Đòi nợ thuê kiểu “xã hội đen”, đối phó như thế nào?

ĐỖ HUYỀN 27/10/2020 04:20

Loại hình đòi nợ thuê, đòi nợ theo kiểu xã hội đen, khủng bố tinh thần “con nợ” đang trở thành vấn nạn khiến nhiều người bức xúc.

Chiều 26/10, phát biểu trước Quốc hội, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) tỏ ra bức xúc trước việc loại hình đòi nợ thuê, đòi nợ theo kiểu xã hội đen, khủng bố tinh thần, uy hiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người vay nợ.

Nhiều người tố bỗng nhiên bị ôm nợ từ

Nhiều người tố bỗng nhiên bị ôm nợ từ "trên trời rơi xuống" khi bản thân không hề vay.

Một số doanh nghiệp tài chính hoạt động không lành mạnh

Đại biểu nêu lên thực trạng, các doanh nghiệp tài chính này dù đang được cấp phép kinh doanh nhưng hoạt động không lành mạnh, hành vi mang tính chất côn đồ, nhân viên dùng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực đối với người đang rơi vào cảnh nợ nần. Thời gian qua, đã có một số bài báo lên án về hành động đòi nợ theo kiểu xã hội đen và đặt nghi vấn về hình thức đòi nợ này đã gián tiếp gây nên cái chết của một công dân tại TP HCM.

Đại biểu Hiền bức xúc: “Đằng sau cái chết đó là hoạt động của một số công ty tài chính. Người nhà của nạn nhân cho biết, băng nhóm đòi nợ đã liên tục có mặt tại nhà và lớn tiếng chửi bới, đụng tay đụng chân và đe dọa đánh chết nạn nhân trước mặt 2 đứa con nhỏ. Theo lời khai của con trai nạn nhân, các đối tượng liên tục tát vào mặt, xách tai trong khi nạn nhân chỉ biết cúi đầu khóc lóc chịu đòn”.

Theo luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), thời gian qua, hoạt động của các công ty tài chính nổi lên nhiều bất cập. Về bản chất, các công ty tài chính hoạt động như ngân hàng, đều cho vay, lấy lãi. Tuy nhiên, việc quản lý, giám sát các công ty này đang rất lỏng lẻo, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Theo luật sư Thái, việc công ty tài chính thuê một đơn vị khác thu hồi nợ hoạt động như một tổ chức xã hội đen là không thể chấp nhận được. Bởi, các công ty này sẽ dùng đủ mọi cách mà công ty tài chính không được phép để thu hồi được số nợ như đe dọa, khủng bố tinh thần, ném mắm tôm… “Có những hành vi chưa đến mức xử lý hình sự, nhưng sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý và danh dự của người vay. Với hàng trăm nghìn hợp đồng, trường hợp không thu được nợ, công ty tài chính đều thuê bên thứ 3 để đòi như vậy, sẽ gây nên tình trạng bất ổn xã hội nghiêm trọng”, luật sư Thái nhận định.

Tránh tình trạng mượn tay đòi nợ thuê

Luật sư Nguyễn Thanh Hải, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho rằng, các cơ quan chức năng cần thanh tra toàn diện các công ty, tổ chức tài chính về vấn đề mức phí, lãi suất... xem việc cho vay hiện nay có đúng quy định hay không. Bởi, theo phản ảnh của người dân, hiện mức cho vay của các công ty này thường cao hơn mức tối đa cho phép là 20% (lãi suất lên tới 30-40%), đồng thời giám sát chặt các hợp đồng của công ty tài chính với công ty thu hồi nợ vì hầu hết các công ty này hiện hoạt động không đúng quy định.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, vẫn có một số doanh nghiệp đòi nợ thuê được thành lập để hợp thức hóa cho hoạt động tín dụng đen, có hành vi vi phạm pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân.

Quốc hội vừa thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó có nội dung đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm kinh doanh. Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2021. Luật cũng quy định điều khoản chuyển tiếp là với các giao dịch cung cấp dịch vụ đòi nợ trước ngày luật này có hiệu lực, các bên tham gia giao dịch được thực hiện các hoạt động để thanh lý giao dịch đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.

Về tín dụng cho vay tiêu dùng, luật sư Bình nhận định, hiện rất nhiều người làm kinh doanh tự do, không thể chứng minh tài sản đảm bảo để vay tín chấp với ngân hàng như bảng lương, giấy tờ đứng tên đồng hồ điện, nước.

Tuy nhiên, họ cần mua hàng phục vụ nhu cầu trước mắt, có thể là xe máy để đi lại hoặc tivi, tủ lạnh, hoặc cần tiền chữa bệnh... Họ không có khả năng thanh toán trọn gói những món hàng muốn mua, cũng không đủ tài sản đáp ứng thủ tục vay của ngân hàng. Chính sự xuất hiện của các công ty tài chính được xem như là phao cứu sinh đối với họ. Dù vậy, vẫn cần quản chặt, tránh các công ty này khi không đòi được tiền của khách hàng lại mượn tay đòi nợ thuê để xử lý.

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh doanh đòi nợ thuê đang phát sinh nhiều hệ lụy xấu

    01:52, 11/04/2019

  • Đừng để đòi nợ thuê thành vấn nạn của xã hội

    11:00, 09/04/2019

  • Kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê: Sao cứ không quản được thì cấm?

    05:00, 03/10/2018

  • Kiến nghị cấm kinh doanh đòi nợ thuê có khả thi?

    07:09, 01/10/2018

  • TP HCM kiến nghị cấm loại hình kinh doanh đòi nợ thuê

    16:04, 27/09/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đòi nợ thuê kiểu “xã hội đen”, đối phó như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO