Trong điều kiện tự nhiên ở nước ta, mùa vụ thu hoạch sầu riêng thông thường rơi vào đầu mùa mưa. Do đó, việc dọn vườn và chăm bón cho sầu riêng mau hồi phục sau thu hoạch là rất quan trọng để vụ trái tiếp theo đạt kết quả tốt. Những việc cần làm như sau:
1. Khai thông mương rãnh: Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long do đất thấp bằng phẳng, nhiều sét nên rút nước rất chậm. Vào mùa mua đất dễ bị úng làm rễ không ăn xuống sâu được và bị thiếu oxy để thở và ăn bàn lên mặt đất (Hình 1), do vậy phải làm rãnh thoát nước và khai thông mương vườn sau khi thu hoạch. Kích thước rãnh thoát nước tùy theo kích thước líp, nếu líp khoảng 6 m thì mương vườn là đường thoát nước chính, chỉ cần làm rãnh ngang (rãnh như xương cá để nước thoát xuống mương), còn líp rộng thì phải làm rãnh thoát nước giữa 2 hàng cây, rãnh có kích thước ngang 30 - 40 cm và sâu 40 - 50 cm.
Còn ở vùng đồi núi của Miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, rãnh nước được làm theo đường đồng cao độ và có rãnh dọc theo hướng dốc để vừa thoát nước vừa chống xói mòn đất. Vào đầu mùa mưa, các rãnh này phải được khai thông nạo vét để thoát nước tốt trong suốt mùa mưa. Nhất là năm nay, theo dự báo có những trận mưa lớn gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây.
2. Rửa độc chất: Trong mùa nắng, các độc chất như phèn, mặn, … tích tụ nhiều ở tầng đất mặt của vườn cây. Vào đầu mùa mưa, nước mưa hòa tan các độc chất này làm hại rễ. Ông bà ta biết rất rõ tác hại này, không những đến cây trồng mà cả đến sức khỏe con người, nên rất hạn chế ra làm vườn ở thời điểm mưa đầu mùa. Để giúp cây trồng khỏe mạnh, vào đầu mùa mưa bà con xới xáo nhẹ mặt đất rồi rãi đều vôi hay Đầu Trâu Mặn-Phèn (Hình 2) lên khắp mặt đất. Vôi được bón 200-300 kg/ha. Còn Đầu Trâu Mặn phèn bón 100-150 kg/ha để hóa giải và rửa độc chất.
3. Tỉa cành sửa tán.
Mục đích của tỉa cành là để kích thích cây ra chồi mới tập trung khỏe mạnh, tán cây thông thoáng nhận đầy đủ ánh sáng và giảm sâu bệnh. Còn sửa tán là giúp tán cây tròn đều, có chiều cao thích hợp (Hình 3).
Sầu riêng không ra hoa ở ngọn mà ra hoa mang trái trên thân và cành chính, vì vậy tỉa cành giữ lại những cành khoẻ mạnh cách mặt đất trên 50 cm sau thu hoạch. Cắt bỏ cành khô, cành bị sâu bệnh, ốm yếu bị che khuất trong tán và những cành mọc không đúng vị trí theo mong muốn của nhà vườn. Sau khi tỉa, những vết cắt có đường kính trên 1 - 2 cm cần được quét sơn, vôi hoặc thuốc trừ nấm hay dùng băng keo nilon bịt vết cắt sao cho không thấm nước. Sau mỗi lần cắt phải dọn vệ sinh cành, nhánh đã cắt để hạn chế mầm bệnh phát tán, có thể dùng vôi bột pha nước quét lên thân cây từ mặt đất đến khoảng 1m. Khi cây quá cao (trên 7 m) cần cắt ngọn để hảm bớt chiều cao thuận lợi cho quá trình chăm sóc, thu hoạch.
4. Bón phân nuôi đọt mới: Sau khi tỉa cành sửa tán, phải bón phân để cây mau phục sức, nuôi cành lá mới chuẩn bị cho vụ tiếp theo. Xới đất thành băng xung quanh gốc theo hình chiếu của tán, rộng khoảng 50 cm và sâu khoảng 7-8 cm. Nếu liếp trồng hai hàng và cây đã giáp tán thì xới một băng dài giữa liếp và băng xương cá giữa 2 cây trên hàng. Bón phân vào những băng đã xới. Phân NPK bón cho cây giai đoạn nầy có tỷ lệ N cao như phân chuyên dùng “Đầu Trâu AT1“ (Hình 4) hay Đầu Trâu 20-20-15 cũng được với liều lượng 1-2,5 kg/cây tùy theo loại cây và tình trạng sinh trưởng. Nếu cây sinh trưởng kém có thể bổ sung thêm 0,2-0,4 kg/cây phân Đạm Hạt Vàng Đầu Trâu 46A+.