Với vị trí địa lý thuận lợi, Lạng Sơn trở thành cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc trong Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN.
Làm sao để phát huy những lợi thế vốn có của tỉnh Lạng Sơn? DĐDN đã có buổi trao đổi với ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn xung quanh nội dung này.
>>Lạng Sơn đề xuất phát triển hai cảng cạn
- Lợi thế của tỉnh Lạng Sơn chỉ có thể phát huy với những chính sách hợp lý và sáng tạo, thưa ông?
Phát huy những lợi thế cạnh tranh riêng, tỉnh đang đổi mới thu hút đầu tư theo chiều sâu dựa vào tiềm năng cửa khẩu, du lịch, nông nghiệp, dịch vụ. Lạng Sơn xác định phát triển du lịch, nông nghiệp, dịch vụ nhằm khai thác có hiệu quả theo hướng chuyên nghiệp, tạo ra những sản phẩm đặc thù, chất lượng cao, mang thương hiệu Xứ Lạng, có tính cạnh tranh cao. Những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của tỉnh phải đảm bảo gắn chặt với công tác bảo tồn các giá trị tự nhiên, văn hóa và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Đối với du lịch, tỉnh đã thu hút được một số dự án phát triển khu đô thị kết hợp du lịch của các nhà đầu tư lớn như: Sun Group, Sunshine Group… Tỉnh đã khởi công dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn trong tháng 5/2022, hiện tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án, thúc đẩy phát triển ngành du lịch như kỳ vọng.
Tỉnh triển khai các dự án quan trọng ở khu vực cửa khẩu để tăng cường các dịch vụ logicstic, hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời, quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh được đánh giá có tiềm năng tốt nhất trong 17 tỉnh khu vực phía Bắc về phát triển điện gió. Tỉnh đã báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch điện VIII đối với chỉ tiêu khối lượng điện gió tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030 với tổng công suất là 4.636 MW/32 dự án điện gió.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7,86% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến hết ngày 12/6/2022, tổng kim ngạch hàng hóa XNK qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt 6.447 triệu USD.
- Để đón những nhà đầu tư chất lượng, tỉnh đang và sẽ có những chính sách nào hấp dẫn thưa ông?
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu tổng vốn đầu tư xã hội đạt 166 - 168 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước đạt khoảng 115 - 120 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 70% - 75% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trung bình mỗi năm thành lập mới từ 500 - 600 doanh nghiệp; đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 5.500 doanh nghiệp.
Tỉnh đã ban hành các Nghị quyết về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư. Hiện nay, UBND tỉnh đang xem xét đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; dự thảo mới tập trung vào một số nội dung như: hỗ trợ về thủ tục đầu tư, hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, hỗ trợ đào tạo lao động…
Cùng với đó, tỉnh cũng đang đổi mới phướng thức xúc tiến đầu tư bằng việc trực tiếp lãnh đạo tỉnh đi gặp gỡ, mời gọi các doanh nghiệp về Lạng Sơn tìm hiểu, khảo sát đầu tư. Ưu tiên các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, du lịch - dịch vụ và sản xuất nông - lâm nghiệp phát huy các sản phẩm đặc sản của Lạng Sơn.
- Ông có thể chia sẻ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh để Lạng Sơn đón làn sóng đầu tư trong bối cảnh mới?
Để thu hút các nhà đâu tư chiến lược, tỉnh tham mưu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Lạng Sơn nằm trong nhóm Khá của cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành phố.
Trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp tham gia tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để tạo dựng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
Hiện, tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi số gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số, hạ tầng số. Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, thực chất, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin minh bạch.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm