Mọi người nên biết chuyển hóa những cảm xúc, niềm tin tiêu cực thành cảm xúc, niềm tin mới tích cực, bình an về tiền.
Chị Thái Ngoan – Financial Health Coach, chia sẻ: “Nói về tài chính cá nhân, mọi người thường sẽ nghĩ về tiền, về những con số, về thu, chi, tiết kiệm, đầu tư… Tuy nhiên, đó mới chỉ là khía cạnh “tài chính”. Khía cạnh rất quan trọng ít người nhắc đến chính là phần “cá nhân”. “Cá nhân” - chính là tư duy, thái độ, niềm tin, cảm xúc, mối quan hệ, sự tương tác… của mỗi người với vấn đề tài chính, với tiền bạc. Sự “bình an tài chính” cần được bắt đầu từ khía cạnh “cá nhân” này. Nếu chưa gắn kết được phần “tài chính” và phần “cá nhân” thì mặc dù bạn có nhiều tiền nhưng vẫn cảm thấy hoang mang hoặc cứ vung tay chi tiêu mà không biết mình thực sự muốn điều gì…”
Chị Thái Ngoan rất thích một khái niệm của tác giả best-seller của Nhật Bản - ông Ken Honda khi ông chia tiền thành hai loại: Đồng tiền Hạnh phúc và Đồng tiền Buồn bã.
Theo đó, Đồng tiền Hạnh phúc là đồng tiền được trao đổi cùng với tình yêu thương, mối quan tâm và tình bạn. Đồng tiền Hạnh phúc khiến mọi người vui cười và cảm thấy được yêu thương, được quan tâm sâu sắc. Ví dụ, tiền bạn dùng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn; tiền bạn nhận được từ công việc bạn yêu thích hay từ những khách hàng khi bạn trao đi những sản phẩm chất lượng, giá trị xứng đáng và nhận về tín nhiệm.
Ngược lại, Đồng tiền Buồn bã là những đồng tiền đi và đến với bạn cùng với nỗi thất vọng, giận giữ, buồn bực và tuyệt vọng. Đồng tiền Buồn bã khiến con người cảm thấy căng thẳng, chán nản và đôi khi còn trở nên hung dữ. Nó tước đi phẩm giá, lòng tự trọng và trái tim ôn hòa của con người. Ví dụ, tiền bạn nhận được từ một công việc/ một người bạn rất ghét; tiền bạn chi trả cho một dịch vụ bạn hết sức khó chịu...
Cùng với khái niệm về Đồng tiền Hạnh phúc và Đồng tiền Buồn bã thì, tương ứng, bạn cũng sẽ có 2 cách sử dụng tiền thông qua năng lượng của mình khi trao đi và nhận lại tiền. Bạn sử dụng năng lượng yêu thương, biết ơn, vui vẻ, hân hoan khi trao đi và nhận lại tiền thì bạn sẽ có được đồng tiền Hạnh phúc. Ngược lại, nếu bạn sử dụng năng lượng buồn bã, chán nản, căm ghét, lo sợ, miễn cưỡng trong hành trình trao – nhận này thì bạn sẽ có Đồng tiền Buồn bã.
Bạn có thể lựa chọn điều đó và chỉ có bạn quyết định được lựa chọn đó mà thôi.
Quá trình trao – nhận này cũng không đơn giản chỉ là quá trình sử dụng đồng tiền, mà còn hàm chứa mối quan hệ cảm xúc của con người với tiền. Khi bạn kiếm tiền hay tiêu tiền đều sẽ có cảm xúc, hoặc yêu thích hoặc sợ hãi.
Sợ hãi là cảm giác lo lắng, bất an về tiền. Tựu chung thì chúng ta sợ mất, sợ không đủ, sợ người khác có nhiều hơn mình... Ngay cả khi tiêu tiền hay đầu tư,… chúng ta cũng có những lo lắng như sợ bị lừa gạt, bị lợi dụng, sợ mua phải thứ mình không cần, sợ đầu tư không đúng chỗ… Những nỗi sợ này khiến con người luôn trong trạng thái căng thẳng với bản thân, với mọi người và với tiền bạc. Những nỗi sợ này xuất phát từ đâu? Có thể là từ nhỏ khi chúng ta được bố mẹ hoặc môi trường xung quanh bảo với chúng ta rằng cần “tiêu tiền cho đúng”, “tiền là khan hiếm” hay chúng ta bị so sánh với những người khác về giàu – nghèo, sang – hèn, mạnh – yếu,… những cặp giá trị đối lập được gắn với tiền bạc. Dần dần, chúng hình thành nên các nỗi sợ vô thức mà chính chúng ta có thể không nhận ra.
Ngược lại với cảm giác sợ hãi chính là yêu thương, tình yêu vô điều kiện. Yêu thương là khi bạn không lo sợ cái gì đó sẽ lìa xa bạn hay làm hại bạn. Bạn tin tưởng rằng đối tượng tình yêu của bạn sẽ luôn ở đó. Bạn cảm thấy đủ đầy và biết ơn tất cả những gì mình đang có ở đây và ngay giây phút này.
Như vậy mối quan hệ tuyệt vời với tiền là mối quan hệ tràn đầy tình yêu thương, không lo lắng, căng thẳng. Bạn luôn cảm thấy đủ đầy. Bạn hài lòng với bản thân và những gì mình đang có. Bạn chủ động lựa chọn cách tiếp cận với tiền, lựa chọn nguồn năng lượng bình an để tạo ra và nhận lại những Đồng tiền Hạnh phúc.
Vậy làm cách nào để lựa chọn điều đó?
Hãy bắt đầu bằng lòng biết ơn. Biết ơn vì sự đủ đầy những thứ thực sự cần thiết cho bạn ngay tại đây và ngay giây phút này. Biết ơn khi tiền và mọi thứ đến với bạn. Biết ơn khi những đồng tiền bạn chi ra sẽ mang lại hạnh phúc cho mọi người... Dần dần với lòng biết ơn, những sự căng thẳng sẽ bớt dần và bình an tài chính sẽ đến theo cách nó vẫn luôn ở đó bên trong bạn.
Chúng ta đều biết rằng: Niềm tin là cách bạn cảm nhận, là cảm xúc chắc chắn về một điều gì đó. Niềm tin là động lực chi phối hành vi của chúng ta. Niềm tin có thể xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau như hoàn cảnh gia đình, môi trường, những người thân quen, các sự kiện đã xảy ra, các kiến thức mình thu nhận được, các kết quả đạt được trong quá khứ…
Trong hệ thống niềm tin của bạn có những niềm tin tích cực giúp bạn có thể có động lực để hoàn thành các mục tiêu, mong muốn và dự định của mình; có những niềm tin tiêu cực khiến bạn lo lắng, hoang mang; có những niềm tin giới hạn trói buộc bạn trong những quy định khuôn khổ do mình đặt ra.
Những niềm tin tiêu cực, niềm tin giới hạn về tiền bạc có thể kìm hãm bạn, kéo bạn tụt lùi. Nó khiến bạn trì hoãn, hoặc hành động yếu ớt và dẫn đến những kết quả kém cỏi. Vậy làm cách nào để có thể thay đổi những niềm tin đó?
Các chuyên gia tư vấn tài chính thông thường sẽ cung cấp cho bạn kiến thức, công cụ để quản lý tài chính. Tuy nhiên, các chuyên gia khai vấn tài chính cá nhân lại giúp bạn đào sâu vào những tư duy, thái độ, cảm xúc, niềm tin tiêu cực về tiền của chính bản thân mình, nguyên nhân sâu xa của những điều đó và giúp bạn giải phóng, chuyển hóa những những cảm xúc, niềm tin tiêu cực đó thành cảm xúc, niềm tin mới tích cực, bình an về tiền. Các công cụ cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ bạn quản lý tài chính hiệu quả hơn. Từ đó, bạn sẽ xác định được những mục tiêu thực sự đúng đắn và giá trị về tài chính và giúp bạn không còn sợ hãi, lo lắng, mà sẽ có đủ động lực, để bình an trên hành trình tiến tới mục tiêu.
Thông qua quy trình tự khai vấn hoặc từ sự khai vấn của người khác về lĩnh vực tài chính cá nhân, bạn sẽ dần chuyển hóa được những niềm tin đó thông qua quy trình 6 bước:
1. Xác định niềm tin giới hạn;
2. Xác định nguyên nhận gây ra những niềm tin đó;
3. Xác định cái giá phải trả nếu mình tiếp tục duy trì niềm tin đó;
4. Tìm những bằng chứng để phá vỡ niềm tin đó;
5. Xác định niềm tin mới và niềm vui khi có được niềm tin mới đó;
6. Xác định hành động để củng cố niềm tin.