COVID-19 như "thiên nga đen" với doanh nghiệp Việt và vì thế doanh nghiệp cần xác định quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng là bài toán lâu dài,
giống như sống chung với dịch bệnh; cần có sự thay đổi căn bản về nhận thức trong quản trị doanh nghiệp thời gian tới.
COVID còn như “chất keo” gắn kết giữa doanh nghiệp, chính quyền và nhà nước để cùng phòng chống dịch và là tìm giải pháp phục hồi kinh tế, xã hội.
THAY ĐỔI TƯ DUY
Qua hai chống chịu với dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp đang phải chịu ảnh hưởng lớn nhất là từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy cung cầu, đứt gãy hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng có tác dụng đẩy nhanh quá trình thay đổi phương thức kinh doanh, tăng tốc chuyển đổi số; tạo sự đồng thuận của nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi số.
COVID-19 được ví như một sự kiện "thiên nga đen", là khủng hoảng doanh nghiệp chưa từng thấy, chưa có tiền lệ nên hầu hết các doanh nghiệp đề tỏ ra lúng túng. Đặc biệt với doanh nghiệp Việt Nam việc quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng còn khá tự phát, chưa xây dựng được cơ chế quản trị rủi ro theo phương pháp luận thì càng bố rối và chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Chúng ta đã xác định phải sống chung với đại dịch, cuộc chiến này là lâu dài. Vì vậy, doanh nghiệp cần đặt mục tiêu cân bằng giữa rủi ro và cơ hội để hướng tới phát triển bền vững để kiểm soát hiệu quả các sự cố để giảm thiệt hại một cách tốt nhất; Nhanh chóng khôi phục và bảo vệ hạ tầng về công nghệ thông tin; Phản ứng lại các mối nguy động để bảo vệ, duy trì giá trị và thương hiệu doanh nghiệp.
Vì vậy, với bài học từ COVID-19, doanh nghiệp Việt cần có cái nhìn toàn diện hơn về quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng trong dài hạn.
Muốn vậy, doanh nghiệp cần phải nhận diện được rủi ro; xây dựng mức độ chấp nhận rủi ro; quản trị rủi ro. Cần có kế hoạch đối phó với khủng hoảng; Phân tích giả lập khủng hoảng...
Mục tiêu của quản trị rủi ro là cân bằng giữa rủi ro và cơ hội để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của doanh nghiệp. Quản trị rủi ro bao gồm 3 hoạt động chính là nhận diện rủi ro, xây dựng mức độ chấp nhận rủi ro và thực hiện quản trị rủi ro.
Khi COVID-19 xảy ra, thứ trọng yếu nhất cần triển khai là kích hoạt kế hoạch quản trị khủng hoảng cùng với kế hoạch kinh doanh liên tục, sau đó là kế hoạch khôi phục sau sự cố.
6 NGUYÊN TẮC “NẰM LÒNG”
Để sống chung một cách thích ứng, an toàn và hiệu quả trong điều kiện mới, 6 nguyên tắc căn bản doanh nghiệp cần tuân thủ gồm: đặt nền móng; bảo toàn và thúc đẩy doanh thu; giảm và quản lý chặt chẽ chi phí; tối ưu hóa tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu; tăng tốc chuyển đổi số; quản lý các mong muốn.
Từ 6 nguyên tắc này, doanh nghiệp có thể tập trung vận dụng linh hoạt để tìm cơ hội trong thách thức để lựa chọn những chiến lược phù hợp với các nguy cơ và cơ hội đặt ra trước doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ các nhà lãnh đạo kiên tâm với những hành động chủ chốt trong từng giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn phục hồi và tái sản xuất để phát triển trở lại; đồng thời không ngừng củng cố sự tín nhiệm của các bên liên quan để tạo bệ đỡ vững chắc hơn cho sự phát triển lâu dài.
Trên cơ sở đó, doanh nghiệp cần xây dựng một chương trình quản lý khủng hoảng toàn diện, nhằm mang lại một cách tiếp cận có tổ chức, có hệ thống để chuẩn bị và ứng phó với khủng hoảng đang xảy ra và những rủi ro tương tự có thể xảy đến trong tương lai.
Theo đó, đội ngũ quản lý khủng hoảng phải bao gồm những chuyên gia giàu kĩ năng và kinh nghiệm, với quy trình, hướng dẫn đơn giản và rõ ràng cũng như việc phân quyền phân nhiệm chính xác và mạch lạc. Hoạt động quản lý khủng hoảng cần được truyền thông rõ ràng, minh bạch. Qua đó, các sự kiện và hành động ứng phó được theo dõi và có điều chỉnh kịp thời khi cần thiết.
Từ khung quản lý khủng hoảng, doanh nghiệp cần nắm rõ chu trình quản lý khủng hoảng với các thời điểm kích hoạt các kế hoạch liên quan đến quản trị rủi ro - quản trị khủng hoảng khác nhau. Trong chu trình này, ngay khi khủng hoảng nổ ra, doanh nghiệp cần kích hoạt kế hoạch ứng phó khẩn cấp để đảm bảo duy trì các hoạt động cốt lõi, các chức năng quan trọng, các quy trình trọng yếu của doanh nghiệp, cũng như để có thời gian đánh giá những thiệt hại có thể đã xảy ra cho doanh nghiệp.
Tiếp sau đó là kế hoạch hoạt động liên tục để giúp doanh nghiệp phục hồi dần về trạng thái bình thường. Xuyên suốt trong hành trình này, cốt lõi của hoạt động quản trị rủi ro - quản trị khủng hoảng chính là kế hoạch quản lý khủng hoảng với khung triển khai đã được đề cập ở trên. Chu trình này giúp doanh nghiệp có được đầy đủ thời gian và năng lực để đưa doanh nghiệp trở lại bình thường như những nhà tiên phong, trong khi vẫn đảm bảo được sức khỏe và sự an toàn cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như tất cả các bên liên quan.
Bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng có tính hai mặt của nó. Việc hiểu đúng và đủ về quản trị rủi ro - quản trị khủng hoảng cũng như nâng cao năng lực quản trị rủi ro chính là một trong những thứ vũ khí mà bất kỳ nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở bất kỳ quy mô nào cũng có thể áp dụng để tạo nền tảng phát triển bền vững, tăng cường lợi thế cạnh tranh, giúp cho doanh nghiệp của chính mình vượt qua những khủng hoảng sắp tới, đặc biệt trong bối cảnh sống chung an toàn, thích ứng và hiệu quả với COVID-19.