Đòn bẩy mới cho thị trường phim Việt

Linh Lan 02/08/2018 15:32

Sự ra đời của quỹ đầu tư đầu tiên trong lĩnh vực điện ảnh Việt Nam được kỳ vọng sẽ mang lại “luồng gió” mới cho thị trường phim Việt vốn vẫn đang vật lộn tìm kiếm khán giả trong nhiều năm qua.

Theo thông tin từ CTCP Đầu tư Việt Nam Giải trí, Quỹ Đầu tư Việt Nam Giải trí (VEF) có giá trị vốn ban đầu là 50 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng. Đây là dạng quỹ mở chuyên đầu tư về giải trí đầu tiên trên thị trường Việt Nam. Nguyên tắc hoạt động của quỹ là sở hữu cổ phần trong các Cty khác, hoặc đầu tư vào các dự án phim.

 Quỹ Đầu tư Việt Nam Giải trí (VEF) có vốn hóa 50 triệu USD dự kiến IPO sau 5 năm. Ảnh: Ban đại diện Quỹ VEF

Quỹ Đầu tư Việt Nam Giải trí (VEF) có vốn hóa 50 triệu USD dự kiến IPO sau 5 năm. Ảnh: Ban đại diện Quỹ VEF

Mục đích hoạt động của VEF

Với năm cổ đông sáng lập ban đầu gồm Yeah1CMG, R&B Capital Group, Surfing Holdings, MBC Studio, Green International, CTCP Đầu tư Việt Nam Giải trí dự kiến sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu VEF lần đầu ra công chúng trong 5 năm tới và thực hiên niêm yết trên sàn chứng khoán nhằm thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Cao Tùng, Giám đốc điều hành CTCP Đầu tư Việt Nam Giải trí, chia sẻ mục tiêu của quỹ này nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất phim tại Việt Nam. Quỹ sẽ hỗ trợ tài chính rộng rãi và chuẩn hóa các studio sản xuất phim tại Việt Nam.

Đồng thời, Quỹ cũng sẽ tối đa hóa lợi nhuận cho nhà đầu tư thông qua việc tăng giá trị vốn và tỷ suất cổ tức từ các tài sản được đầu tư ban đầu bao gồm sở hữu trí tuệ của phim điện ảnh, kênh quảng cáo rạp…

Gia tốc mới cho phim Việt

Theo số liệu từ Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam, tổng doanh thu của thị trường phim Việt năm 2017 khoảng 3.220 tỷ đồng, tăng trưởng 13,6% so với năm 2016. Thị trường phim Việt đang tăng trưởng 25% mỗi năm và sẽ đạt quy mô hơn 5.600 tỷ đồng vào năm 2020.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là phần lớn doanh thu ở các rạp chiếu phim hiện tại đến từ các bộ phim được sản xuất từ nước ngoài. Phim Việt, dù đã có nhiều cố gắng trong những năm gần đây, mới chỉ chiếm khoảng 30% tổng doanh thu phòng vé.

“Nền điện ảnh của chúng ta từ trước đây đến nay chỉ tuyên truyền là chính, không có marketing. Hiện tại, văn hóa điện ảnh Việt Nam chưa được đặt đúng chỗ. Nhà nước cũng chưa có định hướng bởi vì kinh tế vừa mới mở cho lĩnh vực điện ảnh. Điện ảnh Nhà nước hiện cũng đang khó thích nghi với cơ chế thị trường,” bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến Phim Việt Nam, nhận xét.

Trên thực tế, thị trường điện ảnh đã được mở cửa cho các hãng phim tư nhân từ đầu những năm 1990, nhưng sau đó nhanh chóng sụp đổ. Và phải tới đầu những năm 2000 các hãng phim tư nhân mới bắt đầu quay trở lại mạnh mẽ hơn, sau sự thành công của các bộ phim như “Gái nhảy” hay “Dòng máu anh hùng”.

Tuy nhiên, số lượng phim sản xuất được cũng chưa phải là nhiều. Bà Hạnh cho biết từ năm 2015 tới nay trung bình mỗi năm cả nước mới sản xuất được từ 40-60 bộ phim. Và đặc biệt số phim được lựa chọn đưa lên công chiếu ở các rạp chiếu phim nhằm tranh giành được phần nào đó trong miếng bánh hơn hai nghìn tỷ đồng lại càng hiếm.

Ông Tùng chỉ ra nguyên nhân của sự vắng bóng phim Việt chính là do sự thiếu liên kết. “Trên thực tế nếu một trong 5 cổ đông hoạt động riêng lẻ thì chỉ sản xuất 1-3 phim một năm, nhưng khi họ hợp sức với nhau có thể sản xuất được 10-15 phim,” ông Tùng nói và nhấn mạnh rằng các đơn vị sản xuất phim sẽ không phải lo nhiều về tài chính nhờ vào sự hỗ trợ của VEF. Mỗi dự án quỹ sẽ góp 5-45%, tùy thuộc vào nhu cầu đơn vị sản xuất.

Như vậy, sự xuất hiện của một quỹ đầu tư đầu tiên trong lĩnh vực điện ảnh có thể coi là một “liều thuốc” gia tốc giúp đẩy nhanh sự phát triển của ngành điện ảnh Việt Nam. Nhưng có lẽ vẫn còn quá sớm để nói được rằng VEF có thành công hay không.

Cạnh tranh với CGV

Để hoạt động thực sự hiệu quả, ngoài việc đầu tư vào sản xuất phim, các cổ đông sáng lập cũng hiểu ra rằng cần phải nắm trong tay hệ thống rạp chiếu phim mới tối đa hóa được lợi nhuận. Câu chuyện về tỷ lệ ăn chia không thống nhất giữa CGV và các Cty sản xuất phim Việt trước đây, như phim “Tấm Cám chuyện chưa kể” là lời cảnh báo vẫn còn nguyên giá trị tới VEF.

Có thể bạn quan tâm

  • Tranh cãi CGV “dìm hàng” phim Việt: Có thể cần đến cơ quan chức năng?

    Tranh cãi CGV “dìm hàng” phim Việt: Có thể cần đến cơ quan chức năng?

    11:02, 20/08/2016

  • Bí quyết thành công của ông chủ hãng phim Pixar

    Bí quyết thành công của ông chủ hãng phim Pixar

    06:18, 21/06/2018

  • 9x kiếm tiền tỷ nhờ một thứ bước ra từ phim hoạt hình

    9x kiếm tiền tỷ nhờ một thứ bước ra từ phim hoạt hình

    07:23, 17/05/2018

  • 'Chuyện tử tế' - bộ phim chưa bao giờ mất tính thời sự dù hàng chục năm đã trôi qua

    'Chuyện tử tế' - bộ phim chưa bao giờ mất tính thời sự dù hàng chục năm đã trôi qua

    20:54, 21/03/2018

Tháng trước, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam đã có văn bản gửi lên Cục Quản lý cạnh tranh- Bộ Công Thương, trong đó cho rằng CGV đang thông qua nhiều phương thức khác nhau để thực hiện hoạt động tập trung kinh tế với một số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trong ngành sản xuất phim, phát hành phim và rạp chiếu phim.

Đây chính là điều mà VEF không thể làm ngơ và cho biết sẽ đa dạng lĩnh vực nhằm giảm rủi ro, nhưng đảm bảo được mục tiêu đầu tư. Cụ thể, trong năm 2018, VEF dự kiến đầu tư liên kết và mua bản quyền quảng cáo tại 26 rạp trên các tỉnh thành bao gồm cụm rạp Starlight, Beta Cineplex, EVC, Cinebox, Cinestar. Theo kế hoạch đến năm 2022, số cụm rạp liên kết của VEF sẽ tăng lên khoảng 40.

Trong khi đó, lĩnh vực đầu tư vào rạp chiếu phim nằm trong những chiến lược dài hạn của VEF. Như vậy, trong tương lai rất có thể CGV Việt Nam sẽ có thêm một đối thủ đáng gờm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đòn bẩy mới cho thị trường phim Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO