Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã định hướng, Hà Nội cần nghiên cứu xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (Hoà Lạc, Xuân Mai).
>>> Quy hoạch Hà Nội thành không gian sống xứng tầm Thủ đô
Trao đổi cùng DĐDN, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội để Thủ đô Hà Nội thực hiện chính quyền đô thị đổi mới.
- Theo ông, Hà Nội sẽ phải chuẩn bị gì để phát triển theo định hướng này, thưa ông?
Năm 2016, Quốc Hội lần đầu tiên công nhận mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc trung ương, với TP Thủ Đức trực thuộc TP HCM.
Trong đó, tiêu chuẩn để công nhận là thành phố trực thuộc thành phố thì trước đó khu vực này đã phải là một đô thị, tức là khi đặt ra vấn đề xây dựng TP trực thuộc thành phố cho Hà Nội đầu tiên từ nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và thứ 2 là nghiên cứu về quy hoạch 2021 - 2030.
Trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị ban hành ngày 5/5 đã xác định 2 thành phố trực thuộc Thủ đô Hà Nội. Điều này thể hiện sự đột phá về phát triển đô thị, cũng như mô hình chính quyền đô thị mới. Trong đó, mô hình chính quyền đô thị với những chính sách đặc thù tại Luật Thủ đô sẽ được xem xét.
Có thể bạn quan tâm |
Với định hướng của Nghị quyết 15, Hà Nội cần những sự đột phá mới, đây là mô hình thích hợp trong phân công phân cấp quản lý, trong mô hình chính quyền đô thị đổi mới.
- Rõ ràng, Thành phố sẽ có những tiêu chí khác với quận. Vậy, Hà Nội cần định hướng quy hoạch ra sao để phát huy hiệu quả về đất đai, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thưa ông?
Xem xét về vị trí định hướng trở thành TP cơ bản đã đạt được các tiêu chí về tốc độ đô thị hóa, diện tích lớn hơn 150km, dân số hơn 150.000 người, đạt được tiêu chuẩn TP loại 1,2,3.
Vấn đề lớn cần xem xét ở đây là cơ cấu về trình độ phát triển, thu nhập bình quân của thành phố này phải hơn 1 lần trung bình của cả nước. Bên cạnh đó, tỷ lệ cơ cấu kinh tế bao gồm công nghiệp, xây dựng, dịch vụ phải lớn hơn và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp phải lớn hơn 80%. Với các nhóm tiêu chí trên, vấn đề quan trọng là cơ cấu kinh tế công nghiệp dịch vụ phải cao, cần sự đổi mới trong cơ cấu kinh tế thì mới đạt được yêu cầu.
5 tiêu chí giữa quận và TP có sự khác biệt lẫn nhau. Do đó Hà Nội phải có kế hoạch rà soát lại các tiêu chí để có kế hoạch đảm bảo đủ tiêu chuẩn chứ không nợ tiêu chí nữa.
- Việc thí điểm TP Thủ Đức hơn 1 năm qua đã để lại bài học cho các TP trực thuộc TP Hà Nội, thưa ông?
TP Thủ Đức thành lập gần như là một thí điểm, qua thời gian thực hiện đã bộc lộ rất nhiều nhược điểm, đây là vấn đề mà Hà Nội phải rút kinh nghiệm.
Thứ nhất, cần có chính quyền thích hợp, đủ năng lực quản lý mô hình thành phố. Đây cũng là một trong những chính sách đặc thù trong sửa đổi Luật Thủ đô trong thời gian tới. Nếu như Quốc hội thông qua sửa đổi Luật Thủ đô lần này, Hà Nội sẽ có cơ hội rất lớn trong áp dụng mô hình chính quyền đô thị mới.
Thứ hai, cần chú trọng các chỉ tiêu để đảm bảo việc đô thị hóa có thể đạt yêu cầu TP.
Thứ ba, các khu vực TP hình thành trong tương lai có vị thế liên kết chặt chẽ với các vùng xung quanh. Bao gồm vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, do đó phải nâng tầm vai trò của các TP này, để không phải là TP của Thủ đô mà còn là đầu mối nghiên liên kết với các vùng. Và để thực hiện điều đó cần Luật Thủ đô thông qua.
Bởi trong 16 chính sách đặc thù mà Luật Thủ đô đề cập đến đã có chính sách giải quyết mối quan hệ với vùng, trong đó giao Hà Nội có những quyền để tạo ra những sự liên kết, chuyển đổi với các vùng.
Thứ tư, thu nhập, chất lượng sống của người dân phải được nâng cao, như các tiêu chí về đô thị thông minh, tiêu chí đô thị thân thiện với con người. Cần có chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các TP mới này.
- Xin cảm ơn ông!
Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng, Hà Nội cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị…, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội. Nghị quyết định hướng, Hà Nội cần nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân – Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng. |