Cơ sở dữ liệu dân cư đã và đang được khai thác và sử dụng hiệu quả, sẽ là động lực thúc đẩy hoạt động tín dụng cá nhân, thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển.
Thanh toán không dùng tiền mặt, với nội hàm sử dụng các phương tiện, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng để thanh toán, chuyển tiền. Hoạt động này muốn thực hiện được, khách hàng phải mở và gửi tiền vào tài khoản tại ngân hàng. Với ý nghĩa đó, xét về bản chất của tài chính toàn diện, thanh toán không dùng tiền mặt cũng là một trong nội dung, nhiệm vụ của tài chính toàn diện. Hoạt động này, nếu được tổ chức thực hiện tốt và mở rộng sẽ trở thành động lực lớn thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển mạnh mẽ, đúng với mục tiêu chính sách.
Trước hết, thực hiện và tổ chức tốt hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động tín dụng phát triển. Ngoài việc khách hàng mở tài khoản và sử dụng dịch vụ ngân hàng, tiếp cận tốt dịch vụ ngân hàng, quá trình này cũng sẽ tạo điều kiện và tiềm năng tốt cho phát triển dịch vụ tín dụng. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, cơ sở dữ liệu dân cư đã và đang được khai thác và sử dụng hiệu quả trong hoạt động dịch vụ tài khoản, cũng sẽ là nguồn thông tin tốt cho hoạt động tín dụng cho vay tiêu dùng; cho vay bằng phương thức điện tử… Đây sẽ là động lực thúc đẩy hoạt động tín dụng cá nhân phát triển, thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển khi có thêm nhiều người dân tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng.
Thực hiện tốt hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, khi các giải pháp công nghệ hiện đại ngày càng được các TCTD sử dụng phổ biến hơn để nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm an toàn, bảo mật và hiệu quả trong thanh toán qua ngân hàng nói chung và thanh toán trực tuyến nói riêng. Quá trình này sẽ là cơ sở nền tảng để thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển theo xu hướng phát triển nền kinh số và phát triển toàn diện tài chính số.
Việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, với những tiện ích, tiện lợi mang lại sẽ là yếu tố thúc đẩy các dịch vụ tài chính khác phát triển. Đồng thời, những lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt, là cơ sở quan trọng để tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, cho chính các TCTD. Từ đó tiết giảm chi phí đầu vào và giảm lãi suất cho vay bền vững đối với doanh nghiệp và người dân, đạt được mục tiêu của tài chính toàn diện, đó là cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính với chí phí hợp lý cho mọi người dân. Trong quá trình đó, thanh toán không dùng tiền mặt lại trở thành yếu tố động lực thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển.
Những kết quả mang lại từ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển mà còn thực hiện hiệu quả các mục tiêu chính sách vĩ mô về phòng chống tín dụng đen, phòng chống tội phạm ngân hàng, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, cũng như các hoạt động thanh toán lĩnh vực công và chi trả an sinh xã hội không bằng tiền mặt….
Với nghĩa đó, các TCTD cần tiếp tục quan tâm các giải pháp để mở rộng và phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động này. Đồng thời, góp phần thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu to lớn hơn về phát triển tài chính toàn diện trong thời gian tới.
Năm 2024, Việt Nam có hơn 200 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, thanh toán không dùng tiền mặt. Cả năm, có khoảng 17 tỷ giao dịch, tổng giá trị đạt khoảng 280 triệu tỷ đồng (tăng hơn 120% về giá trị so với cùng kỳ), góp phần thúc đẩy hiệu quả nền kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam.
Theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, năm nay sẽ là năm "chốt" thực hiện của đề án. Các mục tiêu cụ thể của đề án đặt ra đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP); thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng cơ sở chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm... đã và đang đặt ra những "đầu bài" để thúc đẩy hơn nữa hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt từ phía hệ thống các TCTD, cũng như nền kinh tế số.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh khác nhau và tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.
Bên cạnh đó, là các mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công.
Việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng cũng được nhìn nhận là một trong những điểm mấu chốt để tăng cường hiệu quả triển khai Chiến lược tài chính toàn diện của quốc gia. Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, sau gần 5 năm triển khai Chiến lược, việc nghiên cứu, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp giai đoạn Chiến lược mới cũng như phù hợp sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ là cần thiết. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng để thúc đẩy phát triển, mở rộng, đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, tuân thủ chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế... (P.V)