Đầu tư hệ thống các tuyến giao thông tương xứng là yêu cầu cấp bách đặt ra cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Hải Phòng mới.
Cần thêm những “nhịp cầu”
Việc hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng đưa TP Hải Phòng mới tới gần hơn mục tiêu trở thành trung tâm kết nối giao thông liên vùng và liên quốc gia. Bởi lẽ, TP Hải Phòng đang là đầu mối giao thông chiến lược, hội tụ đầy đủ loại hình giao thông như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không.
Đáng chú ý, TP Hải Phòng có Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống đường sắt kết nối hai hàng lang, một vành đai kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc, tới đây là tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng… Những lợi thế này đưa TP Hải Phòng trở thành cửa ngõ giao thông hàng đầu cả nước.
Trong khi đó, tỉnh Hải Dương (cũ) nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, được định hướng trở thành đầu mối logistics của vùng đồng bằng sông Hồng. Tỉnh Hải Dương (cũ) được đánh giá như mảnh ghép mà Hải Phòng cần có, góp phần khai thác triệt để những tiềm năng của hai địa phương.
Mặt khác, việc hợp nhất giữa Hải Dương và Hải Phòng mở ra động lực phát triển mới, nhất là về giao thông khi các lợi thế của mỗi địa phương bổ trợ cho nhau, tạo ra một sân chơi mới cho các nhà đầu tư.
Có thể đánh giá, đến nay, việc kết nối giữa trung tâm TP Hải Phòng và Hải Dương (cũ) khá thuận tiện. Song, thực tế, việc lưu thông vẫn thông qua các tuyến đường như đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng và nhiều tuyến quốc lộ như 37, 37B, 17, cùng với các cây cầu Chanh, cầu Dinh, cầu Quang Thanh, đặc biệt chủ yếu là trên tuyến quốc lộ 5.
Tuy nhiên, tuyến đường quốc lộ 5 này có lưu lượng xe lớn, vượt khoảng 5 - 6 lần thiết kế, nhiều giao cắt cùng mức, chưa hoàn thiện hệ thống đường gom, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Từ thực tế đó, yêu cầu tất yếu đặt ra cho TP Hải Phòng mới rằng cần phải sớm nghiên cứu đầu tư các trục kết nối mới nối vùng Hải Dương (cũ) - Hải Phòng nhằm giảm tải cho quốc lộ 5, đồng thời mở ra không gian phát triển mới, cũng như thu ngắn thời gian, chi phí đi lại, đảm bảo phục vụ mục tiêu phát triển đô thị hiện đại, đồng bộ sau khi hai địa phương đã chính thức về chung nhà.
Hướng tới tầm vóc mới
Được biết, trước khi chính thức hợp nhất, TP Hải Phòng và Hải Dương (cũ) đã đồng ý nhiều chủ trương nghiên cứu xây dựng các tuyến giao thông “xóa nhòa” khoảng cách giữa hai địa phương. Các dự án hạ tầng giao thông đều được xác định có quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ hướng tới mục tiêu liên kết nội vùng và đối ngoại.
Cụ thể, trong đến năm 2026 sẽ triển khai đầu tư các dự án giao thông trọng điểm là tuyến đường dài 3,1km, nối quốc lộ 17B với cầu Dinh, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối quốc lộ 17B (Hải Dương cũ) với đường tỉnh 352 (TP Hải Phòng), đoạn từ quốc lộ 17B đến đê sông Kinh Thầy (Hải Dương cũ).
Đặc biệt, đầu tư tuyến đường trục kết nối từ vành đai 1 (đường dẫn cầu Bùi Thị Xuân), thuộc địa phận TP Hải Dương (cũ) đến nút giao giữa quốc lộ 10 với đường Nguyễn Trường Tộ, quận An Dương, TP Hải Phòng (cũ) với tổng chiều dài khoảng 23,4 km, từ 8 - 10 làn xe. Theo dự kiến, đây sẽ là trục giao thông tốc độ cao, có ý nghĩa chiến lược trong kết nối nội vùng của TP Hải Phòng mới.
Việc đầu tư xây dựng các dự án giao thông không chỉ tăng cường kết nối giữa các địa phương khác với TP Hải Phòng mới một cách nhanh chóng, thúc đẩy quá trình sản xuất, giao thương mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời, đây cũng là tiền đề cho TP Hải Phòng mới ngày một vươn xa.
Đại diện Công ty TNHH Anh Cao chia sẻ, giao thông đóng vai trò huyết mạch trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Phía doanh nghiệp kỳ vọng, việc đẩy mạnh xây dựng các dự án hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hiện đại sẽ mở đường cho TP Hải Phòng mới vươn mình mạnh mẽ trong bối cảnh mới.