Đóng tàu Bạch Đằng đang “mắc cạn”

Minh Hương – Thu Hà 23/06/2019 03:04

Từng được xem là “anh cả đỏ” trong ngành đóng tàu Việt Nam, Công ty đóng tàu Bạch Đằng giờ “thoi thóp” chờ… giải cứu.

Công ty hiện còn chưa đầy 200 công nhân và chỉ mong thoát cảnh nợ lương và tiếp tục được khoanh nợ. Mấy ngày nay, hình ảnh hàng chục công nhân xếp hàng cầm băng rôn đòi lương tại cổng Công ty đóng tàu Bạch Đằng (Hải Phòng) khiến người qua đường không khỏi chạnh lòng.

p/Các công nhân đóng tàu Bạch Đằng

Các công nhân đóng tàu Bạch Đằng "cực chẳng đã" biểu tình đòi lương

Sau bĩ cực là… cùng cực

Hơn chục năm trước, Bạch Đằng còn là được xem như biểu tượng của ngành đóng tàu Viêt Nam khi doanh nghiệp này có tới hơn 3.000 lao động cùng hàng loạt dự án đóng tàu “khủng”. Nay sau biến cố Vinashin, biểu tượng một ngành mũi nhọn đứng trước nguy cơ sụp đổ. Số lượng công nhân chưa bằng 1/10 trước đây.

Chị N, một công nhân đã nhiều năm gắn bó với Công ty bức xúc: Từ tháng 2/2018 đến nay họ công nhân chỉ nhận được mỗi tháng từ 1 đến 3 triệu tiền lương tạm ứng, tùy từng người mà không có lương thanh toán. Công ty còn nợ BHYT, BHXH, không có chế độ bảo hộ lao động, không được hưởng lương cơ bản khi đi khám bệnh, không trợ cấp, không có chế độ đãi ngộ ngày lễ tết… Nhiều công nhân đã làm thủ tục chấp dứt lao động đều được hướng dẫn và buộc phải ký vào đơn với nội dung “Tôi tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty mà không nhận bất cứ khoản bồi thường nào từ phía Công ty”.

Còn theo ông Trương Hoàng Cao, Tổng giám đốc Công ty đóng tàu Bạch Đằng, ngoài nguyên nhân chủ quan của ngành đóng tàu thì Công ty cũng đang chịu sự ảnh hưởng từ quy hoạch hạ tầng đô thị của Hải Phòng. Công ty đóng tàu Bạch Đằng được xây dựng ở khu vực ngã 3 sông: Hạ Lý, sông Cấm và Tam Bạc. Được đánh giá có nhiều lợi thế về địa lý, nhưng hiện nay Công ty này đang phải chịu “bủa vây” tứ bề. Phía thượng lưu sông Cấm là dự án khu đô thị. Sự “án ngữ” này khiến toàn bộ mặt bằng sản xuất bị bồi đắp. Hàng năm, phải bỏ ra 7 tỷ đến 10 tỷ đồng để nạo vét khu vực thủy diện. Còn phía hạ lưu là cầu Hoàng Văn Thụ với chiều cao thông thuyền 25m và chuẩn bị hợp long, các tàu trọng tải lớn trên 3.000 tấn không thể ra vào thủy vực của Công ty. Do vậy, các hạng mục: đà tầu, cầu tàu, bãi lắp ráp và các thiết bị cần cẩu lớn không được sử dụng theo đúng thiết kế ban đầu.

Chờ… tái cơ cấu lần 2

Ngày 18/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2108/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) với mục tiêu xây dựng Tập đoàn làm nòng cốt của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Tổng công ty đóng tàu Việt Nam (SBIC) ra đời thay thế Vinashin.

Những tưởng sự “thay máu” sẽ giúp Công ty đóng tàu Bạch Đằng vực dậy qua cơn bĩ cực. Nhưng Bạch Đằng lại đang “mắc cạn” ngay trong khu đất vàng của mình. Theo quy hoạch, đến năm 2020 Công ty đóng tàu Bạch Đằng sẽ dừng toàn bộ hoạt động tại khu vực nội thành và lập phương án di dời sang Công ty đóng tàu Nam Triệu.

Tháng 7/2018, Bộ GTVT đã có văn bản thống nhất với đề nghị của SBIC và Công ty Đóng tàu Bạch Đằng về việc UBND thành phố Hải Phòng hỗ trợ kinh phí cho Công ty thực hiện di chuyển các phương tiện thiết bị, trước mắt ứng kinh phí di dời 3 thiết bị cấp thiết sang Công ty Phà Rừng.

Mặc dù, Công ty đóng tàu Bạch Đằng đã gửi đề án tái cơ cấu sang Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, hiện đề án vẫn đang chờ phê duyệt khiến Công ty rơi vào cảnh lao đao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đóng tàu Bạch Đằng đang “mắc cạn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO