Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không có nhiều lợi thế để nhận chuyển giao sản xuất, mua hàng từ các tập đoàn đa quốc gia có thể dịch chuyển khỏi Trung Quốc
Báo cáo của VASI gửi Bộ KHĐT đánh giá chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục khó khăn, do các nền kinh tế lớn tiêu thụ sản phẩm chế tạo đều có thể còn rất lâu mới hoạt động ổn định trở lại. Do đó, việc phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu sẽ làm cho nhiều công ty công nghiệp hỗ trợ phải đóng cửa.
Mặc dù doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không quá khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào và chưa phải ngừng sản xuất trong đại dịch Covid-19 nhưng gần 1/2 doanh nghiệp hội viên VASI đã bị giảm doanh thu đến 50% trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến 85% doanh nghiệp ngành này giảm đến 70% doanh thu trong quý II.
Theo VASI, có thông tin và nhận định cho rằng, sau đại địch này, các công ty đa quốc gia có thể chuyển sản xuất hoặc mua hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia thứ 3, và đây là cơ hội tốt của Việt Nam.
Tuy nhiên, Hiệp hội này cho biết đến thời điểm này, các doanh nghiệp hội viên nhận được rất ít thông tin lạc quan từ thị trường. Một vài công ty sản xuất linh kiện nhựa và cơ khí nhận được thêm đơn hàng từ khách hàng tại Việt Nam, do việc cung ứng từ Trung Quốc khó khăn trong thời gian trước. Tuy nhiên, ngay khi Trung Quốc phục hồi sản xuất thì các đơn hàng thêm này đã giảm dần và sẽ dừng hẳn.
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch VASI cho biết, việc chuyển sản xuất/mua hàng sang quốc gia thứ 3 ngoài Trung Quốc đã được các tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm trong vài năm trở lại đây. Tuy vậy, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hầu như không đáp ứng được các yêu cầu để chuyển giao. Trong khi đó có nhiều quốc gia có lợi thế hơn hẳn Việt Nam trong việc nhận chuyển giao này, như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn độ…
Nguyên nhân là do quy mô doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam rất nhỏ (trung bình là dưới 200 lao động, máy móc ít, có vài dây chuyền, trình độ quản lý dừng ở mức này), nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời, chỉ một vài công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Trong khi khách hàng chuyển từ Trung Quốc luôn cần sản lượng rất lớn/sản phẩm phải là cụm linh kiện hoàn chỉnh.
Thứ hai, số lượng doanh nghiệp đạt yêu cầu về chất lượng rất ít (chỉ khoảng 1000 công ty, so với Trung Quốc là hàng trăm ngàn). Để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với sản phẩm là cụm linh kiện hoàn chỉnh, chuỗi phải đầy đủ công đoạn, như thế cần có nhiều doanh nghiệp đảm nhận các khâu.
Việc chia nhỏ này cũng góp phần cạnh tranh về giá. Hiện tại với nhiều hạng mục hoàn thiện, doanh nghiệp Việt Nam phải gửi sang Thái Lan/Trung Quốc gia công rồi gửi về, làm chi phí cao thêm.
Cuối cùng, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là ngay cả khi đã đạt về chất lượng và chủng loại sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá so với Trung Quốc.
Để đón đầu cơ hội tiếp nhận đầu tư, bán hàng cho các công ty đa quốc gia có thể di dời khỏi Trung Quốc, VASI cho rằng Chính phủ cần tiếp cận để đàm phán cụ thể với các công ty này. Song song đó, có kế hoạch chi tiết hình thành các tổ hợp/liên doanh công nghiệp hỗ trợ gồm các doanh nghiệp nhỏ, các cụm liên kết sản xuất hoặc có biện pháp ưu đãi cụ thể cho các công ty công nghiệp hỗ trợ quy mô vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất đáp ứng yêu cầu mới; xây dựng các chương trình hiệu quả khuyến khích hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ các ngành chế tạo.
Về dài hạn, cần có chính sách tạo dung lượng thị trường đủ cho công nghiệp hỗ trợ phát triển kết hợp với liên tục giảm thủ tục hành chính, cắt bỏ các chi phí không chính thức, phát triển các tập đoàn nội địa sản xuất sản phẩm cuối cùng, các tổ hợp doanh nghiệp, cụm liên kết công nghiệp để làm chủ "cuộc chơi" công nghiệp chế tạo. Cùng với đó, xây dựng chính sách phát triển các ngành vật liệu cho công nghiệp hỗ trợ, ban hành Luật công nghiệp hỗ trợ/Luật Công nghiệp…
Có thể bạn quan tâm
00:33, 19/04/2020
11:15, 17/04/2020
11:00, 05/04/2020
07:30, 15/02/2020
21:35, 04/02/2020