Sau 2 năm xếp hạng 3, Đồng Tháp đã vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng chỉ số (PCI) năm 2018. Đây sẽ là đông lực để Đồng Tháp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư cho những năm tiếp theo.
Năm 2019, là năm thứ 11 liên tiếp, Đồng Tháp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2018, Đồng Tháp đứng ở vị trí thứ 2, đạt 70,19 điểm so với năm 2017 là 68,78. Đặc biệt, trong 10 chỉ số thành phần thì có tới 7 chỉ số tăng điểm so với năm trước, bao gồm: Tính năng động của chính quyền; tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và thiết chế pháp lý. Trong đó, 4 chỉ số cao nhất nước là: Tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng và tính năng động.
Cải thiện PCI từ nỗ lực của lãnh đạo địa phương…
Liên quan tới những nỗ lực của Đồng Tháp về việc nâng cao chỉ số PCI, trao đổi với PV DĐDN, ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, khẳng định: “Kết quả của Chỉ số PCI năm 2018 chính là thành quả, là thông điệp gửi đến các nhà đầu tư một cách trực tiếp nhất về sự nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền Đồng Tháp trong những năm qua”.
Hiện nay, Đồng Tháp cũng đã xây dựng kế hoạch cải thiện riêng cho mình nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh một cách thiết thực nhất. Sự tiên phong, năng động của lãnh đạo tỉnh, các cấp trong các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp đã được chính quyền Đồng Tháp, chú trọng và quan tâm hàng đầu.
Cụ thể, sâu sát với cơ sở, lắng nghe, chia sẻ là cách mà các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và địa phương đã làm, điều đó không chỉ tạo được hình ảnh thân thiện của bộ máy công quyền, mà còn tạo nên một sự lan tỏa mạnh mẽ trong các cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, chính quyền cũng hỗ trợ tối đa, nhanh chóng giải quyết những vướng mắc để nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể triển khai nhanh dự án thông qua những mô hình hoạt động hiệu quả như “Cà phê doanh nghiệp” – ông Dương khẳng định.
Theo ông Dương, hàng năm sau khi kết quả PCI được công bố, Đồng Tháp tiến hành mở Hội nghị phân tích chỉ số PCI nhằm trao đổi, phân tích, lắng nghe được ý kiến xác thực của doanh nghiệp, xem cộng đồng doanh nghiệp còn chưa hài lòng ở điểm nào, thấy rõ thực trạng những mặt làm tốt, chưa tốt, xác định rõ nguyên nhân của những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém của tỉnh so với các tỉnh, thành khác để có giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn trong chỉ đạo với tinh thần cầu thị, không né tránh.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 16/01/2020
07:12, 15/01/2020
06:02, 11/01/2020
14:33, 09/12/2019
13:56, 28/11/2019
Song song đó, chính quyền cũng đưa ra ban hành kế hoạch cải thiện chỉ số PCI và giao trách nhiệm chủ trì cho người đứng đầu các sở, ngành có liên quan đối với từng chỉ số thành phần, có biện pháp cải thiện thứ hạng và điểm số các chỉ số thành phần, theo hướng giữ vững và nâng cao các chỉ số thành phần tăng điểm, cải thiện chỉ số thành phần thấp điểm... Đồng thời yêu cầu các ngành, các cấp phải nâng cao nhận thức để tiếp tục đưa ra các sáng kiến và cách làm mới thiết thực, hiệu quả nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp - ông Dương nhấn mạnh.
... đến góc nhìn của doanh nghiệp
Trao đổi với PV DĐDN liên quan tới kết quả chỉ số PCI của Đồng Tháp để cải thiện môi trường đầu tư, ông Nguyễn Hữu Phước – Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đồng Tháp (BMC), chia sẻ: Hiện tại môi trường đầu tư tại Đồng Tháp hiện nay khá thuận lợi. Từ yếu tố trên, các nhà đầu tư trong tỉnh đã mạnh dạn hơn trong việc mở rộng, đầu tư sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức kinh tế của Nhà nước như các Tổng Công ty, các tập Đoàn cùng nhiều tổ chức kinh tế tư nhân ngoài tỉnh như: Trường Lộc, Nam Lộc, Vingroup, Coopmart… đã và đang thực hiện đầu tư với nhiều lĩnh vực như tham gia đấu thầu thi công xây dựng các công trình, đầu tư dự án, mở trung tâm thương mại…
Và thành công này là nhờ vào chính quyền địa phương đã quán triệt được thông qua các giải pháp về cải thiện PCI, cụ thể:
Thứ nhất, từ chủ trương ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã đề ra những định hướng đúng đắn cũng như áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý, nhanh gọn trong thủ tục hành chính; tạo mọi điều kiện thuận lợi và cùng nhau tháo gỡ ngay những khó khăn vướng mắc nếu gặp phải.
Thứ hai, tỉnh Đồng Tháp đang trong giai đoạn phát triển mạnh về mọi mặt. Do đó, các khu, cụm công nghiệp được đầu tư với qui mô ngày càng lớn, giao thông ngày càng thuận lợi, đô thị ngày một mở rộng…
Đồng quan điểm, ông Võ Phú Đức – Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn Collagen, cho rằng: Thành công của Đồng Tháp về chỉ số PCI trong những năm qua là nhờ vào sự năng động của lãnh đạo địa phương thông qua việc “nhiệt tình, cởi mở, chịu khó lắng nghe và hỗ trợ hết mình cho nhà đầu tư trong thời gian qua”. Điển hình như, cổng thông tin điện tử của Tỉnh, bộ phận hành chính một cửa hiện nay đã rất rõ ràng để giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp một cách nhanh chóng. Sự hỗ trợ và tương tác của các cơ quan ban ngành tỉnh đối với nhà đầu tư đã gần nhau, thân thiện và minh bạch hơn. Công tác trao đổi, xúc tiến đầu tư dễ dàng, thuận lợi, và đây chính là những điểm mạnh của Đồng Tháp so với các tỉnh khác. Bên cạnh đó, chương trình “cà phê doanh nhân”, không còn là câu chuyện ngẫu hứng, phong trào mà nó đã trở thành nét văn hóa của tỉnh Đồng Tháp trong những buổi họp mặt giữa các lãnh đạo và doanh nghiệp tại ca phê doanh nhân mục đích chính là: “Giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc kịp thời cho các nhà đầu tư” - ông Đức nhấn mạnh.
Tương tự, ông Phạm Minh Thiện – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, cho rằng: Nếu chất lượng xử lý những vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải mà nhanh, gọn lẹ theo tinh thần và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh thì tôi tin rằng cộng đồng doanh nghiệp Đồng Tháp hiện nay đủ thuận lợi để phát triển. Sự thân thiện của chính quyền với nhà đầu tư đang là điểm nổi bật của Đồng Tháp. Do đó, đây là vấn đề mà Đồng Tháp cần phải duy trì và phát huy cho những năm tiếp theo. Quan điểm của nhà đầu tư chỉ đơn giản là khi có khó khăn, vướng mắc gì, chỉ cần đăng ký làm việc với chính quyền tỉnh trong vòng một tuần là phải được chia sẻ, tháo gỡ. Đặc biệt, những khó khăn của doanh nghiệp thuộc sở ban ngành nào có liên quan, chỉ cần họp lại rồi giải quyết một cách nhanh chóng nhất- ông Thiện nhấn mạnh.
Năm 2018, Đồng Tháp phát triển mới được 571 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 3.600 tỷ đồng, thu hút được 35 dự án với tổng vốn đăng ký là 2.422 tỷ đồng, nâng tổng số lên hơn 3.700 doanh nghiệp.
Với lợi thế về phát triển nông nghiệp, trong đó, ngành thủy sản là 20 doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu với tổng diện tích khoảng 965ha; Ngành hàng xoài, đã thực hiện liên kết tiêu thụ trong nước 1.559 tấn; xuất khẩu 74 tấn. Đáng chú ý, sản phẩm xoài Đồng Tháp đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ sau các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…