Quản trị

Double C có làm nên chuyện ở Việt Nam?

Quân Bảo 29/08/2024 01:58

Startup Double C dùng mô hình fast-casual để kinh doanh cơm tấm ở Việt Nam. Mô hình này không mới ở nước ngoài, nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn. Liệu Double C có thể thành công tại Việt Nam?

Nhà sáng lập Double C là một du học sinh rất trẻ chỉ mới 18 tuổi tên Võ Kim Vĩnh. Xuất hiện trên Shark Tank mùa 7, cậu chia sẻ rằng ý tưởng thành lập Double C đến từ việc trong thời gian tại Mỹ, cậu thấy rất nhiều nhà hàng Việt Nam nhưng chưa có thương hiệu nào phát triển thành các chuỗi.

1.jpg
Double C dùng mô hình fast-casual để kinh doanh cơm tấm ở Việt Nam

Do đó cậu và 2 người khác đã thành lập nên Double C, hoạt động theo mô hình chuỗi nhà hàng fast casual. Theo Vĩnh, fast casual tiện nghi hơn fast food (đồ ăn nhanh), đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ hơn.

Sản phẩm phục vụ chủ đạo của Double C là cơm tấm và bánh mì với giá khởi điểm từ 15 đến 20 ngàn. Khách hàng sẽ lựa chọn các món ăn kèm như sườn, bì, chả, v.v. với 2 định mức: 60 ngàn cho 5 món và 70 ngàn cho 8 món.

Về điểm mạnh của Double C, Vĩnh cho biết công thức đồ ăn của họ đem đến hương vị khác biệt, không chỉ phù hợp với khách địa phương mà còn cả khách du lịch. Đồng thời, các nguyên liệu được sử dụng là nông sản sạch, có thể truy xuất nguồn gốc. Không chỉ vậy, họ còn dùng các vật dụng thân thiện với môi trường như hộp cơm bã mía, nắp nhôm giữ nhiệt, thìa đũa bằng gỗ, tre, v.v..

Hiện tại, Double C đang kinh doanh với một cửa hàng ở cạnh phố đi bộ Nguyễn Huệ, một vị trí cực kỳ đắc địa với nhiều tòa nhà văn phòng xung quanh. Vĩnh cho biết kế hoạch của mình là đến năm 2026, Double C sẽ có 8 chi nhánh ở Việt Nam và 2 chi nhánh ở nước ngoài.

Theo chia sẻ từ Vĩnh, chi phí đầu tư 1 cửa hàng rơi vào khoảng 1 tỷ, với 3 nhân viên phục vụ. Chi nhánh hiện tại của Double C chỉ mở trong 3 tiếng buổi trưa, khả năng cung cấp 40 - 50 suất cơm/ngày với giá 30 - 120 nghìn đồng/suất. Doanh thu hàng tháng khoảng 150 triệu, lãi ròng 20%.

Đến với Shark Tank, cậu mong muốn đổi 12,5% cổ phần để nhận được 5 tỷ tiền vốn.

Giải thích về số lượng 40 - 50 suất cơm mỗi ngày, Vĩnh cho rằng đó là vì cửa hàng chỉ mở trong 3 tiếng. Đồng thời đây mới là giai đoạn thử nghiệm. Vậy nên thời gian hoạt động cũng chỉ như vậy. Cậu tự tin rằng nếu mở rộng và đầu tư vào marketing, thương hiệu, bán cả ngày, số lượng suất cơm mỗi ngày sẽ tăng gấp 3 - 4 lần.

Đánh giá về startup này, các shark có những ý kiến khác nhau.

Shark Bình từ chối đầu tư vì Double C chưa cho ông thấy tiềm năng nhân rộng. Shark Nga cũng từ chối vì nhận định rằng ở Việt Nam, mô hình chuỗi cơm tấm fast-casual chưa đủ rõ ràng để hấp dẫn nguồn đầu tư. Shark Thái cũng rút khỏi cuộc chơi vì đây không phải mảng ông yêu thích.

Trong khi đó Shark Hưng và Shark Minh Beta lại dành nhiều sự quan tâm và đánh giá cao mô hình của Double C. Sau những trao đổi và thương thảo, cuối cùng Vĩnh đồng ý với đề nghị 1,5 tỷ cho 49% cổ phần, 3,5 tỷ còn lại giải ngân dựa vào kết quả thực tế mà Shark Minh Beta đưa ra, kết thúc một thương vụ gọi vốn thành công của cậu du học sinh Mỹ chỉ mới 18 tuổi.

Để bàn về câu chuyện của Double C, trước hết phải kể đến là mô hình fast casual. Đây là mô hình khá lạ ở Việt Nam, nơi nổi tiếng với nhiều quán ăn truyền thống hoặc các chuỗi fast food.

Thế nhưng trên thế giới, đây là loại hình khá phổ biến, điển hình ở Mỹ và Singapore. Nó có đôi nét hao hao với Subway. Đó là người dùng chọn 1 món chính, sau đó thêm các món ăn kèm vào và tính theo số lượng món hoặc khối lượng.

Theo đánh giá, mô hình này cực kỳ phù hợp với dân văn phòng, không tốn kém nhân lực (vì khách hàng tự lựa món, chỉ cần nhân viên tính tiền) và tiết kiệm không gian vì chủ yếu mua mang đi.

Tuy nhiên có một xu hướng khá đáng báo động với mô hình này. Đó là trong năm 2024, hàng loạt nhà hàng fast casual ở Mỹ nộp đơn giá sản. Có thể kể đến những cái tên như Roti, Red Lobster, Tijuana Flats hoặc Buca di Beppo.

Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là hoạt động kém hiệu quả, áp lực tài chính vì lạm phát hoặc quản lý yếu kém. Một lý do khác quan trọng không kém là dân văn phòng không còn ở trong những tòa nhà ở khu trung tâm nữa, làm sụt giảm đáng kể lượng khách hàng tiềm năng của các nhà hàng theo kiểu fast casual.

Đó là câu chuyện ở Mỹ. Còn ở Double C tại Việt Nam, đây có thể chưa phải là vấn đề của họ. Thế nhưng Double C vẫn còn phải đương đầu với nhiều thử thách. Mô hình fast casual buộc giới văn phòng phải ra lựa món trực tiếp và đem về ăn, trong khi họ có thể dễ dàng đặt món trên các ứng dụng giao hàng.

Đồng thời, vì phục vụ dân văn phòng chủ yếu, do đó mặt bằng của Double C đều phải nằm ở những khu trung tâm, đồng nghĩa với giá thuê không rẻ. Ngoài ra còn chưa kể cơm tấm, bánh mì là món ăn quá quen thuộc với người Việt, chưa chắc mô hình fast casual đã có sức hấp dẫn bằng quán truyền thống.

Những xu hướng và bối cảnh này vẽ nên một bức tranh tương lai đầy khó khăn cho Double C. Không biết liệu với sức trẻ của nhà sáng lập 18 tuổi và sự hỗ trợ, đầu tư từ Shark Minh Beta, Double C sẽ vượt chông gai như thế nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Double C có làm nên chuyện ở Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO