Đồng bộ chính sách cho “Tam ngư”: Nâng cao trách nhiệm quản lý

NGUYỄN VIỆT thực hiện 09/06/2022 12:05

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045 với việc đồng bộ chính sách “tam ngư” mở ra triển vọng mới cho kinh tế biển nước ta hướng ra biển và làm giàu từ biển.

>>Vì sao ngành thủy sản có nhiều ngư dân nhưng sản xuất lại manh mún, tự phát?

Đồng bộ chính sách tam ngư (ngư dân – ngư nghiệp – ngư trường), là vấn đề được PGS TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam chất vấn “tư lệnh” ngành nông nghiệp. 

Ông Hồi cho biết, hiện nay, trên 66 đảo thuộc 14 huyện đảo có cư dân sinh sống từ lâu đời với số lượng dân khoảng 240.000 người và mật độ dân số trung bình khoảng 100 người/km2. Lực lượng lao động nghề cá trên biển cũng khá dồi dào và ngày càng đa dạng với khoảng 10.000 tàu thuyền đánh cá hoạt động hàng ngày trên khắp vùng biển chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của đất nước. Sản lượng khai thác hàng năm trên toàn vùng biển khoảng 2,3 triệu tấn, trong đó ở vùng biển ven bờ có độ sâu nhỏ hơn 50 m ước khoảng 1,5 triệu tấn, còn ở vùng khơi sản lượng khai thác đạt 800.000 tấn/năm, thấp hơn trữ lượng dự tính.

Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng tàu cá phát triển một cách tự phát, lượng tàu thuyền khai thác hải sản và tổng công suất máy tàu trong toàn quốc tăng lên không ngừng. Số lượng tàu cá cỡ nhỏ tăng bình quân 2.300 chiếc/năm và số lượng ngư dân trực tiếp khai thác hải sản tăng bình quân 23.155 người/năm. Hiện nay, số lượng tàu đánh cá có khoảng trên 130.000 chiếc, trong đó các tàu công suất máy nhỏ hơn 90 CV chiếm tới 80% tổng số tàu lắp máy trong toàn quốc.

Bên cạnh đó, nghề cá quy mô nhỏ với trên 80% tàu thuyền hoạt động ở các vùng nước gần bờ, nơi chỉ chiếm khoảng 11% diện tích vùng đặc quyền kinh tế làm cho nguồn lợi vùng gần bờ suy kiệt nghiêm trọng, khả năng phục hồi rất chậm.

p/Đào tạo ngư dân khi chuyển từ tàu nhỏ sang tàu lớn là vấn đề cần lưu ý trong chính sách ngư ngiệp. (Đánh bắt cá tại ngư trường Trường Sa. Ảnh: Tấn Vũ)

Đào tạo ngư dân khi chuyển từ tàu nhỏ sang tàu lớn là vấn đề cần lưu ý trong chính sách ngư nghiệp. (Đánh bắt cá tại ngư trường Trường Sa. Ảnh: Tấn Vũ)

- Với hơn 3.000 km bờ biển, ngành thủy sản cần những gì để trở thành ngành kinh tế mạnh có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thưa ông?

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh mục tiêu phát triển ngành thủy sản thành ngành sản xuất chiến lược, đảm bảo nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Có những lúc tôi băn khoăn tự hỏi, ngành thuỷ sản hơn 30 năm đổi mới luôn tăng trưởng và đứng top đầu thế giới, có thời điểm đứng thứ 4 trong tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản toàn cầu, tuy nhiên rất ít nước đến học hỏi kinh nghiệm thuỷ sản Việt Nam. Vì sao như vậy? Bởi vì, chúng ta lấy tổng sản lượng để bù vào tổng giá trị, mà không lấy hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng của sản phẩm để bù lại.

Trong khi đó, tổng số tiền xuất khẩu thuỷ sản của Philipines mặc dù thấp, nhưng chia 1 kg thuỷ sản sản phẩm thì lại có giá trị rất cao, vì chất lượng của họ không những tốt lại còn được can thiệp bằng công nghệ.

