Theo chính quyền tỉnh Đồng Nai và đại diện các doanh nghiệp (DN), hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương đang tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vào ngày 11/7/2022 về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), UBND tỉnh, các sở ngành và các chủ đầu tư khu xử lý chất thải (KXLCT) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã nêu nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc kéo dài nhiều năm nay.
Gặp khó do quy định đấu thầu và đơn giá xử lý
Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai là tỉnh phát triển về công nghiệp và rất chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, trong đó tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tốt công tác quản lý, thu gom và xử lý rác thải. Quan điểm của Đồng Nai trong quản lý CTRSH là phải làm tốt công tác phân loại, tái chế và đốt các loại rác không thể tái chế, tái sử dụng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 2.018 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom xử lý đạt 100%. CTRSH trên địa bàn Đồng Nai đang được xử lý tại 04 KXLCT theo quy hoạch. Trong đó, KXLCT Quang Trung (Công ty CP Dịch vụ Sonadezi) xử lý khoảng 1.200 tấn/ngày, KXLCT Vĩnh Tân (Công ty CP Môi trường Sonadezi) 450 tấn/ngày, KXLCT Túc Trưng (Công ty CP Thương mại - Xây dựng Đa Lộc) khoảng 110 tấn/ngày. Các dự án này đều đạt tỷ lệ chôn lấp CTRSH dưới 15% với phương pháp tái chế chất thải thành mùn compost, công suất cơ bản đáp ứng được khối lượng CTRSH phát sinh giai đoạn từ nay cho đến năm 2025.
“Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có một số khó khăn trong quản lý CTRSH do có nhiều bất cập trong các quy định về đấu giá, đầu thầu; sự giao thoa, chồng chéo giữa các ngành trong công tác quản lý CTRSH và còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể. Hiện nay, khung giá xử lý chưa phù hợp với từng công nghệ và chưa có hướng dẫn rõ ràng để địa phương có cơ sở thực hiện”, ông Võ Văn Phi nói.
Theo ông Trần Trọng Toàn - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, bên cạnh các đơn vị đã đầu tư các công trình XLCT bài bản, vẫn còn nhiều đơn vị chưa tích cực đầu tư. Một số đơn vị hầu như chỉ tập trung cho các công nghệ xử lý chất thải công nghiệp, không mặn mà trong đầu tư công nghệ xử lý CTRSH hoặc bỏ hẳn mảng này. Nguyên nhân chủ yếu là do quy định đấu thầu mỗi năm một lần khiến DN khó tính toán hiệu quả. Đồng thời mức giá trần xử lý CTRSH chưa phù hợp thực tế, hiệu quả kinh doanh thấp nên không hấp dẫn các DN.
Hiện nay, các bất cập trong công tác đầu thầu và đơn giá xử lý cũng gây nhiều khó khăn và áp lực cho chính các chủ đầu tư đang đảm nhận thu gom và xử lý phần lớn lượng CTRSH trên địa bàn Đồng Nai. Cụ thể, Công ty CP Dịch vụ Sonadezi (SDV) cho biết, đối với công tác xử lý CTRSH trên địa bàn các huyện, thành phố hiện nay, chủ đầu tư đang lựa chọn nhà thầu theo phương thức đấu thầu rộng rãi trong nước, mỗi năm thực hiện một lần. Do không chắc chắn sẽ được nhận nguồn rác thải sinh hoạt từ các huyện, thành phố nên Công ty không có cơ sở để thực hiện, tính toán kế hoạch đầu tư dài hạn, cải tiến các công trình xử lý.
Đồng quan điểm như trên, nhiều chủ đầu tư KXLCT cho rằng việc đấu thầu xử lý CTRSH hàng năm theo Luật Ngân sách và Luật Đấu thầu có thể tạo rủi ro kinh doanh và gây ra nhiều bất cập. Theo đại diện Công ty CP Môi trường Sonadezi (SZE), do cần nhiều thời gian để thực hiện trình tự, thủ tục đấu thầu theo quy định nên việc đấu thầu thường bị chậm trễ, gây ảnh hưởng đến công tác thanh quyết toán giá trị thực hiện cho nhà thầu. Bên cạnh đó, việc đấu thầu hàng năm cũng không tạo được động lực cho các KXLCT đầu tư công nghệ mới vì việc đầu tư công nghệ xử lý rác cần nguồn vốn lớn và cần có thời gian để thu hồi vốn.
