Theo các chuyên gia của VNDIRECT, động lực tăng giá cổ phiếu VCB của NHTMCP Ngoại thương Việt Nam vẫn còn khá lớn trong những tháng cuối năm 2019.
Nhờ cơ cấu sang các tài sản sinh lời cao, VCB đã đạt được kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm nay. Theo đó, thu nhập lãi thuần 6 tháng đầu năm 2019 của VCB tăng 31,4% nhờ biên lãi ròng (NIM) tăng 49 điểm cơ bản. VCB đã cải thiện NIM đáng kể nhờ tích cực mở rộng cho vay bán lẻ. Ngoài ra, VCB cũng tập trung nhiều hơn vào cho vay khách hàng và đầu tư trái phiếu của tổ chức tín dụng có lợi suất cao hơn, đồng thời giảm nắm giữ trái phiếu Chính phủ (TPCP) với lợi suất thấp hơn.
Cuối quý 2/2019, tín dụng của VCB tăng trưởng 13,2% so với cùng kỳ và tăng 9,9% so với cuối năm 2018, trong khi hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2019 là 15%. Vì vậy, VCB vẫn còn dư địa để mở rộng cho vay trong những tháng cuối năm 2019.
Có thể bạn quan tâm
11:01, 19/06/2019
11:01, 03/09/2018
16:32, 06/09/2018
17:12, 31/07/2019
15:27, 17/07/2019
Lãi từ phí dịch vụ tăng 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi thu nhập ngoài lãi khác giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái do một số nguyên nhân: Thứ nhất, thu nhập từ chứng khoán kinh doanh giảm 82,6% so với cùng kỳ do VCB chốt lãi danh mục TPCP khi lợi suất TPCP giảm xuống. Thứ hai, thu nhập từ đầu tư dài hạn giảm 63% so với cùng kỳ do VCB ghi nhận lãi bất thường từ thoái vốn tại các ngân hàng khác. Thứ ba, thu nhập khác giảm 18,8% so với cùng kỳ do thu nhập từ thu hồi nợ xấu giảm.
Theo các chuyên gia VNDIRECT, nhờ quản lý chi phí hiệu quả giúp lợi nhuận VCB tăng trưởng mạnh. Theo đó, chi phí hoạt động tăng nhẹ 6,6%, thấp hơn mức tăng 20,3% của tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, việc quản lý tài sản thận trọng giúp tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức 1,0% vào cuối quý 2/2019, thấp hơn mức 1,2% vào cuối quý 2/2018 và giữ nguyên so với quý 1/2019. Vì vậy, chi phí dự phòng chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tỷ lệ dự phòng/nợ xấu tăng lên 177,5% vào cuối quý 2/2019 từ 140,6% cuối quý 2/2018. Theo đó, lợi nhuận ròng 6 tháng năm 2019 của VCB đạt 9.068 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong phiên giao dịch ngày 5/8, giá cổ phiếu VCB đóng cửa mức 77.400 đồng/cổ phiếu với tổng khối lượng giao dịch 857.570 cổ phiếu, trong đó giao dịch ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt 223.630 cổ phiếu.
Các chuyên gia VNDIRECT cho rằng, giá mục tiêu của VCB có thể tăng vượt ngưỡng 83.200 đồng/cp và duy trì khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VCB trong danh mục đầu tư.
Theo VNDIRECT, động lực tăng giá trong trung hạn của VCB đến từ thỏa thuận bancassurance độc quyền với khoản phí đại lý lớn và nguồn thu nhập mới từ hoa hồng bảo hiểm. Tuy nhiên, VCB cũng đối mặt với rủi ro giảm giá nếu nợ xấu cao hơn dự báo của VNDIRECT, khiến chi phí tín dụng gia tăng trong những tháng còn lại của năm 2019.