Vượt mọi "trở ngại" do COVID-19 nhiều chủ đầu tư vẫn đề nghị được thi công dự án điện gió với lý do kịp tiến độ về đích vào thời điểm 31/10/2021 để được hưởng mức giá FIT.
Chia sẻ tới Diễn đàn Doanh nghiệp nhiều chủ đầu tư cho rằng, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID- 19, các doanh nghiệp đang chạy tiến độ giá FIT thời điểm 31/10/2021 "nóng ruột như ngồi trên đống lửa". Sở dĩ hợp đồng được ký vào đầu năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 được dự báo còn tiếp diễn, nhưng nhà thầu chủ quan, việc giao hàng một số vật tư khác không có cơ sở chắc chắn, kết hợp với quyết định giãn cách xã hội áp dụng trên địa bàn khiến việc thi công các dự án gặp rất nhiều khó khăn.
Để kịp thời hưởng giá bán điện kéo dài trong 20 năm theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ thì các dự án điện gió phải có một phần hoặc toàn bộ nhà máy đưa vào vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021. Theo đó giá bán điện đối với các dự án điện gió nối lưới nằm trong đất liền có giá là 1.928 đồng/kWh, tương đương 8,5 Uscents/kWh. Giá bán điện đối với các dự án điện gió nối lưới trên biển có giá 2.223 đồng/kWh, tương đương 9,8 Uscents/kWh. Do đó, dù ảnh hưởng bởi dịch COVID -19 khiến dự án chậm tiến độ, nhưng các chủ đầu tư vẫn quyết tâm đề xuất xin được thi công chạy nước rút để dự án kịp hoàn thành công nhận COD vào thời điểm ngày 31/10/2021.
Đối với địa bàn huyện Hướng Hóa - Quảng Trị có lợi thế tiềm năng về địa hình đón gió đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án tại đây. Do có ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch đối với các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn huyện Hướng Hóa, một số chủ đầu tư dự án điện gió tại địa phương này đồng loạt kiến nghị được tiếp tục thi công để kịp tiến độ vận hành trước ngày 01/11/2021.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị chủ đầu tư nhà máy điện gió Tài Tâm với công suất 50MW có tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị, chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Hoàng Hải công suất 50MW, tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng cũng gấp rút thi công, tăng tốc lắp toubin, chạy thử nghiệm hoàn thành dự án.
Vì thời gian không còn nhiều nên doanh nghiệp cam kết đảm bảo công tác phòng chống dịch, đồng thời tập trung huy động toàn bộ nguồn lực để thi công ngày đêm đảm bảo dự án về đích đúng kế hoạch.
Ngoài những khó khăn ảnh hưởng từ COVID -19, thì yếu tố thời tiết mưa bão và địa hình ở đây cũng khiến các dự án gặp nhiều khó khăn khi phải chạy đua với thời gian ngắn.
Được biết, tại địa bàn huyện Hướng Hóa, ghi nhận nhiều dự án điện gió đang chạy đua mốc hẹn tháng 10/2021 như: Điện gió Hướng Hiệp 1, công suất 30MW có vốn đầu tư 1.350 tỷ đồng, Dự án điện gió Liên Lập với công suất 48MW, điện gió Phong Nguyên với công suất 48MW có vốn đầu tư 1900 tỷ đồng…Các chủ đầu tư cho biết, công ty cũng đang thần tốc triển khai dự án để hoàn thành trước 31/10/2021 để đạt được biểu giá FIT của Chính phủ.
"Sau thời điểm giá FIT này, nhà nước vẫn chưa có quy định cụ thể về việc các dự án điện gió có được triển khai tiếp hay không. Việc dự án không hoàn thành kịp trước thời gian quy định sẽ gây ra thiệt hại số tiền hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp, không chỉ gây ra tổn thất cho nhà đầu tư mà còn giảm nguồn thuế ngân sách đóng cho tỉnh Quảng Trị", chủ đầu tư nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một số dự án tại tỉnh tại Trà Vinh, Gia Lai, Sóc Trăng cũng đang lo ngại vì cách ly xã hội mà nhiều dự án khó hoàn thành đúng tiến độ, mới đây lãnh đạo UBND các tỉnh này đã có văn bản đề xuất Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT đối với các dự án đang triển khai trên địa bàn tới hết tháng 12/2021.
Theo chia sẻ từ một số dự án, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc huy động công nhân cũng gặp không ít khó khăn. Trong giai đoạn thi công dự án, công nhân còn thực hiện test COVID -19 theo định kỳ để sàng lọc F0, nếu gặp ca F0 thì nguy cơ phải chốt đầu, chốt cuối ảnh hưởng tới toàn dự án... Tuy nhiên, lo lắng lớn nhất của chủ đầu tư lúc này là khi hoàn thành công tác lắp đặt thì cần các chuyên gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến công trường nghiệm thu nhưng hiện các chuyên gia này đang làm việc tại các tỉnh có dịch như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội khi vào tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy mà vừa qua các chủ đầu tư cũng đã có kiến nghị với tỉnh để đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành dự án.
Chia sẻ tới Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Trường - chủ đầu tư Dự Án Hồng Phong 1 cho biết, rất may chúng tôi kịp về đích, dự án chỉ còn bước cuối cùng là chờ công nhận COD là xong. Tuy nhiên, còn rất nhiều nhà máy "khó" có thể kịp để về đích do ảnh hưởng từ COVID- 19.
Cũng theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 8/2021, đã có 12 tua-bin điện gió với tổng công suất 48,8 MW được công nhận COD. Nếu so với con số 108 nhà máy điện gió có tổng công suất 5.655 MW đã gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận COD được EVN chốt sổ ở thời điểm trước 90 ngày (so với mốc 31/10/2021 để kịp hưởng mức giá FIT hiện nay), có thể thấy, rất nhiều dự án sẽ khó về đích đúng hẹn để được hưởng giá bán tốt.
Trước những thiệt hại không thể đong đếm do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, khiến nhiều dự án điện gió, khó có thể về kịp đích, Hiệp hội Điện gió - Điện mặt trời Bình Thuận, Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam cũng đã gửi đơn Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn giá FIT đến 30/12/2021 thay vì thời điểm ngày 31/10/2021.
Có thể bạn quan tâm