Nói đến Thụy Sĩ là hình ảnh của ngân hàng và chocolate hiện ra trước mắt.
Ồ không, cả đồng hồ nữa! Suốt 2 thế kỷ, chiếc đồng hồ cơ trên mặt kính khắc dòng chữ “Làm tại Thụy Sĩ” đã thống trị trên quả đất.
Nói vậy, nhưng không ít lần đồng hồ Thụy Sĩ bị chao đảo trong sóng gió thương trường. Song, người Thụy Sĩ đã biết cách chống thấm nước cho chiếc đồng hồ của mình, để chiếc đồng hồ Thụy Sĩ không chìm và vẫn tốt hơn đồng hồ… thế giới!
Từ bỏ túi đến đeo tay
Thụy Sĩ không phải là nước đầu tiên làm ra đồng hồ. Tuy nhiên, chẳng có sản phẩm nào lại in đậm dấu ấn cá nhân của người chế tạo ra nó như chiếc đồng hồ Thụy Sĩ. Trong “Biên niên sử” của ngành đồng hồ, chỗ trang trọng nhất hẳn phải dành cho Abraham Louis Breguet, sinh năm 1747, người chuyên sản xuất đồng hồ bỏ túi cho giới vua chúa, quý tộc. Người ta nói rằng hoàng hậu nước Pháp Marie Antoinette vẫn xem giở trong ngục tối trước khi bước lên máy chém bằng chiếc đồng hồ của Breguet. 250 năm sau, thương hiệu độc quyền Breguet vẫn vang lừng thiên hạ. Những chiếc đồng hồ phong cách cổ điển của Breguet tiếp tục được giới nhà giàu săn trên các sàn đấu giá danh tiếng.
Sang đầu thế kỷ 20, một bước ngoặt lớn trong ngành chế tạo đồng hồ đến từ… thời trang nước Anh! Wilsdorf & Davis, hãng kinh doanh đồng hồ tại London, nhận thấy thời đại của áo Gi-lê dành cho đàn ông bắt đầu lỗi mốt và họ dự doán đồng hồ đeo tay sẽ lên ngôi thay “dòng họ” đồng hồ bỏ túi.
Biel, Thụy Sĩ. Con người tài hoa này đã chế tạo ra chiếc đồng hồ đeo tay chịu được lực chấn động mạnh và tác động của môi trường như gió, bụi, nước khắc nghiệt (so với một chiếc đồng hồ được sưởi ấm trong túi áo Gi-lê). Wilsdorf đặt tên cho nó - sau này trở thành huyền thọai – Rolex.
Năm 1927, Gleitze, cô thợ đánh máy thất nghiệp, muốn trở thành người phụ nữ đầu tiên bơi qua biển Manche (giữa Anh và Pháp). Vị doanh nhân Anh khôn ngoan tặng cô một chiếc đồng hồ Rolex. Khi Gleitze bước chân lên bờ biển Anh sau 15 giờ ngâm mình dưới nước, chiếc Rolex vẫn chạy đúng từng giây, nhờ có lớp vỏ bảo vệ được mệnh danh là “con hàu” (Oyster). Wilsdorf đã mua toàn bộ trang nhất của tờ báo Anh ăn khách Daily Mail London để ca ngợi cô đánh máy vàtất nhiên, cả chiếc đồng hồ của ông! Sau này ông còn gắn chiếc Rolex lên thân con tàu ngầm Trieste lặn xuống đáy vực Marianna sâu nhất thế giới (10.000m) ở Thái Bình Dương. Chiếc đồng hồ vẫn chạy tốt dưới áp lực lớn khủng khiếp!
