Những nỗ lực cải thiện chỉ số PCI đã góp phần quan trọng giúp Tỉnh Thanh Hóa có những tăng trưởng đột biến với hơn 3.600 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2022.
>>Thanh Hóa: Năm 2023 thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) triển khai là công cụ, thước đo quan trọng giúp Tỉnh Thanh Hóa nói riêng các địa phương nói chung đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường đầu tư, đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố.
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá nhận định, những nỗ lực cải thiện chỉ số PCI đã góp phần quan trọng giúp Tỉnh Thanh Hóa có những tăng trưởng đột biến với hơn 3.600 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2022. Cùng với đố, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong năm 2022 vượt kế hoạch đề ra (11,5%); Thu hút 60 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư 4.833 tỷ đồng và 71,2 triệu USD.
- Để có được thành quả trên chắc hẳn chính quyền tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp?
Từ những khuyến cáo trong Báo cáo PCI, Tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ tạo điều kiện thành lập doanh nghiệp mới. Minh chứng, tỉnh miễn phi đăng ký kinh doanh, cũng như chi phí đầu tư các dự án; loại bỏ chi phí không chính thức; chuyển đổi số, đăng ký số, chữ ký số, đào tạo nâng cao năng lực quản trị, quản lý doanh nghiệp; tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó coi trọng CCHC, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh nâng cao ý thức công chức, viên chức tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp, với quan điểm không làm phiền, sách nhiễu doanh nghiệp… coi việc phục vụ doanh nghiệp là nhiệm vụ của cán bộ công chức, viên chức, chính quyền các cấp. Cùng với đó, tỉnh rà soát thể chế thuộc thẩm quyền để loại bỏ những văn bản không phù hợp với quy định pháp luật; phân cấp uỷ quyền cho các sở ngành, địa phương trực tiếp xử lý công việc nhanh cho doanh nghiệp, giảm bớt khâu trung gian, nâng cao quản lý, xử lý hồ sơ trực tuyến ở mức độ 3 mức độ 4…
- Một số nhà đầu tư cho rằng, một trong những khó khăn của doanh nghiệp khi mở rộng đầu tư tại các địa phương là việc tuyển dụng lao động có tay nghề. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào với Thanh Hoá?
Thực tế, việc đào tạo lao động luôn được tỉnh quan tâm. Với quan điểm tỉnh là làm sao phải đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, tỉnh đã giao Sở LĐ-TB&XH thường xuyên chủ trì các hội chợ lao động, tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp, người lao động để có định hướng đào tạo. Do đó, những năm qua, tỉnh đã tạo được hàng mấy chục nghìn việc làm mỗi năm… Đặc biệt, để tạo điều kiện giúp người lao động không phải đi xa, các doanh nghiệp có nhu cầu lao động lớn, dự án mở rộng kinh doanh như, may mặc, giầy da… tỉnh căn cứ quy hoạch, đưa các nhà máy về huyện để người lao động “li nông không ly hương” vẫn có thu nhập cao.
- Năm 2023 được nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, nên kinh tế sẽ chịu tác động từ xung đột Nga - Ukraine; giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao... Thanh Hoá đã có chính sách ứng phó giúp doanh nghiệp tiếp tục trụ vững và phát triển?
Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh đã có Quyết định số 4750/QĐ-UBND về Kế hoạch CCHC năm 2023 nhằm xây dựng nền hành chính trong sạch, liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc. Tỉnh tiếp tục mở rộng, triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”.
Theo đó, 97% cơ sở dữ liệu chuyên ngành được hoàn thành và kết nối, chia sẻ để sử dụng chung; 100% hồ sơ công việc tại các cấp chính quyền được xử lý trên môi trường mạng. Đặc biệt, tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, từ tỉnh đến xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC phù hợp với từng địa phương, đơn vị và định kỳ hàng quý, hoặc đột xuất báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tình hình, kết quả thực hiện.
- Từ những chính sách hỗ trợ từ chính quyền, theo ông doanh nghiệp cần làm gì đồng hành cùng chính quyền?
Trước bối cảnh hội nhập, sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay, tỉnh mong muốn doanh nghiệp trên địa bàn nghiên cứu, đánh giá và tái cấu trúc lại. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải đầu tư phù hợp với năng lực của mình, không đầu tư dàn trải, manh mún. Cùng với đó, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đồng hành cùng chính quyền CCHC.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm