, nhưng phi vụ nhỏ lại bị sa lưới, thì cũng không thể tránh được việc người dân đặt dấu hỏi nghi ngờ - như họ đang nghi ngờ trong vụ việc ở Cần Thơ hiện nay: “Liệu có phải vì tiệm vàng này đã không ‘chung chi’?”

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đổi 100 USD phạt 90 triệu đồng: Những câu hỏi gửi cơ quan chức năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO