Là một tỉnh tập trung nhiều công ty với số lượng công nhân lớn, thời gian qua tỉnh Đồng Nai đã có nhiều giải pháp mạnh tay nhằm xử lý tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp.
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tính đến hết quý I/2019, tổng số nợ BHXH, BHYT trên địa bàn Đồng Nai là hơn 643 tỉ đồng, chiếm 2,8% số phải thu. Nhiều doanh nghiệp tuy đã bị xử phạt hành chính, bị khởi kiện nhưng vẫn cố tình dây dưa nợ đọng kéo dài như: Công ty CP Lilama 45.1 (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1) nợ hơn 19,8 tỉ đồng; Công ty CP Lilama 45.4 (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) nợ 8,4 tỉ đồng; Công ty TNHH Jooco Dona (Khu công nghiệp Bàu Xéo) nợ hơn 16,9 tỉ đồng; Công ty TNHH Hanul Line Việt Nam (TX.Long Khánh) nợ 9,8 tỉ đồng; Công ty TNHH Kumsung Vina (Khu công nghiệp Tam Phước) nợ hơn 8 tỉ đồng…
Việc các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT đã gây nên những hệ lụy, khiến nhiều người lao động không được hưởng các chế độ liên quan cũng như tác động xấu đến trật tự an toàn xã hội. Đơn cử, cách đây hơn 1 năm, chủ của Công ty TNHH KL Texwell Vina (KCN Bàu Xéo) bỏ trốn về Hàn Quốc, khiến gần 2.000 người lao động không đòi được tiền lương và BHXH, với tổng số tiền lên tới hơn 16,4 tỉ đồng…
Ông Vũ Ngọc Hà- Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai) cho biết, có 3 cơ sở để xử lý các doanh nghiệp trốn, nợ BHXH, gồm: Phạt vi phạm hành chính, Công đoàn cơ sở đứng ra khởi kiện và xử lý theo Điều 216 của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc xử phạt hành chính hiệu quả không cao, việc khởi kiện gặp vướng mắc về pháp lý, trong khi việc xử lý theo Điều 216 của Bộ luật Hình sự lại chưa được áp dụng.
Theo ông Phạm Minh Thành- Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, BHXH tỉnh đã chuyển nhiều hồ sơ sang Công an tỉnh để xử lý. Phía Công an đã rất tích cực phối hợp với BHXH tỉnh và các cơ quan liên quan làm việc với những doanh nghiệp chậm nộp BHXH, BHYT… Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến đa chiều và chưa thống nhất trong cách xử lý. Vì vậy, để áp dụng thống nhất, rất cần phải có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, qua đó có chế tài nghiêm khắc để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Cũng theo ông Thành, trước mắt, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đang áp dụng biện pháp mạnh đối với những doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT với số tiền lớn và thời gian kéo dài, đó là cấm xuất cảnh tạm thời với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do nợ BHXH cho đến khi doanh nghiệp trả hết nợ. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ra quyết định cấm xuất cảnh tạm thời trong vòng 3 năm hoặc đến khi doanh nghiệp trả hết nợ BHXH đối với 6 cá nhân là người đại diện theo pháp luật của những doanh nghiệp như: Nhà máy cơ khí- chi nhánh Công ty CP Lilama 45.1 (KCN Nhơn Trạch 1); Công ty CP Lilama 45.4 (KCN Biên Hòa 2); Công ty TNHH Trí Minh Phát (TP.Biên Hòa); Công ty CP Công trình giao thông Đồng Nai (TP.Biên Hòa); Công ty TNHH MTV K&T (TX.Long Khánh) và Công ty TNHH Hanul Line Việt Nam (TX.Long Khánh).
Có thể bạn quan tâm
11:05, 20/12/2018
05:10, 25/11/2018
01:17, 04/02/2018
10:03, 07/11/2017
Trong bối cảnh 3 điều luật liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT trong Bộ luật Hình sự còn phải chờ hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán thì rõ ràng giải pháp mà tỉnh Đồng Nai đang áp dụng là rất cần thiết. Giải pháp này cho thấy hiệu quả trước mắt, khi mới đây chủ của Công ty TNHH Hanul Line Việt Nam đã không thể xuất cảnh về nước. Ngay sau đó, phía công ty này đã phải truy đóng hơn 4,7 tỉ đồng; đồng thời tìm các giải pháp để thanh toán nốt số nợ BHXH.