Muốn ngành nông nghiệp có đột phá và đổi mới toàn diện thì phải sử dụng công nghệ sinh học, trong đó có áp dụng bảo quản sau thu hoạch. Thuỷ sản phân huỷ rất nhanh, nhưng khâu này cũng chưa được quan tâm. Cho nên, chúng ta thấy hình ảnh những con cá ngừ vừa được ngư dân Việt Nam đánh bắt lên chỉ 15 phút sau trên sàn đấu giá ở Nhật Bản đã giảm tới 50%, do khâu xử lý bảo quản kém. Vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm lúc này là ngành nông nghiệp phải tổ chức lại sản xuất. Lấy ví dụ trong lĩnh vực thuỷ sản, chúng ta có các nghị định, như Nghị định 67, 68, 69, 70 về hỗ trợ ngư dân đóng tàu. Có tàu lớn nhưng đi “đơn lẻ” thì cũng không giải quyết được vấn đề. Đóng tàu ra khơi phải có đội hình để xử lý hai việc, từ thiên tai đến “nhân tai”. Vì lĩnh vực thuỷ sản phải đối mặt với những rủi ro rất lớn của tự nhiên. Do đó, phải có tổ chức để hỗ trợ cho nhau.

Như vậy, cần giải quyết đồng bộ về mặt chính sách giữa ba khâu, đó là ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường.

>>Tàu xa bờ và nước mắt ngư dân

>>Quảng Nam: Ngư dân “cắn răng” vươn khơi bám biển

>>Hải Phòng: Giá xăng dầu tăng cao khiến ngư dân không dám cho tàu ra khơi

- Như vậy, chính sách tam ngư là nội dung được các đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Bộ NN và PTNN, thưa ông?

Rõ ràng chúng ta chưa giải quyết vấn đề ngư trường, tức là đóng tàu lớn để ra biển đánh cá. Nhưng đánh chỗ nào? Chỗ đó có nhiều cá như tàu muốn đóng hay không?... thì lại chưa thấy đánh giá. Bản thân ngư dân chuyển từ tàu nhỏ sang tàu lớn, trước đây sử dụng các ngư lưới cự thô sơ bây giờ lên tàu lớn, được trang bị ngư cự đại thì đã được đào tạo qua trường lớp nào chưa? Đây chính là vấn đề ngư dân, ngư nghiệp.

Chúng ta đang làm rất tốt và ca ngợi những thành công của chính sách tam nông, đó là nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, chính sách tam ngư lại chưa được quan tâm, lưu ý.

Tàu lớn chỉ là khâu sản xuất. Mấu chốt là đánh bắt đến đâu, có hiệu quả hay không? Hay lại chạy “lòng vòng”, trong khi giá xăng dầu cao? “Công hành quân lớn hơn công chiến đấu”, đi tìm mãi mà không thấy bãi cá tương ứng với nhu cầu và khả năng đánh bắt của con tàu?

Đây là những vấn đề cần phải được nghiên cứu thấu đáo. Nếu không giải quyết đồng bộ được tam ngư, tổ chức lại sản xuất thành một đội hình, ra biển không phải là công nhân đánh cá, mà vẫn là nông dân đánh cá thì mục tiêu “công nghiêp hoá, hiện đại hoá” ngành thuỷ sản Việt Nam vẫn còn ở “đâu đó” rất xa.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu chung đến năm 2030 là phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo.

Một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành thủy sản đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD. Giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước. Xây dựng các làng cá ven biển, đảo thành các cộng đồng dân cư văn minh, có đời sống văn hóa đậm đà bản sắc riêng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản phải là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm; bảo đảm an sinh xã hội, làng cá xanh, sạch, đẹp, văn minh; lao động thủy sản có mức thu nhập ngang bằng mức bình quân chung cả nước; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo.

Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đề ra các giải pháp là phát triển kết cấu hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và hoàn thiện một số cơ chế, chính sách; tăng cường thị trường và hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực chế biến thủy sản...

Có thể bạn quan tâm

  • Chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư vào nông nghiệp cần sát thực tế

    10:48, 08/06/2022

  • Nông sản là “điểm sáng” của ngành nông nghiệp

    09:24, 08/06/2022

  • "Tư lệnh ngành nông nghiệp" cần có giải pháp quyết liệt hơn

    03:00, 08/06/2022

  • Hướng đến ngành nông nghiệp an toàn

    20:14, 07/06/2022

  • Nông nghiệp chưa thoát "3 lời nguyền" manh mún, nhỏ lẻ, tự phát

    17:03, 07/06/2022

  • Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp

    15:23, 07/06/2022

  • Chất vấn lĩnh vực nông nghiệp: Kinh tế nông nghiệp cần những chính sách phù hợp

    05:00, 07/06/2022

  • Cần chính sách phù hợp để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn

    10:25, 02/06/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đồng bộ chính sách cho “Tam ngư”: Nâng cao trách nhiệm quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO