Đồng Tháp đang nỗ lực xây dựng chiến lược về chuyển đổi số với 03 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, tạo cơ chế thông thoáng, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Tiếp tục chương trình Diễn đàn Mekong Connect 2020, các tỉnh, thành phố An Giang, Bến Tre, Cần thơ, Đồng Tháp đã tiến hành tọa đàm, với 04 phiên thảo luận. Trong đó, “Chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp” là chuyên đề được đơn vị đăng cai Đồng Tháp lựa chọn.
Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua tỉnh Đồng Tháp đã phát triển các mô hình kinh doanh qua mạng như mô hình “cây xoài nhà tôi” “cây cam nhà tôi”, có sức lan toả mạnh mẽ, nhiều sản phẩm của tỉnh tham gia sàn giao dịch điện tử. Đồng Tháp hiện là một trong những địa phương có môi trường và số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp thuộc nhóm tốt. Trong đó có các dự án lớn và hiện đại như: Nhà máy thức ăn chăn nuôi ứng dụng công nghệ 4.0; Trung tâm nghiên cứu và phát triển giống công nghệ cao; Mô hình “Sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh”.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, Đồng Tháp đang nỗ lực xây dựng chiến lược về chuyển đổi số với 03 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo lộ trình cụ thể và tạo cơ chế thông thoáng, ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng Tháp xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa đột phá trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Rynan Holdings JSC, cánh đồng thông minh có lắp đặt rất nhiều hệ thống thông minh như: quan trắc mực nước, điều khiển nước vào ruộng, quản lý sâu rầy, giúp cho người nông dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để quản lý đồng ruộng. Với dữ liệu tự động đó, người nông dân có thể tận dụng để tham gia vào chuyển đổi số sắp tới và việc mở rộng cánh đồng thông minh không có gì là khó khăn.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, cần số hóa dữ liệu ngành nông nghiệp để kết nối các nền tảng dịch vụ điện tử tiến tới chuyển đổi số toàn diện. Theo bà Thực, với công nghệ IoT hiện nay và với một chiếc smartphone, thì một người nông vẫn có thể trở thành một thương nhân kinh doanh nông sản. Bà mong muốn mỗi nông dân là một thương nhân, bởi có như thế thì nông dân mới có thể hiểu nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn về những rủi ro với doanh nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, hiện nay trình độ chế biến, công nghệ ở nước ta được đánh giá ở mức trung bình tiên tiến. Để chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công thì cần phải có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, do đó nên xây dựng hiệp hội ngành hàng ngay tại địa phương; phải xây dựng cơ sở dữ liệu Big data cho ngành nông nghiệp; các doanh nghiệp công nghệ cần phải phát triển các sản phẩm công nghệ gần gũi với thực tế, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Theo ông Phạm Anh Đức - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel, muốn chuyển đổi số thành công thì nguồn nhân lực vô cùng quan trọng, trong đó, ý chí của người đứng đầu là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, người dân cần phải thay đổi tư duy và có mong muốn chuyển đổi số. Truyền thông, khách hàng và chiến lược là những yếu tố quan trọng tiếp theo trong chuyển đổi số. Công nghệ là yếu tố quan trọng cuối cùng, vì công nghệ là cần thiết nhưng không phải là yếu tố quan trọng nhất.
Đề xuất giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp cho Đồng Tháp, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ cho rằng, cần có thiết bị tự động thu thập dữ liệu (hiện nay đã có), phải có công ty công nghệ đem thiết bị thông minh đến tay người nông dân. Khó khăn lớn nhất là “tư duy làm lén” của người nông dân, họ không thích làm lớn, không thích làm minh bạch nên khó ứng dụng công nghệ. “Muốn đi thẳng vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu thì đầu tiên mọi thứ phải minh bạch. Tức là phải bỏ tư duy làm lén đi, mà hãy làm lớn”. – Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ đề nghị. Bên cạnh đó, các quy định mang tính hàng rào pháp lý để vận dụng chuyển đổi số phải được thực thi nghiêm túc và quyết liệt.
Theo các chuyên gia, không ai có thể làm thay người nông dân nên họ phải tự học hỏi, để tự bảo vệ thương hiệu vườn nông sản của mình. Những nhà quản lý phải vì lợi ích chung của nhân dân để có thể làm các vùng có mã truy xuất, một việc quan trọng không kém cần liên kết quản lý với hải quan để kiểm tra chặt chẽ hàng hóa trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Chuyển đổi số là câu chuyện bao trùm không phải của riêng người nông dân, trên địa bàn địa phương, phải có cơ sở dữ liệu, các doanh nghiệp công nghệ phải gần gũi phù hợp với địa phương, phải làm từng bước, mỗi người một bước, mỗi người một việc để tạo thành một chuỗi liên kết nông nghiệp bền vững.
Có thể bạn quan tâm