Năm 2020, tỉnh Đồng Nai có gần 300 dự án bất động sản, bao gồm 248 dự án nhà ở thương mại và 49 dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tổng diện tích dự án nhà ở thương mại tại địa phương này khoảng 9.832 ha và 158 ha dự án nhà ở xã hội. Các dự án bất động sản tập trung ở khu vực TP Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom.
Dự án ì ạch, bất động
Đáng chú ý, trong năm 2019, HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua danh mục 170 dự án sẽ thu hồi đất, trong đó hiện có 119 dự án đang thực hiện các bước thu hồi đất. Theo đó, 29 dự án đã có quyết định thu hồi đất, 40 dự án có thông báo thu hồi đất và 50 dự án đang lập thủ tục thu hồi đất.
Ghi nhận và khảo sát thực tế của phóng viên tại một số quận huyện trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho thấy: Tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá cao nhưng lại khá nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa triển khai, hoặc đang triển khai nhưng theo kiểu cầm chừng khiến người dân nằm trong vùng quy hoạch dự án khá bức xúc.
Lý do khiến người dân bức xúc vì đất đai, nhà cửa bị quy hoạch trong dự án nên không thể đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa, những quyền lợi khác như tách thửa, sang nhượng, cho tặng đất đai cũng bị giới hạn.
Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân tại xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) cho biết: Hàng chục ha đất của người dân nằm trong vùng quy hoạch dự án Khu nhà ở công nhân và chuyên gia Vạn Phúc, nằm gần trung tâm hành chính huyện nhưng vẫn chưa đâu vào đâu.
Theo người dân xã Phú Hội, trước đây nhà đầu tư ký hợp đồng với gia đình ông sẽ thu hồi đất và phương án bồi thường bằng cách cấp các nền đất đã hoàn thành hạ tầng trong dự án. Tuy nhiên, dự án kéo dài từ năm 2003 đến nay đã 16 năm vẫn chưa xong hạ tầng để giao đất nền như cam kết.
Trong khi đó đất đai đã bị thu hồi, đất nền thì chủ đầu tư chưa trả để xây dựng nhà ở khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn khổ, vật vờ chờ đợi.
Tương tự, địa bàn các xã Long Tân, Phú Thạnh, Phước An... của huyện Nhơn Trạch cũng tồn tại hàng chục dự án khu dân cư kéo dài trên dưới 10 năm chưa triển khai. Chỉ khảo sát sơ bộ tại xã Vĩnh Thanh đã có 4 tới 5 dự án bất động sản “treo dài hạn” gần 10 năm chưa thực hiện.
Tình trạng này được người dân địa phương phản ảnh nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri vì các dự án được vẽ “trên giấy” ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế và đời sống của nhiều hộ dân.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 03/03/2020
09:15, 25/02/2020
10:40, 24/02/2020
17:20, 22/02/2020
Ghi nhận của phóng viên tại TP Biên Hòa cho thấy, hàng loạt dự án khu dân cư nằm trên địa bàn các phường Long Bình Tân, Phước Tân, Tam Phước, Thống Nhất, Hóa An... kéo dài từ 8 đến 12 năm chưa xong.
Tại huyện Long Thành cũng có nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị ở các xã Tam An, Long An... ì ạch triển khai gần cả thập niên nhưng vẫn chưa hoàn thành nổi khâu hạ tầng.
Chính quyền “dẹp” như thế nào?
Trước những vấn nạn trên, UBND tỉnh Đồng Nai dường như đã nhận diện tình trạng kiểu đầu tư “đánh trống ghi danh”, nhằm xí phần, đầu cơ và sang nhượng dự án. Và để xử lý dứt điểm được tình này này thì biện pháp thu hồi dự án “treo” sẽ là liều thuốc đặc trị.
Tuy nhiên, việc áp dụng các phương thức nào để hữu hiệu lại không hề dễ dàng, và nguyên nhân của sự tồn tại này do còn vướng mắc một số quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó chưa kể đến khía cạnh, góc độ của cơ quan quản lý nhà nước thì việc: “Thu hồi dự án “treo” phải đảm bảo không làm ảnh hưởng tới hình ảnh môi trường đầu tư thông thoáng; đảm bảo không gian thẩm thấu được dự án tốt, chủ đầu tư tiềm lực”.
Chiếu theo báo cáo số 4736 /SKHĐT-QLN của Sở Kế hoạch và Đầu tư trình lên UBND tỉnh Đồng Nai vào cuối năm 2019, cho thấy: Từ khi Luật Đất đai có hiệu lực (từ tháng 7/2014) cơ quan này mới chỉ tham mưu cho tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư đối với 32 dự án. Đây là một con số rất khiêm tốn trong tương quan so sánh với số lượng các dự án chậm triển khai.
Điểm đáng ngại là trong danh sách dự án bị thu hồi đa phần dự án trong lĩnh vực bất động sản như các khu dân cư (KDC); nhà ở xã hội; khu, cụm công nghiệp (CCN).
Có thể kể ra một vài dự án mà khi nhắc tới tên và số vốn đăng ký đã từng là niềm tự hào của công tác thu hút đầu tư nhưng giờ lại là “điểm nghẽn” khó trôi như: Dự án KDC Long Tân và Phú Hội (giai đoạn 1, vốn 1.433 tỷ đồng), KDC Long Tân (giai đoạn 1, vốn 295,8 tỷ đồng), KDC Phước Khánh (giai đoạn 1, vốn 592 tỷ đồng), KDC Thiên Nam xã Phú Hội (1.299,4 tỷ đồng), KDC Long Tân, Cty công ích Quận 5 ( vốn 1.327,3 tỷ đồng), KDC Sông Đà 11 tại các xã Phú Thạnh, Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch (vốn 561,5 tỷ đồng), CCN Thạnh Phú - Thiện Tân (vốn 85,3 tỷ đồng), CNN Trị An (vốn 392 tỷ đồng), CCN Suối Tre 1 ( vốn 83,8 tỷ đồng)…
Nguyên nhân khiến các dự án bị thu hồi vì nhà đầu tư thấy chưa có hạ tầng kết nối nên chưa triển khai, vướng bồi thường giải phóng mặt bằng, nguồn vốn không đảm bảo, chuyển đổi mục tiêu đầu tư.
Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho hay: Hiện tại, địa phương đang tiếp tục rà soát các dự án bất động sản “bất động” và thu hồi chủ trương đầu tư nếu nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai dự án.
Cũng theo vị lãnh đạo này, thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều dự án bất động sản chậm triển khai. Một phần nguyên nhân nữa là tâm lý “chờ thời” xuất hiện từ phía các chủ đầu tư, chờ sự đột phá hạ tầng kết nối lớn như sân bay Long Thành, cầu Cát Lái, cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 3… để gia tăng giá trị nên “câu giờ” thực hiện dự án.
Kỳ 2: Hệ lụy từ câu chuyện giải phóng mặt bằng