Quá trình cải thiện chất lượng nguồn nhân lực không thể thiếu vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, và cán bộ quản lý.
Trong giai đoạn tới, “phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp” được coi là một trong hai giải pháp đột phá của Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Giáo dục nghề nghiệp là gốc rẽ của nguồn nhân lực chất lượng cao
Có thể nói, việc đầu tư xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp là đầu tư “gốc” để phát triển nguồn nhân lực.
Ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2239/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quyết định cũng nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt: “Phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”.
Để đạt được các mục tiêu đề ra trong Chiến lược, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, “Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp” được coi là một trong hai giải pháp đột phá trong giai đoạn tới.
Chiến lược cũng xác định rõ, các nhóm nhiệm vụ cần triển khai để thực hiện giải pháp đột phá về đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề trong doanh nghiệp, từ việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách đến việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo; từ việc chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo đến việc phát triển mạnh đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề đủ năng lực tham gia đào tạo các cấp trình độ của giáo dục nghề nghiệp.
Để triển khai hiệu quả, cần sự chung tay góp sức triển khai quyết liệt và đồng bộ, không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước mà còn đặc biệt từ phía các địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong cả nước.
Tuy nhiên, trên thực tế chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. Đó là: Trình độ kỹ năng nghề của nhà giáo nhìn chung còn hạn chế, tỷ lệ nhà giáo vừa dạy được lý thuyết vừa dạy được thực hành còn chưa cao (khoảng 50%); Phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy tiếp cận năng lực và yêu cầu chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19; Số lượng nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy các nghề nhận chuyển giao...
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt có tính quyết định để thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục đào tạo; trong đó có nhấn mạnh việc “Chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo”.
Phó Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Đỗ Năng Khánh cho biết: Đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định phát triển sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp, trước hết là bảo đảm chất lượng đào tạo nghề nghiệp; vì vậy, mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải phù hợp với mục tiêu của Chương trình quốc gia phát triển nhân lực của Chính phủ. Vì vậy, để thực hiện chủ trương đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cần phải quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ này để động viên, khuyến khích, thu hút và bảo đảm đời sống ổn định cho họ, sẽ góp phần tạo nên sự đột phá về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Thu hút người dạy nghề trong doanh nghiệp tham gia đào tạo như thế nào?
Để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển đội ngũ nhà giáo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, năng lực sư phạm; tiếp cận với sự phát triển của khoa học công nghệ trong thực tiễn nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và bảo đảm nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cho toàn hệ thống. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai bồi dưỡng nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo của cơ sở mình. Doanh nghiệp tham gia bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đẩy mạnh việc thu hút người dạy nghề trong doanh nghiệp tham gia đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp, với chủ trương coi doanh nghiệp như một "nhà trường thứ hai", một thành phần không thể thiếu trong hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững.
Việc tham gia của người dạy nghề trong doanh nghiệp vào quá trình đào tạo các cấp trình độ của giáo dục nghề nghiệp cũng như đào tạo thường xuyên có tầm quan trọng không thể phủ nhận đối với cả người học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong những năm gần đây, gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm bền vững đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sự tham gia của doanh nghiệp vào giáo dục nghề nghiệp thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc người dạy nghề trong doanh nghiệp tham gia vào việc đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp.
Việc tham gia của người dạy nghề trong doanh nghiệp vào quá trình đào tạo các cấp trình độ của giáo dục nghề nghiệp cũng như đào tạo thường xuyên có tầm quan trọng không thể phủ nhận đối với cả người học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đối với người học, sẽ giúp họ nâng cao kỹ năng nghề và kinh nghiệm thực tiễn nghề nghiệp. Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và tính thực tế của chương trình đào tạo, tận dụng được nguồn nhân lực có chất lượng và tay nghề cao của doanh nghiệp tham gia vào đào tạo, tăng cường cơ hội tiếp cận nguồn thông tin từ thị trường lao động và khả năng tiếp cận công nghệ mới từ doanh nghiệp.
Để thu hút người dạy nghề trong doanh nghiệp tham gia đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng khuyến khích, mở, linh hoạt để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng người có kỹ năng nghề cao và kinh nghiệm thực tiễn nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề; có cơ chế hợp tác giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội.
Có thể bạn quan tâm
15:51, 29/12/2022
16:18, 19/12/2022
08:08, 17/12/2022