Chuyển đổi số trong du lịch không chỉ là một chiến lược mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho Hải Phòng.
Chuyển đổi số đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trong nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch - lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ từ công nghệ và hành vi tiêu dùng của khách hàng.
Động lực tăng trưởng du lịch
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng cho biết, chuyển đổi số là một trong những trọng tâm phát triển của thành phố Hải Phòng. Điều này được thể hiện qua việc lựa chọn Hải Phòng liên tiếp 2 năm liền chọn “chuyển đổi số” là chủ đề năm. Cũng không phải ngẫu nhiên, Hải Phòng lựa chọn “chuyển đổi số” là chủ đề năm mà đây là cực tăng trưởng, nhân tố phát triển bền vững.
Đặc biệt, tại Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng đã nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong việc tăng tỷ trọng kinh tế số trong GDP, đặt mục tiêu quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP trong thời gian tới. Du lịch thông minh là xu hướng không thể đứng ngoài, và Hải Phòng đang có những bước đi cụ thể để hiện thực hóa chiến lược này.
Hiện tại, Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch Hải Phòng đã hoàn thành hai nhiệm vụ quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số du lịch. Đó là cổng du lịch thông minh và xây dựng cổng thông tin du lịch thông minh số hóa hình ảnh, công trình du lịch trên địa bàn.
Thêm nữa, dù công nghệ mang lại nhiều tiện ích nhưng du lịch vẫn là một ngành dịch vụ mang tính trải nghiệm. Những người làm chuyển đổi số phải đóng vai trò như một “liều kích thích”, khiến du khách cảm thấy tò mò và mong muốn đến trải nghiệm thực tế. Du lịch qua màn ảnh không thể thay thế được trải nghiệm trực tiếp tại điểm đến, ông Dương Đức Hùng cho biết thêm.
Ông Hùng chia sẻ, điều quan trọng là phải biến công nghệ thành một kênh hỗ trợ hiệu quả, giúp du khách tiếp cận thông tin một cách dễ dàng, nâng cao sự hứng thú, nhưng vẫn giữ được tính hấp dẫn của du lịch truyền thống. Ví dụ, công nghệ thực tế ảo có thể giúp du khách khám phá trước điểm đến, nhưng trải nghiệm thực tế tại Cát Bà, Đồ Sơn hay nội đô Hải Phòng vẫn là điều không thể thay thế.
Hiện, Hải Phòng đã có những bước đi quan trọng trong quá trình này, từ việc xây dựng hạ tầng du lịch thông minh đến số hóa di sản. Tuy nhiên, để thực sự tạo ra tác động mạnh mẽ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và du khách.
Ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp lữ hành
Một ví dụ điển hình về chuyển đổi số trong doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Ngọc Phong - Giám đốc Công ty Du lịch Hoa Phượng chia sẻ, Công ty đã bắt đầu quá trình chuyển đổi số từ 8 năm trước, sớm hơn nhiều so với mặt bằng chung của ngành. Họ đã triển khai sử dụng phần mềm quản lý lữ hành do chính công ty xây dựng và liên tục nâng cấp để phù hợp với hoạt động doanh nghiệp.
Ông Phong cho biết, ban đầu, phần mềm này giúp tối ưu hóa việc quản lý dữ liệu khách hàng, bao gồm lưu trữ thông tin, nhắc nhở ngày hết hạn hộ chiếu, và cải thiện chăm sóc khách hàng. Đối với khâu quản lý sản phẩm, nếu trước đây việc xây dựng báo giá mất khoảng 20 phút, thì hiện nay chỉ mất 5 phút. Về tài chính, hệ thống phần mềm cho phép tự động hóa quá trình thu chi, liên kết trực tiếp với kế toán, giảm thiểu sai sót.
"Mặc dù quá trình chuyển đổi không hề dễ dàng công ty mất khoảng 2 năm để phần mềm thực sự hoàn thiện và vận hành trơn tru - nhưng kết quả mang lại rất đáng kể. Nhờ ứng dụng công nghệ, chi phí quản lý giảm tới 50% mỗi năm, dữ liệu có thể truy cập từ bất kỳ đâu, và các công cụ AI giúp hạn chế sai sót trong nhập liệu, chẳng hạn nhầm lẫn tên khi làm visa gần như bằng 0. Ngoài ra, AI còn hỗ trợ marketing hiệu quả, giảm thời gian thực hiện các chiến dịch quảng cáo từ 1 tiếng xuống chỉ còn 10 phút" - ông Nguyễn Ngọc Phong cho biết thêm.
Cần làm gì để du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa?
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng Dương Đức Hùng chia sẻ, dù sở hữu tiềm năng du lịch lớn, Hải Phòng vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong triển khai du lịch thông minh. Cụ thể, hệ thống máy chủ dùng chung, lưu trữ đám mây và hạ tầng số của các sở, ngành vẫn còn nhiều hạn chế; các các doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa tận dụng được hết tiềm năng của công nghệ.
Cùng với đó, chuyển đổi số trong du lịch không thể thành công nếu chỉ dựa vào cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp du lịch cần chủ động tham gia và nhận thấy lợi ích thiết thực từ công nghệ số. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận chuyển đổi số do hạn chế về ngân sách và nhận thức.
Một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, kết nối ba bên: cơ quan quản lý, doanh nghiệp và du khách. Chính quyền có thể hỗ trợ bằng cách thúc đẩy các chương trình tập huấn, định hướng chính sách và tạo cơ hội liên kết giữa các doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Phong cũng đề xuất, nếu cơ quan quản lý phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sản xuất phần mềm để xây dựng giải pháp sát với thực tế doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi số sẽ diễn ra hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, quảng bá điểm đến cũng là một nhiệm vụ quan trọng của nhà nước. Những chiến dịch truyền thông chính thống, như việc quảng bá quần đảo Cát Bà trên CNN hay thu hút các đoàn làm phim quốc tế, giúp nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam trên trường quốc tế. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp du lịch hưởng lợi từ những chiến dịch truyền thông quy mô lớn.