Dòng người hồi hương và hệ quả thiếu hụt lao động

LÂM ANH 12/10/2021 05:00

Hàng ngàn người lao động, người dân quyết về quê bằng mọi giá, dù chính quyền kêu gọi ở lại để cùng chung tay chống dịch và phục hồi kinh tế.

Sau khi chính quyền các tỉnh thành Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP HCM nới lỏng các quy định phòng chống dịch, hàng nghìn người lao động, người dân đã quyết định về quê bằng mọi phương tiện thô sơ nhất, kể cả đi bộ, cho dù chặng đường về quê đầy gian nan, nguy hiểm, khó khăn.

Đoàn người dắt díu nhau trong đêm. Ảnh: Tuấn Vỹ

Về quê vì đói và stress

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp tại điểm dừng chân tiếp giáp địa phận Quảng Nam, Đà Nẵng, anh Nguyễn Văn Cường (Thanh Hóa) cho biết, gia đình anh vào Bình Dương làm công nhân cho một công ty may mặc được 4 năm nay, tuy nhiên dịch bệnh kéo dài khiến cả hai vợ chồng mất việc, số tiền dành dụm ít ỏi trang trải cho nhà trọ ăn uống đã cạn kiệt.

“Chúng tôi cũng đã tính phương án trụ lại để chờ ngày đi làm, nhưng không thể kham nổi đành phải chọn cách về quê để tồn tại”. – anh Cường nói và cho biết phương tiện về quê của gia đình anh là chiếc xe máy cũ kỹ lỉnh kỉnh đồ đạc mà trước kia được dùng để thồ hàng hóa mỗi khi tan ca, nhằm kiếm thêm thu nhập.

Tại điểm dừng chân ở đèo Hải Vân, TP Đà Nẵng tổ chức lực lượng để hỗ trợ người dân.

Tại điểm dừng chân ở đèo Hải Vân, TP Đà Nẵng tổ chức lực lượng để hỗ trợ người dân. Ảnh: Tuấn Vỹ

Đôi mắt đỏ hoe vì đã trải qua chặng đường dài gần nghàn km, chị Tòng Thị Lan (Nghệ An) rưng rưng cho biết, chị là công nhân cho một nhà máy sản xuất da giày ở quận 12 (HCM), nhưng đã hơn 3 tháng không có thu nhập. Thời gian ở lại thành phố, chị phải nhờ sự giúp đỡ của người quen, bạn bè để trang trải sinh hoạt.

Chị Lan quyết định về quê bởi đến thời điểm hiện tại chị không còn nguồn nào để trả chi phí thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt. “Nếu tiếp tục ở lại chờ đợi cũng không biết đến chừng nào mới có thể đi làm, bởi dịch bệnh vẫn đang phức tạp và nhà máy cũng chưa thể mở cửa hoạt động”. – chị Lan nói.

Mặc dù tình hình hiện đã ổn định hơn, các nhà máy cũng đang có phương án cho công nhân đi làm lại, nhưng chị Lan cho biết, chị đã hết tiền, nếu ở lại chờ sẽ đói, đành phải về quê để nương nhờ người thân trong gia đình, chờ kiếm việc khác. “Quan trọng hơn, tôi còn phải lo đứa con thơ đang gửi ông bà ở quê, nếu lỡ có đau ốm còn xoay sở được”, nước mắt chị nhòa lệ.

Tiếp tục trao đổi với một nhóm lao động trẻ gồm 20 người đang ở trọ gần Trảng Bom (Đồng Nai) là công nhân của xí nghiệp may, thì được biết, trong gần 4 tháng qua họ đều thất nghiệp không thể đi làm do dịch bệnh. Giãn cách xã hội phải ở trong phòng trọ chật hẹp, mọi sinh hoạt đều rất khó khăn, khu vực nhiều ca F0, ăn mì tôm triền miên hết ngày này qua ngày khác… đã nhiều người trong số họ bị stress nặng.

“Nghe tin tỉnh đã nới lỏng, chúng em quyết định cùng nhau về quê. Chắc là chúng em sẽ không trở lại đây nữa vì hiện tại xí nghiệp chưa có kế hoạch đi làm lại, dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Chúng em về quê xem có nơi nào ở quê tuyển dụng sẽ xin vào làm việc”. – Anh Nguyễn Thành Long, một trong số 20 lao động trẻ chia sẻ.

Phương tiện hỏng, những người quá mệt mỏi sẽ được lực lượng cảnh sát hỗ trợ đi tiếp. Ảnh: Tuấn Vỹ

Có cùng hoàn cảnh, chị Lê Thị Mỹ (Nghệ An), một trong số đoàn người về quê đợt này cho biết, chị là công nhân tại nhà máy chuyên gia công quần áo ở tỉnh Bình Dương. Khu nhà trọ chị ở có 3 dãy nhà, toàn là công nhân, quê tứ xứ từ Bắc, Trung và Nam. Đến nay, mọi người đã về quê gần hết, một số bị nhiễm COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện dã chiến ở Bình Dương.

Tụi em rủ nhau về quê chờ hết dịch mới có kế hoạch vào lại. Các bạn cùng khu trọ quê Quảng Nam, Quảng Ngãi về đông hơn và chưa có kế hoạch vào lại vì sợ vào gặp dịch lại kẹt không thể quay về nữa”. - Chị Mỹ nói.

Hệ quả thiếu hụt lao động

Theo tìm hiểu của Diễn đàn Doanh nghiệp, phần lớn người lao động nghèo đến từ các tỉnh phía Bắc. Ở quê không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh, đói nghèo, họ phải lựa chọn đi vào các tỉnh thành Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM để tìm việc làm, chủ yếu làm làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp vì nơi đây tập trung phần lớn các KCN, KCX với mức thu nhập ổn định.

Số tiền kiếm được một phần gửi về quê lo cho gia đình, một phần giữ lại để trang trải cuộc sống. Thế nhưng, dịch bệnh kéo dài đã lấy đi tất cả những khoản thu nhập ít ỏi của họ nơi đất khách.

Người dân hỗ trợ sửa xe dọc đường đi cho đoàn người hồi hương. Ảnh: Tuấn Vỹ

“Khi buộc phải đóng cửa để phòng chống dịch, những người lao động, công nhân đã rơi vào thế bị động và mất thu nhập, các công ty nhà máy cũng không thể đủ chi phí để hỗ trợ cho tất cả người lao động của mình ổn định chờ ngày mở cửa. Những hỗ trợ của chính quyền cũng chỉ là phần nào trong thời gian dịch bệnh, nên lựa chọn hồi hương cũng là nhu cầu hợp lý và thỏa đáng của người dân để ổn định cuộc sống chờ ngày dịch bệnh được đẩy lùi mới có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động” - Ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Thế Giới Vật Liệu (HCM) chia sẻ.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Nhiên - Giám đốc nhân sự công ty may Đại Tuấn – Đồng Nai cho biết, đối với các doanh nghiệp sản xuất, gia công… nhân công là nguồn lực cốt lõi để công ty hoạt động và tạo ra sản phẩm. Mỗi công ty đều có chính sách thu hút lao động và giữ nhân công của mình trong mọi điều kiện có thể của công ty. Thời gian qua do dịch bệnh phức tạp và kéo dài giãn cách buộc doanh nghiệp phải đóng cửa mọi hoạt động, phương án “3 tại chỗ” cũng đã tính đến nhưng không khả thi với doanh nghiệp nên đành phải thông báo cho người lao động nghỉ việc, để đảm bảo an toàn. “Mặc dù chúng tôi đã hết sức hỗ trợ cho công nhân của mình nhưng cũng chỉ là phần nào chứ không thể lo hết mọi thứ được”. - ông Huỳnh Văn Nhiên nói.

Chặng đường hồi hương rất dài, nguy hiểm và vất vả. Ảnh: Tuấn Vỹ

Ở góc độ chính quyền, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, dịch bệnh trên địa bàn cơ bản đã được kiểm soát, nới lỏng giãn cách và từng bước phục hồi nền kinh tế - xã hội. Đến thời điểm này, đã có nhiều tín hiệu khả quan, các công trình xây dựng, nhà máy trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh từ ngày 2/10 và đang thiếu hụt lao động.

“Chính quyền kêu gọi người lao động ở lại Bình Dương làm việc, sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19, tiếp cận việc làm, có thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần cùng các nhà máy giữ vững chuỗi cung ứng sản xuất, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh”. - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nói.

Vị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng chia sẻ, lý do về quê của người dân là chính đáng, tỉnh cũng đã tổ chức xe đưa bà con trở về quê, nhưng hiện nay năng lực cách ly của các tỉnh, thành còn hạn chế, kể cả về y tế nên rất khó khăn cho các địa phương. Do đó, nếu không thực sự cần thiết, người dân nên ở lại Bình Dương.

Được biết, chính quyền các tỉnh thành Đồng Nai, TP HCM, Long An cũng đã kêu gọi người lao động nên ở lại để chuẩn bị cho các phương án tái hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty, sau thời gian đóng cửa vì dịch bệnh. Hiện tại nhiều nhà máy xí nghiệp đã mở cửa hoạt động nhưng rất hạn chế vì đang thiếu hụt nguồn công nhân đã về quê, tuyển dụng nhân sự để tái phục hồi sản xuất đang gặp phải nhiều khó khăn.

Có thể bạn quan tâm

  • Ấm lòng "Chuyến xe đồng bào" tại Đà Nẵng đưa người hồi hương về tận nhà

    07:36, 10/10/2021

  • Đà Nẵng tập trung hỗ trợ người hồi hương tránh dịch qua địa bàn

    12:55, 08/10/2021

  • Nỗi lòng người hồi hương

    04:05, 08/10/2021

  • Tình người Đà Nẵng với đoàn người hồi hương tránh dịch

    10:00, 07/10/2021

  • Thanh Hóa hỗ trợ hàng nghìn người di chuyển hồi hương

    10:38, 06/10/2021

  • Hà Tĩnh: Lao động hồi hương dồi dào, doanh nghiệp vẫn khó tuyển dụng

    09:23, 02/10/2021

  • Thanh Hóa: Chuyến hồi hương nghĩa tình

    21:05, 24/08/2021

  • Lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp Hà Tĩnh chung tay thu hút nguồn nhân lực hồi hương?

    07:26, 19/08/2021

  • Trắc trở những chặng đường hồi hương

    05:15, 02/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dòng người hồi hương và hệ quả thiếu hụt lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO