Đắk Lắk xác định dự án cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang là ưu tiên số 1 trong 5 năm tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Đắk Lắk, ngày 30/6.
Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Đắk Lắk, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung kiến nghị Trung ương bổ sung tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang vào quy hoạch đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến năm 2050. Đồng thời, cho chủ trương hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương khoảng 10.000 tỷ đồng, trong tổng mức đầu tư 19.500 tỷ đồng.
“Làm được tuyến đường cao tốc này là mong mỏi của người dân, cũng như cán bộ tỉnh Đắk Lắk. Nếu làm được, tuyến đường này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà”, ông Trung bày tỏ.
Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk còn đề nghị bổ sung thêm 3 đường cao tốc trên địa bàn miền Trung –Tây Nguyên vào danh mục dự án thực hiện giai đoạn 2026-2030, gồm đường cao tốc nối các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum - Gia Lai- Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước), đường cao tốc Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)- Liên Khương (Lâm Đồng), cao tốc Buôn Ma Thuột-Phú Yên và một số dự án hạ tầng khác.
Nhận định hạ tầng giao thông đang là nút thắt phát triển của Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn ghi nhận các đề xuất của tỉnh Đắk Lắk liên quan đến giao thông.
Đối với tuyến đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang, ông Lê Anh Tuấn cho biết dự án này đã được bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới các tuyến đường bộ cao tốc Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT sẽ lập dự án cụ thể để xác định khả năng bố trí vốn.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn đề xuất dự án tuyến cao tốc đường bộ Buôn Ma Thuật - Nha Trang có thể triển khai theo hình thức đối tác công-tư và tỉnh Đắk Lắk phụ trách triển khai việc giải phóng đề bù mặt bằng sẽ đẩy nhanh tiến độ thủ tục và triển khai dự án.
Ghi nhận các kiến nghị của Đắk Lắk, đặc biệt là các kiến nghị về đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là những kiến nghị cần thiết và cấp bách vì phát triển hạ tầng giúp giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi thương mại, đi lại của người dân.
“Đắk Lắk xác định dự án cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang là ưu tiên số 1 trong 5 năm tới”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, với dự kiến đầu tư lên tới hơn 19.000 tỷ đồng, dù đầu tư theo phương thức nào thì Đắk Lắk cũng phải đặt quyết tâm chính trị cao đối với dự án này để tạo động lực phát triển lan tỏa cho địa phương.
“Trung ương hỗ trợ một phần nhưng việc chuẩn bị dự án phải được tiến hành càng nhanh càng tốt. Đắk Lắk cũng phải tích cực xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, các quy hoạch chuyên ngành giao thông”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ.
Về các lĩnh vực khác của tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Quốc hội đánh giá tỉnh đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Ngày 23/5 vừa qua, biểu dương, ghi nhận nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện.
Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,11%, cao gấp 1,61 lần mức tăng chung cả nước, thu ngân sách đạt 60% kế hoạch năm; 570 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 59,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 42% kế hoạch năm 2021.
Cơ bản đồng tình với đánh giá thẳng thắn của Đắk Lắk về những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế ở địa phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần đẩy nhanh hơn nữa giải ngân đầu tư công, tăng cường kích cầu nội địa, tăng cường kết nối nông sản với các địa phương như Hà Nội, TP.HCM.
Nhất trí với các phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần tiếp tục quán triệt thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh.
Làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác tư tưởng, dân vận, kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật đảng; tiếp tục quan tâm triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Về phòng, chống dịch COVID–19, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải bám sát diễn biến tình hình để xử lý kịp thời, tăng cường công tác phòng chống dịch từ sớm, từ xa, không nên chủ quan, rà soát lại các phương án bốn tại chỗ từ nhân lực, vật tư, thiết bị, y tế để không bị bất ngờ.
“Tới đây, trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ có gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID–19. Đắk Lắk cần chủ động rà soát tình hình thực tế các đối tượng trên địa bàn để khi gói hỗ trợ được ban hành sẽ thực hiện được ngay, bảo đảm hiệu quả, minh bạch”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Đắk Lắk rà soát lại vấn đề quản lý, sử dụng đất đai ở các nông lâm trường, tránh tình trạng để lãng phí, chưa có kế hoạch sử dụng trong khi người dân vẫn thiếu đất ở, đất sản xuất.
HĐND tỉnh nên có kế hoạch giám sát vấn đề này, nhất là đất đai tại các công ty thuộc Tổng công ty cà phê, cao su... Tới đây, Quốc hội cũng sẽ xem xét giám sát vấn đề này để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai.
Nhấn mạnh vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh của Đắk Lắk, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tuyệt đối không được chủ quan lơ là mất canh giác, cần xây dựng các biện pháp hiệu quả nhằm bảo đảm an ninh chính trị, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, an ninh biên giới, tiếp tục xây dựng và củng cố thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân; đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch.
Chủ tịch Quốc hội cũng giao Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội tổng hợp các kiến nghị của Đắk Lắk về cơ chế, chính sách để thực hiện Kết luận số 67 của Bộ Chính trị về phát triển Đắk Lắk và danh mục các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng để làm việc với các cơ quan liên quan trên tinh thần ủng hộ tối đa các đề xuất của tỉnh.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay để Đắk Lắk ngày càng phát triển, xứng đáng với vị trí là tỉnh trung tâm của vùng Tây Nguyên.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội, Đoàn công tác cùng lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã chứng kiến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao tặng tỉnh Đắk Lắk 1 tỷ đồng, Bộ Y tế tặng lô thiết bị y tế trị giá 5 tỷ đồng, Tập đoàn Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành trao tặng 5 tỷ đồng để xây dựng trường học.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Trung ương đã tới thăm và làm việc với Công an tỉnh Đắk Lắk.
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp và tình hình thế giới, khu vực nhiều biến động nhưng lực lượng công an nói chung, công an Đắk Lắk nói riêng đã làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều chủ trương, giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng công an nhân dân.
Toàn lực lượng đã nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức để đạt được những kết quả nổi bật đó là, bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; giảm 12,2% tội phạm, xâm phạm trật tự xã hội, kéo giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí.
Đáng chú ý, việc triển khai công an xã, thị trấn chính quy theo Nghị định số 42 của Chính phủ đã được công an tỉnh thực hiện nghiêm túc, đến nay đã bố trí 888 công an chính quy về đảm nhiệm chức danh công an xã tại 152/152 xã trên địa bàn (vượt chỉ tiêu Bộ Công an giao).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Công an tỉnh Đắk Lắk phải kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, Nhà nước quản lý trực tiếp về mọi mặt đối với Công an nhân dân; quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng về an ninh, trật tự; tuân thủ, thực hiện đầy đủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực công tác.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.
Công an tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục phát huy vai trò tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đề ra các chủ trương, chính sách, các đề án, kế hoạch, phương án bảo về bảo đảm an ninh, trật tự; xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào “Công an nhân dân thực hiện 6 Điều Bác Hồ dạy” gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.
Tăng cường quan hệ gắn bó giữa Công an với các ngành, các cấp, các tổ chức, đoàn thể trong thực thi nhiệm vụ. Kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm an ninh, trật tự với phát triển kinh tế, xã hội và công tác phòng, chống dịch bệnh.
Có thể bạn quan tâm