Đổi mới sản phẩm, ứng dụng công nghệ AI và tăng cường liên kết đang trở thành chìa khóa giúp các điểm đến du lịch nâng cao năng lực cạnh tranh.
PGS TS Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học (Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, ngành du lịch đang đối diện sự cạnh tranh giữa các điểm đến ngày càng khốc liệt. Ba thách thức lớn nhất ngành du lịch sẽ đối mặt bao gồm: chi phí đi lại tăng cao, thiếu nguồn cung lưu trú chất lượng và tác động từ bất ổn kinh tế toàn cầu.
Theo ông Long, những yếu tố này ảnh hưởng rõ rệt tới hành vi và quyết định của du khách trong giai đoạn tới. Ông cũng cho rằng, du lịch bền vững và có trách nhiệm là một trong những tiêu chí quan trọng trong lựa chọn điểm đến. Du lịch cá nhân hóa và tự túc; du lịch chăm sóc sức khỏe và tinh thần; xu hướng du lịch kết hợp làm việc (workation)… . là những xu hướng du lịch thu hút du khách thời gian tới.
Vì thế, PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng, Việt Nam cần hành động nhanh để nắm bắt cơ hội và giải quyết những vấn đề như tính mùa vụ. Ông đề xuất cơ quan quản lý nới lỏng visa, đơn giản hóa thủ tục để tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực; đầu tư hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là giao thông kết nối, lưu trú và công nghệ số tại điểm đến; triển khai chiến lược quốc gia “Việt Nam Xanh”, hướng đến phát triển du lịch sạch, bền vững, hài hòa với môi trường và trách nhiệm với cộng đồng.
Về phía doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, phát triển sản phẩm du lịch gắn với văn hóa – thiên nhiên; chuyển đổi số mạnh mẽ trong vận hành và tiếp thị; tăng cường liên kết, không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước mà cả với các đối tác quốc tế.
Ngành du lịch Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ, đạt doanh thu 840.000 tỷ đồng năm 2024 và hướng tới 1,015 nghìn tỷ đồng vào năm 2025. Cùng lúc, thương mại điện tử bùng nổ và tỷ lệ sử dụng Internet đạt 79,1% đã giúp nền tảng du lịch trực tuyến trở thành lựa chọn phổ biến cho người Việt – vốn rất ưa chuộng biển (59%) và thiên nhiên (51%), chủ yếu du lịch nội địa (49%) và chịu ảnh hưởng lớn từ mạng xã hội, khuyến mãi và lời giới thiệu từ bạn bè.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Mai Thy, Quản lý thị trường Việt Nam của Traveloka đề xuất bốn chiến lược quan trọng gồm: Xây dựng thương hiệu điểm đến và tiếp thị số bằng các chiến dịch kể chuyện sáng tạo; tận dụng du lịch trực tuyến (OTA) để mở rộng thị trường; thúc đẩy hợp tác công – tư để đồng bộ hạ tầng, giao thông và thủ tục visa; phát triển du lịch bền vững.
Theo chuyên gia từ Đại học RMIT Việt Nam, Tiến sĩ Justin Matthew Pang, “AI giống như một đại dương rộng lớn với các ứng dụng tiềm năng cho ngành du lịch là vô tận. Công nghệ này có quyền năng biến đổi mọi khía cạnh của ngành, từ dịch vụ khách hàng đến quản lý sự kiện”.
Ứng dụng thực tiễn của công nghệ trong ngành du lịch rất phong phú và đa dạng. Ví dụ, các chatbot được hỗ trợ bởi AI cung cấp những gợi ý cá nhân hóa và giúp du khách lập kế hoạch chuyến đi hiệu quả hơn. Tại các sân bay và khách sạn, công nghệ nhận diện khuôn mặt đơn giản hóa quy trình làm thủ tục và giảm thời gian chờ đợi, cải thiện đáng kể trải nghiệm khách hàng. Phân tích dữ liệu lớn cho phép các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hành vi và sở thích của khách hàng, giúp cung cấp các dịch vụ điều chỉnh phù hợp hơn.
Các tiến bộ công nghệ này không chỉ mang đến tiện lợi. Trong lĩnh vực MICE (loại hình du lịch kết hợp giữa các hoạt động hội họp, khen thưởng, hội thảo và triển lãm), công nghệ thông minh giúp tối ưu hóa việc quản lý tài nguyên và giảm thiểu lãng phí trong các sự kiện. Thế hệ du khách trẻ am hiểu công nghệ mong muốn những trải nghiệm thông minh và liền mạch. Tiến sĩ Pang nhận định rằng công nghệ không chỉ đáp ứng những kỳ vọng này mà còn thúc đẩy các thực hành bền vững hơn trong ngành.