Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Campuchia được xem là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất tại ASEAN!
Trước đó, nhiều người coi Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển với tốc độ nhanh nhất khu vực ASEAN, và Việt Nam được xem là nơi “an trú” lý tưởng đối với làn sóng tháo chạy khỏi đại lục để tránh các ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Vốn được đánh giá là một quốc gia kém phát triển, nhưng trên thực tế Campuchia lại có tiềm năng phát triển đặc biệt mạnh mẽ. Trong triển vọng kinh tế khu vực do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố vào giữa tháng 10, tổ chức này dự báo rằng tổng sản phẩm quốc nội của Campuchia sẽ tăng 7% trong năm 2019, vượt xa mức 6,5% của Việt Nam.
Campuchia đã giữ được vị trí là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực kể từ năm 2017. Ngoài IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng dự báo Campuchia sẽ duy trì mức tăng trưởng cao khoảng 7% sau năm 2019.
Vào thời điểm các nền kinh tế lớn của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan đang phải vật lộn với suy thoái, nền kinh tế Campuchia vẫn tăng trưởng mạnh mẽ vì ba lý do chính.
Thứ nhất, xuất khẩu hàng may mặc và các sản phẩm khác của Campuchia được dự báo sẽ tăng 12% trong năm 2019. Mặc dù nhập khẩu được dự báo sẽ tăng 16% và tăng thâm hụt tài khoản vãng lai lên 13% GDP.
Thứ hai, sự thiếu hụt sẽ được bù đắp nhiều hơn từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 24% GDP - yếu tố đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Campuchia phát triển.
Thứ ba, quốc gia này duy trì được tỷ lệ lạm phát vừa phải ở mức 2,2%, mặc dù giá dầu thô tăng, trong khi Campuchia lại hoàn toàn nhập khẩu nguồn nguyên liệu này.
Đáng nói, vào tháng 11/2018, EU đã phát động một thủ tục chính thức để tước quyền của Campuchia được tham gia sáng kiến “Mọi thứ trừ vũ khí” (EBA), sau khi Thủ tướng Hun Sen trở lại nắm quyền trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 7/2018, trong đó đảng của ông giành được tất cả các ghế trong Quốc hội.
Có thể bạn quan tâm
21:10, 29/04/2019
09:00, 26/02/2019
06:30, 11/12/2018
“Mọi thứ trừ vũ khí” (EBA) là một sáng kiến của Liên minh châu Âu, theo đó tất cả hàng nhập khẩu vào EU từ các nước kém phát triển nhất, ngoại trừ vũ khí, sẽ được miễn thuế và không có hạn ngạch. EBA có hiệu lực từ ngày 5/3/2001.
Nhưng không giống như nhiều nền kinh tế mới nổi khác, Campuchia có thể theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế nhờ xuất khẩu và đầu tư, cũng như giá cả ổn định do cấu trúc kinh tế dựa trên đồng USD của Mỹ.
Đồng bạc xanh rất phổ biến ở Campuchia, từ các cửa hàng tạp hoá nhỏ đến các trung tâm thương mại lớn. Người dân bản địa lẫn người nước ngoài đều có thể sử dụng song song đồng USD và đồng nội tệ. Ngoài ra, tại Campuchia, đồng USD được ước tính chiếm hơn 80% lượng tiền tệ lưu hành trong nước và hơn 90% số tiền gửi tại ngân hàng.
Chính việc sử dụng đồng tiền dự trữ chính toàn cầu đã mang lại lợi ích đáng kể cho Campuchia. Chẳng hạn, hầu hết các giao dịch kinh doanh đều được quy đổi bằng USD và không có rủi ro ngoại hối.
Mặc dù Campuchia có hệ thống tỷ giá vốn được xem là thả nổi cho đồng riel, thì đồng tiền bản địa này thường được chốt ở mức khoảng 4.000 riel cho một đồng USD do lưu thông hạn chế. Bên cạnh đó, chính phủ cũng duy trì tỉ giá này một cách ổn định như một cách để giảm thiểu khả năng lạm phát.
Trong khi đó, nhiều năm nay nền kinh tế của Campuchia lại được hỗ trợ bởi phần lớn vốn đầu tư từ Trung Quốc. Năm 2018, các khoản đầu tư trực tiếp vào Campuchia đạt 4,6 tỷ USD, và ba phần tư trong số đó đến từ Trung Quốc. Không có gì ngạc nhiên với con số đầu tư này do từ lâu Trung Quốc đã định vị Campuchia là chìa khóa trong sáng kiến Vành đai và Con đường của mình.
"Tiền của Trung Quốc đang chảy vào Campuchia để thu được tài sản tính bằng USD, bất kể lợi nhuận là bao nhiêu", ông Hiroshi Suzuki, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu kinh doanh Campuchia nhận định.
Với việc chính quyền ông Tập Cận Bình đẩy mạnh hơn nữa một chiến dịch chống tham nhũng, Campuchia ngày càng thu hút dòng vốn khổng lồ từ Trung Quốc đổ vào các lĩnh vực như bất động sản hay các tài sản khác với giá trị tính bằng USD nhằm thoát khỏi sự giám sát của Bắc Kinh.
Trớ trêu thay, mối quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc đang được tăng cường bởi trước đây Campuchia thuộc khu vực kinh tế dựa trên đồng USD. Dường như Campuchia cũng đang nhận ra những bất thường trong việc phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, quốc gia này đang nỗ lực để vượt ra khỏi cơ sở tăng trưởng kinh tế dựa vào Bắc Kinh.
Trong một động thái liên quan, kể từ năm 2017, Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) đã yêu cầu tất cả các tổ chức tài chính trong nước phải giữ tối thiểu 10% số dư nợ của họ.
Với yêu cầu trên, NBC đặt mục tiêu tự quản lý chính sách tiền tệ. Hiện nay, theo cơ cấu kinh tế dựa trên đồng USD, NBC không thể điều tiết tiền đến từ đâu hoặc bao nhiêu tiền, vì vậy nó thiếu phương tiện để kiểm soát hoạt động kinh tế thông qua cung ứng tiền và lãi suất.
Tốc độ lưu thông của đồng riel không tăng một phần do niềm tin của công chúng vào đồng nội tệ vẫn còn thấp. Trong bối cảnh đó, một phần trong nỗ lực nâng cao nhận thức cho người dân Campuchia về tầm quan trọng của đồng nội tệ, NBC đã mở một bảo tàng về tiền và nền kinh tế của quốc gia tại Phnom Penh vào tháng 4 vừa qua.
Có thể công bằng khi nói rằng Campuchia đã hy vọng trong nhiều thế kỷ để đạt được sự phát triển kinh tế dựa trên đồng tiền của chính mình như hiện nay. Nhưng nếu nước này vội vàng giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và đưa ra các hạn chế về ngoại tệ, thì có thể sẽ tốc độ phát triển kinh tế sẽ không được như kỳ vọng, thậm chí đồng riel sẽ mất giá một cách khó kiểm soát.
Thủ tướng Hun Sen đã phát biểu tại lễ khai trương bảo tàng tiền tệ, rằng “chúng tôi cần thời gian, bởi vì việc chuyển nhanh sang nền kinh tế chỉ dựa trên đồng riel là không thể".
Ông Jayant Menon, đồng tác giả cuốn sách của ADB với nhan đề “Giải quyết vấn đề đa tiền tệ ở các nền kinh tế chuyển đổi”, cho rằng biện pháp tốt nhất lúc này đối với Campuchia là tiếp cận từ từ đối với vấn đề chống lại tình trạng "đô la hóa" hơn là thực hiện cải cách quyết liệt.
Theo các chuyên gia, vẫn có những biện pháp ngắn hạn để các Chính phủ giảm bớt sự phụ thuộc vào USD. Chẳng hạn, Campuchia có thể tăng cường khích lệ người dân gửi tiền tiết kiệm bằng đồng nội tệ hoặc một số khu vực tư nhân trả lương bằng đồng riel.