Năm 1933, một nhà thiết kế Rolex đã được cấp bằng sáng chế cho loại động cơ lắp trong đồng hồ, được mệnh danh là “Vĩnh cửu” (Perpetual). Bởi lẽ Rolex
không bao giờ “chết” nếu không tháo đồng hồ ra khỏi tay. Ngày nay, Rolex nằm trong top 4 những thương hiệu đồng hồ danh tiếng nhất thế giới, được gắn với những mỹ từ tiêu chuẩn “Chính xác, chống nước, tự động”. Doanh số hàng năm của nó vượt quá 7 tỷ USD. Dẫu rằng nổi tiếng, thế nhưng Rolex kín tiếng như một con hàu. Họ là doanh nhân bí ẩn bậc nhất trong ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ. Người ta chưa bao giờ thấy một chiếc đồng hồ Rolex trong suốt!
Thảm họa đến từ Nhật Bản
Đến giữa thế kỷ 20, đồng hồ Thụy Sĩ chiếm hơn một nửa số đồng hồ thế giới. Năm 1950, người Mỹ phát minh ra bộ bán dẫn có thể thu nhỏ linh kiện điện tử trong vỏ một chiếc đồng hồ đeo tay. Và 3 năm sau, hãng Bulova (Hoa Kỳ) đã chế tạo ra chiếc đồng hồ điện tử đầu tiên.
Là những người thợ đồng hồ tài giỏi, chuyên lắp thủ công các bộ truyền động cơ học, song người Thụy Sĩ cũng ý thức được tiềm năng vô hạn của các linh kiện điện tử. Năm 1962, Trung tâm đồng hồ điện tử Thụy Sĩ ra đời, lôi cuốn được sự tham gia của những hãng đồng hồ cơ danh tiếng như Omega, Rolex… Và họ nhanh chóng dẫn đầu công nghệ sản xuất đồng hồ điện tử.
Thế nhưng điều trớ trêu là khách hàng không chọn đồng hồ điện tử phân khúc giá cao như ý muốn của các hãng đồng hồ Thụy Sĩ. Vào đầu những năm 70, người Nhật Bản đã tung ra thị trường nhiều dòng đồng hồ điện tử giá rẻ bất ngờ, có độ chính xác rất cao. Cú lao dốc về giá thành đã khiến cả ngành đồng hồ Thụy Sĩ hùng mạnh choáng váng, lâm vào khủng hoảng. Người Thụy Sĩ cố phản công trong tuyệt vọng, song như muỗi đốt inox. Trong vòng 10 năm, thị trường đồng hồ cổ điển điêu tàn, 2/3 thợ đồng hồ Thụy Sĩ thất nghiệp! Những hãng đồng hồ ngạo mạn như Omega,Tissot… buộc phải hạ mình cầu xin vay tiền ngân hàng.
Cuộc giải cứu
Mùa xuân năm 1983, các nhà tài phiệt, chủ nhân của 2 tập đoàn ngân hàng giàu nhất Thụy Sĩ từng là đối thủ của nhau, đã có một cuộc họp kín với Nicolas Hayek, thương nhân người Li-băng, tác giả của một chương trình giải cứu đồng hồ Thụy Sĩ đầy tham vọng. Sau mấy ngày bàn nát óc, bước khởi đầu được quyết định: Sát nhập 2 tập đoàn làm đồng hồ lớn nhất Thụy Sĩ thành tập đoàn Swatch danh tiếng sau này. Và Nicolas Hayek được giao toàn quyền hành động với sự hậu thuẫn của hơn 100 ngân hàng cùng vô số các chủ nợ!
Sau 18 tháng, Hãng Omega - cái hũ mất tiền lớn nhất - đã được giải cứu đầu tiên, chứng tỏ cuộc tái thiết đã thành công. Thế rồi đồng hồ Swatch đã ra đời, cứu sống toàn bộ ngành công nghiệp đồng hồ của Thụy Sĩ. Thực ra đồng hồ Swatch được thai nghén từ trước khi tập đoàn Swatch trình làng. Vào cuối những năm
70, Thomke, người tiền nhiệm của Hayek, bị các khách hàng Hoa kỳ bỏ rơi, vì đồng hồ ông làm ra quá dày lại đắt, trong khi Seiko và Citizen của Nhật vừa mỏng lại hợp túi tiền bình dân. Điên quá, ông triển khai một dự án mang tên “Cơn mê sảng” và kết quả là chiếc đồng hồ mỏng nhất thế giới (1,98mm) được ra đời. Thế nhưng, thành tựu xuất sắc về công nghệ này không bù đắp được sự mấtmát về doanh số và thị phần của đồng hồ Thụy Sĩ, bởi chúng vẫn đắt!
Tháng 3/1980, Thomke quyết định chế tạo một dòng đồng hồ giá rẻ, dựa trên công nghệ độc đáo, không ai có thể sao chép, kể cả người Nhật, của “Cơn mê sảng”. Đấy là chiếc đồng hồ Swatch. Hai năm sau, một dây chuyền sản xuất bằng robot rất hiện đại đưa trình làng những chiếc Swatch đầu tiên. Trong khi Swatch rất hot ở châu Âu thì người Mỹ vẫn thờ ơ.
Và đây là lúc Marketing phải ra tay! Một đêm ấm áp cuối tháng 6/1983, trong giờ giải lao giữa buổi hòa nhạc của dàn nhạc giao hưởng Boston (Mỹ), Marvin Traub, chủ nhân Bloomingdales, trung tâm mua sắm khổng lồ ở New York, đã mách nước cho một lãnh đạo của Swatch: Hãy xem Swatch như biểu tượng về phong cách sống (thời trang), chứ không chỉ là một cái máy đo thời gian! Nhất là bây giờ sự chính xác không còn được coi trọng, vì đồng hồ nào cũng thế.
Thomke tìm và cộng tác với Jean Robert, một nhà thiết kế thời trang phụ nữ tài năng - người đã gây nên cơn sốt kéo dài bởi những sản phẩm nội y tinh tế, gợi cảm. Trong vòng 5 năm, Robert đã tạo ra hơn 350 kiếu dáng thiết kế tinh xảo, từ sợi dây đeo, mặt số đồng hồ, đến chiếc hộp đựng sản phẩm. Vào thời đỉnh cao, tín đồ của Swatch, xếp hàng cả đêm để quyết mua chiếc đồng hồ đời mới sẽ được bày lên quầy hàng vào sáng hôm sau! Khi Swatch về đích 100 triệu chiếc, Hayek - người đã mang hơi thở mới cho sản phẩm cũ - được mệnh danh là “Ngài
Swatch”. Từ đó, mỗi lần ra mắt công chúng, ông đeo ở mỗi cánh tay 4 chiếc đồng hồ Swatch! Sau 30 năm, nhân loại đã xài gần 500 triệu chiếc đồng hồ huyền thoại đó.
Thập niên 80, tập đoàn Swatch lại khởi đầu sự phục hưng huy hoàng của đồng hồ cơ cổ điển. Khi những chiếc đồng hồ điện tử Thụy Sĩ đã cưỡi lên đầu đồng hồ Nhật Bản, thì Hayek mới tung ra loại đồng hồ cơ mặt sau trong suốt, nhìn rõ từng bánh răng đang chuyển động. Lần lượt, những tượng đài như Blancpain, Patek Philippe… bị lãng quên được hồi sinh. Nhiều thiên tài mới xuất hiện chỉ để làm ra các dòng đồng hồ dành cho đại gia mới nổi, đăng nhan nhản trên chuyên mục “Tiêu tiền thế nào?” của tờ Financial Times. Năm 2002, chiếc “Heurus Universelles” làm bằng Platin của hãng Patek Philippe được bán trên sàn Antiqourom với giá 4 triệu USD thời đó.
Ngày nay, 95% đồng hồ cao cấp do người Thụy Sĩ làm ra. Đồng hồ Thụy Sĩ vẫn tốt hơn đồng hồ thế giới!