Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông có “về đích” đúng hẹn?

Vân Du tổng hợp 13/05/2018 11:00

Mặc dù đã “chốt” tiến độ khai thác vào cuối năm nay 2018, tuy nhiên, đến thời điểm này, một số hạng mục công trình vẫn còn ngổn ngang.

 Theo đánh giá của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có nguy cơ không về đích trong tháng 11/2018 theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Vẫn chậm so với tiến độ

Có thể bạn quan tâm

  • Bác tin đường sắt Cát Linh - Hà Đông “vỡ” tiến độ đến 2021

    Bác tin đường sắt Cát Linh - Hà Đông “vỡ” tiến độ đến 2021

    01:18, 31/03/2018

  • Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và món nợ 650 tỷ đồng/năm

    09:38, 24/01/2018

  • Dự án Đường Cát Linh - Hà Đông: “Nới” tiến độ, “lỏng” niềm tin

    05:06, 10/12/2017

  • Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Bài học đã thuộc?

    05:14, 22/09/2017

Mới đây, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tháng 9/2018 bắt đầu vận hành chạy thử về kỹ thuật bao gồm căn chỉnh tổng hợp, vận hành thử không tải, vận hành chở khách mô phỏng. Thời gian chạy thử từ 3-6 tháng, tùy thuộc vào kết quả chạy thử để tiến hành khai thác thương mại. Dự án sẽ kết thúc hoàn toàn vào năm 2021 (bao gồm 2 năm bảo hành Dự án).

Cũng theo báo cáo, công tác xây dựng nhà ga, đường ray, hoàn thiện trang trí kiến trúc khu Depot, công tác lắp đặt thiết bị và đóng điện toàn tuyến sẽ thực hiện trong tháng 8. Dự án sẽ hoàn thành toàn tuyến vào tháng 8/2018. Tháng 9/2018 bắt đầu vận hành chạy thử về kỹ thuật bao gồm căn chỉnh tổng hợp, vận hành thử không tải, vận hành chở khách mô phỏng.

Tính đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng xây lắp (chưa bao gồm phần thiết bị) gồm toàn bộ các trụ và dầm cầu trên cao; kết cấu và kiến trúc của 12 nhà ga; tổng mặt bằng và kết cấu chính của 15/16 đơn thể kiến trúc trong khu Depot; đường ray tuyến chính, tuyến nhánh và trong khu Depot kết nối đến các phân khu chỉnh bị, sửa chữa, lập tàu; tường chống ồn và chống thấm mặt cầu.

Tổng thầu đã nhập khẩu thiết bị khoảng 60% khối lượng và lắp đặt khoảng hơn 40% khối lượng (một số chuyên ngành như thông tin, tín hiệu, cung cấp điện, ray tiếp xúc, chiếu sáng...). Tổng thầu vẫn đang triển khai nhập khẩu các thiết bị còn lại và tiến hành lắp đặt đồng thời ngoài hiện trường. 

“Dự án vẫn “chốt” tiến độ chạy thử vào đầu tháng 9 tới đây và hoàn thành xây dựng công trình trong quý 4 năm 2018” - Ông Vũ Hồng Phương - Phó Giám đốc Ban QLDA đường sắt khẳng định.

Thế nhưng, kiểm tra thực tế vào cuối tháng 4/2018 của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT lại cho thấy, tại thời điểm kiểm tra lực lượng thi công, xây lắp thực tế toàn tuyến chỉ có 358 người, trong khi lực lượng thi công cần thiết theo kế hoạch là 640 người. 

Bên cạnh đó, toàn bộ thiết bị thang cuốn, thang máy của dự án đã được Tổng thầu nhập khẩu về công trường, các bên đang thực hiện công tác kiểm tra mở thùng thiết bị đối với thang máy. Tuy nhiên, công tác bảo quản thiết bị sau khi lắp đặt của Tổng thầu vẫn chưa được thực hiện tốt. Ngoài ra, nhà thầu quản lý không sát sao trong công tác an toàn khi thi công ban đêm, công tác chuẩn bị cho thi công ban đêm không đầy đủ.

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đánh giá, so sánh với bảng tiến độ thi công đã được Tổng thầu cam kết thì hiện nay tiến độ các hạng mục vẫn tiếp tục chậm từ 30 - 90 ngày và có nguy cơ không về đích trong tháng 11/2018 theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

“Quyết” không lùi dự án

Hôm qua (12/5), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã trực tiếp thị sát, kiểm tra tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và khẳng định sẽ giải quyết ngay những vướng mắc của dự án, quyết không lùi tiến độ, chạy tàu thương mại vào tháng 12/2018.

Tại hiện trường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã kiểm tra tiến độ các hạng mục của dự án như trung tâm điều hành OCC, khu depot, khu điều hành ga Thượng Đình, ga Cát Linh.... 

“Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là biểu tượng mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Khó khăn nhất của dự án trong giai đoạn vừa qua là nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD đã được hai nước giải ngân, vì vậy không thể để các khó khăn, vướng mắc khác làm cản trở tiến độ dự án. Bộ GTVT luôn tạo điều kiện tối đa để dự án sớm hoàn thành và đưa vào khai thác”. - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Đồng thời chỉ đạo, trước mắt, Ban QLDA và nhà thầu cần ngồi lại bàn bạc thảo luận triển khai giải ngân vốn cho các hạng mục của dự án. Những hạng mục thuộc phần mua sắm lắp đặt thiết bị có thể xem xét tạm ứng một phần cho những thiết bị đạt tiêu chuẩn đã mang về Việt Nam và thanh toán khi hoàn thiện các hồ sơ nghiệm thu.

Với những hạng mục thuộc phần thi công công trình, nhà thầu cần sớm hoàn thiện hồ sơ để thực hiện nghiệm thu và thanh toán.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định Bộ GTVT sẽ giải quyết ngay những vướng mắc của dự án thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Bộ ngành khác, nhà thầu và Ban QLDA cần tập hợp báo cáo để Bộ phối hợp giải quyết, cần thiết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo.

“Ban QLDA, tổng thầu và các đơn vị phải nỗ lực hơn nữa, quyết không lùi tiến độ, đảm bảo dự án vận hành thử nghiệm vào tháng 10/2018 và khai thác thương mại vào tháng 12/2018”, Bộ trưởng chỉ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông có “về đích” đúng hẹn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO