Dự án đường sắt 100.000 tỷ đồng: Cân nhắc tính hiệu quả và rủi ro!

Diendandoanhnghiep.vn Dự án đường sắt 100.000 tỷ đồng vừa được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra có nhiều điểm bất hợp lý cả về công năng, hiệu quả và rủi ro.

Mới đây, thông tin Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang nghiên cứu quy hoạch đường sắt dài 392 km qua 8 tỉnh, thành theo hướng tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng (4,3 tỷ USD), trong đó 33 tỷ đồng (10 triệu Nhân dân tệ) do Trung Quốc viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, đang được dư luận và giới chuyên gia quan tâm.

Ảnh minh hoạ.

Bộ GTVT lý giải, trên hành lang Đông – Tây từ Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai hiện có tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng được xây dựng từ thời Pháp thuộc có khổ đường 1m, đường đơn, kết nối với Trung Quốc tại Hà Khẩu. Đây là tuyến đường sắt có vị trí quan trọng trong việc hình thành mạng lưới vận tải ở phía bắc sông Hồng, nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng – một trong những trung tâm hàng hải lớn nhất Việt Nam.

Trong quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các quyết định liên quan như Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt đều định hướng phát triển tuyến đường sắt mới Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng với chiều dài dự kiến khoảng 380km, đường đôi (2 chiều đường riêng biệt), khổ 1,435m điện khí hóa.

Khi đề cập đến nguồn vốn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nói rằng: “Chính phủ Trung Quốc viện trợ không hoàn lại 33 tỷ đồng để khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng là thỏa thuận giữa hai chính phủ. Khoản viện trợ này không có yêu cầu về điều kiện ràng buộc sử dụng vốn. Việc này tương tự như trước đây Hàn Quốc, Nhật Bản tài trợ nghiên cứu dự án đường sắt Bắc - Nam”.

Đúng là, về mặt lý thuyết, rõ ràng tuyến đường sắt này có tầm quan trọng khi kết nối vùng và thông thương với Trung Quốc. Thế nhưng, thực tế cho thấy, chúng ta còn nhiều dự án hạ tầng GTVT quan trọng khác mang tính cấp thiết hơn cần phải dồn nguồn lực để đầu tư..v..v.

Nói thẳng ra, rất nhiều ý kiến không đồng tình với việc Bộ GTVT “rục rịch” thúc đẩy dự án trên. Vì trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạ tầng của nước ta còn thiếu như hiện nay, Quốc hội, Chính phủ chưa nên bàn đến việc quy hoạch, xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng mà chỉ nên xem xét cho chiến lược lâu dài 20 năm, 30 năm nữa.

Chúng ta nên tập trung nguồn lực để lo tổ chức đấu thầu cho được dự án cao tốc Bắc – Nam đã được ghi vốn để triển khai, hoặc các cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ, dự án giai đoạn 1 sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt tốc độ cao TP.HCM – Cần Thơ. Đây là những dự án chiến lược hiện nay để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Chưa dừng lại ở đó, suy xét kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy tuyến đường sắt này có liên quan đến chiến lược “vành đai – con đường” của Trung Quốc.  PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho biết: Trong việc phát triển chiến lược “Vành đai - con đường” của Trung Quốc, họ đã đề cập đến vấn đề này. Họ muốn có 2 con đường, thứ nhất là Lào Cai - Hải Phòng để kết nối với Quảng Tây, Vân Nam của họ; thứ 2 là con đường từ Quảng Ninh đi xuống phía nam.

Vì thế, không ít người đã bày tỏ sự quan ngại nhất định khi cho rằng, nếu chúng ta cứ vay vốn Trung Quốc để làm các dự án này thì chúng ta có thể trở thành con nợ, rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc. Chúng ta đã tránh vấn đề này, bây giờ lại đề xuất ra thì về mặt chiến lược là có vấn đề.

Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Đặng Đình Đào - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển cho biết: “Việt Nam không nên nhận tiền của các nhà đầu tư, kể cả trong nước lẫn nước ngoài để lập quy hoạch các tuyến đường giao thông, dù đó là hỗ trợ không hoàn lại. Chính phủ nên tự bỏ tiền thực hiện quy hoạch các dự án mang tầm chiến lược. Bởi vì không ai cho không ai cái gì, khi bỏ ra chi phí họ có thể sẽ chi phối trong quá trình tổ chức đấu thầu”.

Đó là chưa kể đến việc đầu tư lớn cho tuyến đường sắt trong khi lưu lượng hành khách, hàng hóa chưa lớn sẽ gây lãng phí. Bộ GTVT cần nhìn vào thực tế, đơn cử như dự án đường sắt Yên Viên (Hà Nội) – cảng Cái Lân (Hạ Long) được đầu tư tới 3.400 tỷ đồng song vẫn dang dở, không đạt mục tiêu tốc độ chạy tàu và vắng khách. Không thể đầu tư cho một tuyến đường sắt mà căn cứ không rõ ràng.

Song song, cần phải thấy hệ thống đường bộ cao tốc phía Bắc đã khá hiện đại, nhất là tuyến Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng… Nên việc xây mới tuyến đường sắt lúc này là điều cần cân nhắc vì  có thể dẫn đến dư thừa hạ tầng.

Theo đó, Bộ GTVT không thể nhắm mắt làm ngơ, bỏ qua những phản biện xã hội, trong đó có không ít ý kiến của nhiều tri thức với tư cách là những chuyên gia kinh tế hàng đầu, có tầm có tâm với sự phát triển của nền kinh tế nước nhà suốt thời gian qua.

Xin được kết bài bằng câu nói của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh "rất nhiều người nói Bộ GTVT là "Bộ tiêu tiền" mà không quan tâm tiền đó lấy từ đâu. Kể cả có đi vay được thì chúng ta cũng không thể cứ thế mà đi vay mãi. Trong khi, 100.000 tỷ đồng là một khoản đầu tư rất lớn đối với nền kinh tế. Nhà nước cần phải cân nhắc, đắn đo như một nhà đầu tư thực thụ, phải tính đến hiệu quả".

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Dự án đường sắt 100.000 tỷ đồng: Cân nhắc tính hiệu quả và rủi ro! tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714059340 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714059340 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10