Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sẽ tạo động lực đột phá, dẫn dắt đưa kinh tế Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị.
Trên thế giới có rất nhiều trung tâm đổi mới sáng tạo nhưng đều của các tập đoàn kinh tế. Chưa có trung tâm nào của Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, quản lý, phục vụ lợi ích của Nhà nước. Chỉ có Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là trung tâm đầu tiên trên thế giới như thế.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh như vậy ở thời điểm NIC đi vào hoạt động được 5 năm. Quãng thời gian này tuy chưa dài nhưng đã minh chứng, NIC là hạt nhân của hệ sinh thái, kết hợp Nhà nước, doanh nghiệp, viện - trường đến các trung tâm nghiên cứu, tổ chức tài chính, các đơn vị hỗ trợ ươm tạo… Qua đó, hỗ trợ nghiên cứu công nghệ mới, startup và các doanh nghiệp.
Với mục đích chính là dẫn dắt, xây dựng, phát triển hệ sinh thái, dẫn dắt đổi mới sáng tạo của Việt Nam, mô hình này được quốc tế đánh giá rất cao. Đơn vị tư vấn BCG đánh giá toàn cầu muốn nhân rộng mô hình của Việt Nam ra các nước khác để dẫn dắt đổi mới sáng tạo của các quốc gia.
Quan trọng hơn, những năm qua, đổi mới sáng tạo của Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, xếp hạng tốt. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chưa bao giờ có sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành, phát triển tốt như hiện nay.
Nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, để đưa Việt Nam thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đến 2045 là nước phát triển có thu nhập cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo có vai trò then chốt, là động lực tạo đột phát phát triển nhanh, bền vững. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu để Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 coi đây là đột phá chiến lược và Đại hội Đảng lần thứ 14 đang chuẩn bị trên tinh thần đó để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Hoạt động của NIC rất mới nhưng đến nay, thể chế, cơ sở vật chất và bộ máy của NIC đang hoàn thiện. Đặc biệt, hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ, các startup đã được hưởng lợi, nhất là hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp; tư vấn, kết nối startup với các nguồn lực, các doanh nghiệp, địa phương trong giải quyết các bài toán cụ thể.
Trong thời gian ngắn NIC đã thực hiện hiệu quả rất nhiều việc nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, kết quả này mới là ban đầu, thách thức lớn đặt lên vai rất nặng nề. Tầm nhìn và tham vọng trong thời gian tới, NIC trở thành trung tâm hiện đại, là điểm đến của đổi mới sáng tạo khu vực và thế giới.
Để hiện thực hoá tầm nhìn và tham vọng trên, thúc đẩy sự phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung và của NIC nói riêng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước hết, cần hình thành cơ chế chính sách đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để vận hành tốt nhất theo chuẩn quốc tế.
Thứ hai, cơ sở vật chất phải hoàn chỉnh, các trung tâm nghiên cứu, phòng lab, khu nhà ở cho chuyên gia để giữ chân chuyên gia mà hiện nay cơ sở NIC tại Hòa Lạc đang rất thiếu.
Thứ ba, nhanh chóng hình thành 9 ngành công nghệ ưu tiên lựa chọn giúp Việt Nam tận dụng tốt nhất dù là cơ hội nhỏ nhất từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó có sản xuất thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, an ninh mạng, môi trường, y tế, bán dẫn, hydrogen… và đang đẩy mạnh nhất là bán dẫn, thành lập các trung tâm nghiên cứu, đào tạo.
Sắp tới NIC còn được giao một nhiệm vụ quan trọng là quản lý chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn. Đây là mục tiêu rất tham vọng, chiến lược: từ nay đến 2050 đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư bán dẫn, cung cấp cho thị trường Việt Nam và có thể là nước ngoài, tận dụng ngay cơ hội. Chúng ta đang có nguồn lực rất mạnh là con người, nhưng phải khai thác triệt để và đào tạo để nhanh chóng vươn lên, chiếm lĩnh trong chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành công nghiệp bán dẫn. NIC đang tổ chức thực hiện mạnh nội dung này.