Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn sẽ là thành phố trực thuộc Thủ đô?

PHƯƠNG UYÊN 06/10/2022 18:10

Hà Nội sẽ xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).

>>> Tăng chính sách đặc thù, đột phá cho Hà Nội

UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 3627 phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030.

xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên sông Hồng và sông Đuống...

Hà Nội xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài

Cực tăng trưởng mới của Thủ đô

Việc phát triển nhà ở của thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2021-2030 gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ, quản lý theo quy hoạch, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch; quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm; phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững.

Hà Nội sẽ phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên sông Hồng và sông Đuống...

Bên cạnh phát triển nhà ở bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả, Hà Nội cũng chú trọng phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư, đặc biệt là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở...

Trước đó, Nghị quyết 15 mới của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2045 xác định sẽ hình thành một số cực tăng trưởng mới, xây dựng mô hình phát triển thành phố thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc như Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn - đảm bảo kết nối với các tỉnh, thành phố phía Bắc như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên và thành phố tại khu vực phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai), kết nối với các tỉnh phía Tây Bắc để hình thành động lực phát triển kinh tế vùng.

>>> Lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030: 4 vấn đề cần lưu ý

Ngoài ra, Hà Nội tập trung phát triển các huyện lên quận. Phấn đấu đến 2025 có từ 3-5 huyện phát triển thành quận, đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận. Nghiên cứu mở rộng nâng cấp sân bay Nội Bài và xây dựng thêm một sân bay quốc tế dự kiến tại khu vực phía Nam Thủ đô. 

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, hiện có rất nhiều yếu tố được xem là động lực để thành lập thành phố ở khu vực phía Bắc và phía Tây Thủ đô.

Mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô được xem là giải pháp tạo cơ chế cho chính quyền đô thị năng động, linh hoạt trong việc kêu gọi đầu tư phát triển nhờ tính độc lập tương đối. Ngoài ra, đây được coi là bước trung gian để giảm áp lực đầu tư và nâng cấp đô thị trung tâm thành đô thị đặc biệt.

Hà Nội sẽ phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây như vùng Hòa Lạc, Xuân Mai...

Phát triển đô thị vệ tinh và xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô 

Đột phá về phát triển đô thị

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đã xác định 2 thành phố tại khu vực phía Bắc và phía Tây trực thuộc Thủ đô Hà Nội, thể hiện sự đột phá về phát triển đô thị. Đây là mô hình chính quyền đô thị đổi mới, thích hợp trong phân công, phân cấp quản lý. 

Từ kinh nghiệm thí điểm thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh hơn một năm qua, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Hà Nội cần có mô hình chính quyền thích hợp, đủ năng lực quản lý. Các khu vực thành phố hình thành trong tương lai có vị thế liên kết chặt chẽ với Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng.

Do đó, phải nâng tầm vai trò để các thành phố này không chỉ là của Thủ đô, mà còn là đầu mối liên kết với các vùng. Ngoài ra, thu nhập, chất lượng sống của người dân phải được nâng cao, như các tiêu chí về đô thị thông minh, thân thiện với người dân; cần có chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các thành phố mới. 

Ở khía cạnh khác, KTS Phạm Thanh Tùng - Ủy Viên Ban thường vụ, Chánh văn phòng TƯ Hội KTS Việt Nam nhìn nhận, với hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, với 3 đường vành đai hiện hữu và vành đai 4 chuẩn bị thực hiện, việc tập trung xây dựng những đô thị vệ tinh đúng nghĩa sẽ phù hợp. 

Để làm được điều đó, Hà Nội cần tính đến bài toán làm cách nào để di dân ra khỏi nội thành. Theo ông Tùng, thời gian qua, Hà Nội cũng tạo ra được một số đô thị vệ tinh (ngoại thành), nhưng các khu đó dường như chỉ để "ngủ" chứ không phải đô thị theo đúng nghĩa.

"Hà Nội cần lưu ý đến quy hoạch phải lường trước nguồn lực để đầu tư. Tránh việc “vẽ xong rồi để đấy”. Để khi người dân đã di dời khỏi nội thành nhưng vẫn phải tập trung về đây để làm việc. Chưa kể còn rất nhiều khu đô thị bỏ hoang, không thu hút được dân cư đến ở" - vị chuyên gia nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Quy hoạch Hà Nội thành không gian sống xứng tầm Thủ đô

    Quy hoạch Hà Nội thành không gian sống xứng tầm Thủ đô

    05:00, 20/03/2022

  • Chú trọng liên kết vùng trong quy hoạch Hà Nội

    Chú trọng liên kết vùng trong quy hoạch Hà Nội

    05:00, 10/12/2021

  • "Điệp khúc" điều chỉnh quy hoạch Hà Nội: Nguy cơ tiền lệ xấu

    14:18, 10/01/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn sẽ là thành phố trực thuộc Thủ đô?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO