Đồng Nai đẩy mạnh thu gom, tái chế rác sinh hoạt

Kim Huệ 05/06/2021 08:09

Tính đến cuối năm 2020, Đồng Nai đã cơ bản đạt chỉ tiêu thu gom, xử lý 100% chất thải sinh hoạt; giảm chôn lấp rác thải xuống dưới 15% và đang đẩy mạnh tái chế rác thải để bảo vệ môi trường bền vững.

Theo Công ty CP Dịch vụ Sonadezi (SDV) – một trong những đơn vị chủ lực trong xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn Đồng Nai, để góp phần đạt mục tiêu của tỉnh về thu gom, tái chế rác thải, việc nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ của các đơn vị thu gom, các khu xử lý là yếu tố nền tảng. Tuy nhiên, ý thức bảo vệ môi trường và sự phối hợp của các chủ nguồn thải là người dân, doanh nghiệp (DN) cũng rất quan trọng, nhất là ở khâu phân loại rác thải từ đầu nguồn và sự quan tâm, giám sát của chủ nguồn thải đối với quy trình xử lý chất thải từ thu gom cho đến điểm cuối trong khâu xử lý.

Chú trọng chọn nhà thầu đủ năng lực và chuyên nghiệp

Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh Đồng Nai khoảng 1.885 tấn rác/ngày, trong đó các DN tại 31 KCN và hàng chục ngàn DN đang hoạt động trong toàn tỉnh là các chủ nguồn thải có khối lượng rác sinh hoạt khá lớn. Việc các chủ nguồn thải chú trọng đến vấn đề xử lý chất thải sinh hoạt, chọn nhà thầu thu gom và xử lý chất thải có đầy đủ năng lực, tái chế, tái sinh chất thải theo đúng quy định sẽ góp phần tích cực trong bảo vệ môi trường tại địa phương.

Vận hành hạng mục lò đốt chất thải tại Khu xử lý chất thải Quang Trung của SDV

Vận hành hạng mục lò đốt chất thải tại Khu xử lý chất thải Quang Trung của SDV

Công ty SDV cho biết, hiện nay ngoài việc chú trọng xử lý nước thải, xử lý chất thải công nghiệp phát sinh trong sản xuất kinh doanh, các DN đang ngày càng quan tâm đến việc xử lý chất thải sinh hoạt, nhất là xử lý chất thải theo hướng tái chế. Từ khi SDV triển khai dịch vụ thu gom, xử lý rác sinh hoạt của các DN vào năm 2012 đến nay, số lượng DN chủ động tìm hiểu công nghệ xử lý, ký hợp đồng dịch vụ với SDV tăng khoảng 20%/năm. Tính đến nay, SDV đã có khoảng 50 khách hàng DN đang sử dụng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt với khối lượng khoảng 180.000 tấn/tháng.

 Riêng đối với chất thải công nghiệp, SDV đang thu gom chất thải công nghiệp nguy hại và không nguy hại của các DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với khối lượng trung bình 130 tấn/ngày, xử lý bằng các phương pháp tái chế, súc rửa, chôn lấp hợp vệ sinh, thiêu đốt, chôn lấp an toàn, hóa rắn, nghiền bóng đèn, xử lý chất thải lỏng theo Giấy phép xử lý chất thải nguy hại mã số QLCTNH 5.100. VX do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp lần 3 ngày 14/01/2020.

Được biết, bên cạnh việc xử lý chất thải theo hợp đồng với các DN, hiện Khu xử lý (KXL) chất thải Quang Trung của SDV đang tiếp nhận, xử lý rác thải sinh hoạt của các huyện Thống Nhất, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Tp. Biên Hòa, Tp. Long Khánh. Toàn bộ rác sinh hoạt được đưa vào xử lý tại Trạm tái chế chất thải làm phân compost với công suất trung bình 1.200 tấn/ngày (400 tấn/8giờ/2 dây chuyền). Trên 80% rác hữu cơ trong tổng lượng rác thải đầu vào sau khi được phân loại tại Trạm sẽ chuyển tới các xưởng ủ hiếu khí để sản suất mùn compost, tỷ lệ rác trơ chôn lấp dưới 15%, còn lại dưới 5% rác tái chế được thu hồi tái chế, tái sử dụng.

Toàn bộ thiết bị, công nghệ của Trạm tái chế chất thải làm phân compost được SDV nhập khẩu nguyên đai nguyên kiện từ Châu Âu. Hạng mục này có khả năng xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh, đảm bảo tỷ lệ rác trơ chôn lấp dưới 15%, không gây ô nhiễm môi trường.

Công nhân của SDV đang thu gom rác công nghiệp không nguy hại tại Công ty TNHH A First Vina

Công nhân của SDV đang thu gom rác công nghiệp không nguy hại tại Công ty TNHH A First Vina

Tuy nhiên, trên địa bàn Đồng Nai hiện có rất ít KXL quy mô lớn, công nghệ thân thiện môi trường và đảm bảo các tiêu chuẩn theo luật định như KXL chất thải Quang Trung. Mặt khác, các chủ nguồn thải rác sinh hoạt chưa có ràng buộc nhất định về trách nhiệm đối với đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; chưa quản lý, kiểm soát được việc đơn vị thu gom, vận chuyển có liên kết với đơn vị xử lý chất thải có chức năng theo quy định hay không.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của địa phương đã chú trọng việc tuyên truyền, khuyến cáo các chủ nguồn thải lưu ý về năng lực và mức độ thực hiện cam kết của các đơn vị thu gom, xử lý chất thải. Bởi trên thực tế, nhiều DN đang hợp tác với đơn vị thu gom là các hợp tác xã có liên kết với các đơn vị xử lý hoặc trực tiếp hợp tác với các đơn vị xử lý nhưng quy trình và kết quả xử lý rất ít khi được các DN giám sát, kiểm soát hoặc tái kiểm tra. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị xử lý chưa đảm bảo việc chất thải rắn sinh hoạt được xử lý tái chế và đạt tỷ lệ chôn lấp dưới 15%.

