Dự án Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề Tràng Minh (Kiến An) với tổng mức đầu tư trên 120 tỷ đồng, được thực hiện 4 năm nay nhưng vẫn chưa hoàn thiện, bàn giao để đi vào vận hành.
Theo phê duyệt, dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, dự án vẫn chưa được hoàn thiện để bàn giao cho địa phương vận hành, khiến tình trạng ô nhiễm của làng nghề phế liệu Tràng Minh ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Dự án 120 tỷ vẫn dang dở trong 4 năm thực hiện
Dự án do UBND quận Kiến An làm chủ đầu tư, đã được điều chỉnh, bổ sung lần 1 vào ngày 11/1/2017.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, dự án đã phát sinh một số hạng mục công việc: nạo vét tuyến cống hộp hiện có nằm giữa 2 tuyến thoát nước xây mới để lưu thông dòng chảy; bổ sung một số hạng mục xây dựng khác nhằm tăng khả năng thu gom nước thải trong khu vực vào hệ thống xử lý nước thải của nhà máy... vì vậy UBND quận Kiến An đang xin điều chỉnh dự án giai đoạn 2.
Được biết, làng nghề thu gom phế liệu Tràng Minh (Kiến An – Hải Phòng) nằm trong danh mục 47 làng nghề được ưu tiên xử lý môi trường gia đoạn 2012 – 2015. Ngày 27/6/2014 UBND quận Kiến An đã ban hành quyết định số 1354/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề Tràng Minh.
Về quy mô đầu tư, dự án sẽ xây dựng Trạm xử lý nước thải công suất 1.500 m3/ ngày đêm (bao gồm trạm xử lý, hồ điều hòa, nhà điều hành…) và lắp đặt hệ thống điện có trạm biến áp 100kVA với bề rộng mặt đường 5m; Xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải gồm 4 tuyến với tổng chiều dài 2.474m và cống đôi ngăn triều… Xây dựng hoàn trả 1.085m đường giao thông với bề rộng mặt đường 5m, xây mới gần 500m đường vào trạm xử lý. Tổng mức đầu tư của dự án là 120 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương từ Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường 93,4 tỷ đồng (78% tổng mức đầu tư), nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của thành phố và ngân sách quận Kiến An là 26,7 tỷ đồng (22% tổng mức đầu tư).
Trao đổi với PV Báo DĐDN, ông Phạm Đức Tám – Chủ tịch UBND phường Tràng Minh cho biết, hiện tại dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các hạng mục dang dở để nhanh chóng đưa vào hoạt động, cải thiện ô nhiễm môi trường làng nghề.
Trong lúc chờ xin điều chỉnh dự án, theo phản ánh của người dân phường Tràng Minh, nhiều hạng mục công trình còn dang dở nhưng đã có dấu hiệu xuống cấp.
Đã có dấu hiệu xuống cấp?
Bà Vũ Thị Phố - Trưởng khu Kiến Thiết 2, phường Tràng Minh, quận Kiến An cho biết, nhà máy xử lý nước thải được đầu tư nhiều tỷ đồng, đến nay chưa đi vào sử dụng nhưng hạ tầng đã xuống cấp: phần cống hộp để thu gom nước thải từ làng nghề ra nhà máy xử lý nước thải có nhiều đoạn nắp cống bị vỡ, phần cốt thép bên trong trơ ra đã han gỉ. Quá trình qua lại đoạn mương này, người dân địa phương đã nhặt những tấm cốp pha cũ đậy lên. Thậm chí có những đoạn cống hộp chưa được đậy nắp, để trơ ra hàng chục mét mương, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Trước thực trạng này, nhân dân phường Tràng Minh đã nhiều lần có ý kiến với quận Kiến An nhưng hiện tượng này chưa được khắc phục. Để ổn định canh tác, tổ dân phố Kiến Thiết 1 và Kiến Thiết 2 đã tự bỏ tiền làm đường cống thông nước thải và dẫn nước sông vào cánh đồng.
Ông Tám cho biết thêm, việc người dân kiến nghị hệ thống xử lý nước thải chưa hoạt động đã có dấu hiệu xuống cấp, phía UBND phường không nắm được vì hệ thống chưa được bàn giao. Theo như điều chỉnh, dự án sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2018 nhưng đến giờ vẫn chưa có động thái gì. Khả năng cao, dự án vẫn không thể bàn giao được trong năm nay.
Làng nghề tái chế phế liệu phường Tràng Minh ra đời từ những năm 1980 hoạt động thu gom, sơ chế, mua bán các loại phế liệu như: nilon, bao nhựa, chai nhựa, đồng, nhôm, sắt…
Quy trình phân loại, xử lý tái chế phế liệu sau khi thu mua của các hộ dân được thực hiện ngay trong khuôn viên của các hộ và hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Phế liệu được người dân phân loại bằng tay, đối với vỏ bao bì khổ lớn bằng nhựa thì tổ chức “giặt” tay trước khi đưa vào máy xay. Đối với chai lọ thì xay nhỏ trước khi đưa vào làm sạch tại các bể nước.
Nước thải từ “quy trình” làm sạch phế liệu được thải thẳng ra hệ thống thoát nước chung rồi “hòa” vào hệ thống nước thải sinh hoạt, đổ ra trạm bơm Phù Lưu và sông Đa Độ - nguồn thủy lợi quan trọng và là một trong ba nguồn nước sinh hoạt của các quận nội thành Hải Phòng.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 17/12/2018
05:04, 15/12/2018
11:00, 14/12/2018
Dự án cải tạo môi trường làng nghề Tràng Minh đã từng khiến bao người dân làng nghề khấp khởi vui mừng. Vì sau bao nhiêu tháng ngày chịu cảnh khốn khổ bởi ô nhiễm, tình hình đã có hi vọng được giải quyết. Nhưng niềm vui chẳng tày gang khi dự án thực hiện 4 năm vẫn chưa xong, hết lần điều chỉnh này đến lần điều chỉnh khác. Không biết bao giờ hệ thống mới được đưa vào hoạt động?