Được biết, để giải quyết khó khăn này, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Sở Tài chính báo cáo Bộ Tài chính để có hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc và kiến nghị kéo dài chu kỳ đấu thầu. Tuy nhiên thực tế các Bộ ngành Trung ương vẫn chưa hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này.
Về đơn giá xử lý rác thải sinh hoạt, Công ty SDV cho biết hiện đơn giá được xây dựng theo định mức đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý CTR đô thị và xử lý nước rỉ rác theo các thông tư, quyết định của tỉnh và các Bộ, ngành liên quan trên cơ sở xác định chi phí tiền lương, giá sản phẩm, dịch vụ liên quan. Tuy nhiên, các chi phí này chưa phù hợp với tình hình hiện tại và biến động của thị trường. Ngoài ra, hiện nay các quy định giá xử lý còn chưa cụ thể, chỉ quy định cho giá theo công nghệ trong nước và nước ngoài. Nhưng thực tế có nhiều loại công nghệ trong nước, công nghệ nước ngoài nên khi áp dụng DN gặp nhiều khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, Công ty SZE cũng cho hay, đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt từ điểm trung chuyển đến cơ sở xử lý do Nhà nước chi trả được xây dựng dựa trên định mức theo Quyết định số 1904/QĐ-UBND ngày 20/6/2016 của UBND tỉnh Đồng Nai và các thông tư, quyết định khác của Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Công thương… Tuy nhiên đến nay, giá cả nguyên vật liệu và chi phí lương đã tăng rất nhiều. So với năm 2016, giá dầu DO hiện tăng gần gấp 3 lần, tiền lương tối thiểu vùng I tăng 33,7%… đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thực hiện các công tác này.
Sẽ báo cáo Quốc hội 5 nội dung quan trọng
Với những vướng mắc như trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ ngành có liên quan hướng dẫn UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện đấu thầu xử lý CTRSH với thời hạn tối thiểu 5 năm/lần theo kiến nghị của các chủ đầu tư các KXLCT.
Đồng thời, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Tài chính ban hành định mức xây dựng giá trần xử lý CTRSH theo các phương pháp xử lý để tạo thuận lợi và thống nhất về giá xử lý chất thải trên cả nước, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các chủ đầu tư.
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai đã quy hoạch địa điểm làm dự án điện rác tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh cần có sự hướng dẫn từ các Bộ ngành về lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục đấu thầu đất công… để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, một dự án khác là Nhà máy điện rác Quang Trung của Công ty SDV đang tiến hành thủ tục đầu tư. SDV kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung dự án này vào quy hoạch điện để Công ty sớm triển khai đầu tư, xây dựng và đưa dự án vào hoạt động.
Từ thực tế khảo sát và nội dung trao đổi tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, các sở ban ngành và các đơn vị đầu tư các KXLCT, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng đoàn công tác đã đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác quản lý CTRSH tại Đồng Nai, nhất là trong bối cảnh cơ quan quản lý cũng như các chủ đầu tư trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện nay Đồng Nai đã đạt tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau xử lý dưới 15%, trong khi tỷ lệ chôn lấp trung bình của cả nước đang là 71%.
Qua buổi làm việc với chính quyền Đồng Nai và các chủ đầu tư, Đoàn công tác đã ghi nhận các kiến nghị, đề xuất liên quan đến 05 nội dung, bao gồm: phân loại CTRSH tại nguồn; thu gom và vận chuyển CTRSH; hoạt động tái chế, thu hồi và xử lý CTRSH; đơn giá thu gom, vận chuyển và các thủ tục đấu thầu xử lý CTRSH; phân công trách nhiệm quản lý CTRSH. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ báo cáo, kiến nghị các vấn đề này trong phiên giải trình trước Quốc hội về quản lý CTRSH để có sự điều chỉnh phù hợp, tạo thuận lợi và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý CTRSH tại Đồng Nai cũng như cả nước nói chung.
Có thể bạn quan tâm
Có thể bạn quan tâm