Một DN Nhật Bản là Công ty TNHH OM Digital Solutions trong KCN Long Thành  cho biết: “Chúng tôi chú trọng mục tiêu tăng tỷ lệ tái sử dụng/tái chế, phân loại rác tại nguồn và theo dõi việc thực hiện một cách thường xuyên. Chúng tôi quan niệm rằng việc chọn lựa nhà thầu xử lý chất thải có đầy đủ chức năng là góp phần bảo vệ môi trường và tuân thủ pháp luật. Chúng tôi xem xét kỹ hồ sơ năng lực nhà thầu trước khi quyết định chọn đơn vị để hợp tác. Theo chúng tôi, cần nêu rõ trong văn bản pháp luật các quy định, yêu cầu DN phải ký hợp đồng với đơn vị đủ chức năng thu gom – vận chuyển – xử lý chất thải”.

Chia sẻ về việc chọn dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt của Công ty SDV, đại diện OM Digital Solutions nói: “Chúng tôi chọn nhà thầu dựa theo những tiêu chí như đủ chức năng, đáp ứng tiến độ công việc, công nghệ xử lý, thời gian phản hồi khách hàng, giá thành cạnh tranh và sự thuận tiện, linh động xử lý vấn đề. Công ty SDV là  đơn vị đáp ứng được các tiêu chí này”.

Tăng năng lực xử lý rác sinh hoạt

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện Đồng Nai có 7 KXL chất thải với 11 dự án đang thu gom, xử lý chất thải. Hiện chỉ có 2/5 KXL chất thải sinh hoạt đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ chôn lấp dưới 15% là KXL chất thải Quang Trung (đạt 14,5%) và KXL chất thải tại xã Túc Trưng – huyện Định Quán (đạt khoảng 10%). Các KXL khác chưa đạt chỉ tiêu này do chưa có giấp phép vận hành lò đốt, chưa đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh môi trường, chưa đầu tư dây chuyền theo công suất thiết kế hoặc chưa đủ thủ tục pháp lý.

 Hiện nay, tổng khối lượng rác thải được xử lý bằng phương pháp compost trên địa bàn Đồng Nai là 1.218 tấn/ngày, xử lý bằng phương pháp đốt khoảng 55 tấn/ngày, chôn lấp an toàn khoảng 303 tấn/ngày, tạm lưu khoảng 58 tấn/ngày. Trong thời gian tới, dự báo khối lượng chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh sẽ tăng nhanh theo sự phát triển công nghiệp, đô thị và dân số trên địa bàn tỉnh.

Thu gom chất thải lỏng tại Công ty TNHH Daikan Việt Nam

Thu gom chất thải lỏng tại Công ty TNHH Daikan Việt Nam

Trước hiện trạng này, Công ty SDV đang tiếp tục phát triển năng lực xử lý chất thải với phương pháp đa dạng, công nghệ hiện đại nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải tại địa phương. Cụ thể, SDV đang đầu tư thêm dự án lò đốt phát điện (công nghệ và thiết bị của Châu Âu) trong KXL chất thải Quang Trung nhằm xử lý triệt để 14,5% rác trơ còn lại,  thay vì chôn lấp. Đây là hạng mục quan trọng và là mảnh ghép cuối cùng nhằm hoàn thiện chuỗi dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải của KXL chất thải Quang Trung. Dự kiến, Công ty sẽ đưa hạng mục này vào khai thác, vận hành trong năm 2022 với công suất nhà máy (giai đoạn 1) là 150 tấn/ngày, công suất phát điện (NET) 3,42 MW/module.

Tính đến thời điểm hiện nay, KXL chất thải Quang Trung là nơi tiếp nhận lượng rác thải sinh hoạt để xử lý theo phương pháp đốt và làm phân compost lớn nhất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với công suất xử lý khoảng 1.200 tấn/ngày. Dự án có diện tích 130 ha, tổng mức đầu tư (điều chỉnh) hơn 647 tỷ đồng. Hiện nay, các hạng mục tại KXL chất thải Quang Trung đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng như Trạm tái chế chất thải làm phân compost, lò đốt chất thải công suất 1 tấn/giờ, trạm xử lý hóa rắn công suất 20 tấn/ngày, trạm xử lý hóa lý chất thải lỏng công suất 100 tấn/ngày, trạm xử lý nước thải tập trung 200 m3/ngày... với tổng giá trị đã đầu tư khoảng 421 tỷ đồng.         

Trạm tái chế chất thải làm phân compost trong Khu xử lý chất thải Quang Trung

Trạm tái chế chất thải làm phân compost trong Khu xử lý chất thải Quang Trung

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, việc hoàn thành mục tiêu thu gom 100% chất thải rắn sinh hoạt và giảm tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 15% (trong khi tỷ lệ bình quân của cả nước hiện nay là 70%) là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, các DN và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Để duy trì và đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, Đồng Nai đang thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để các KXL chất thải trên địa bàn đầu tư đúng tiến độ và đảm bảo các tiêu chí như luật định. Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích các DN và người dân tăng cường thực hiện quyền lợi, trách nhiệm của chủ nguồn thải, góp phần cùng tỉnh thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Kim Huệ

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đồng Nai đẩy mạnh thu gom, tái chế rác sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO