Dự án lấn biển Cần Giờ: Phù hợp chiến lược phát triển kinh tế biển

ĐÌNH ĐẠI 22/07/2020 15:00

Theo đánh giá, dự án lấn biển Cần Giờ không thuộc phạm vi rừng ngập mặn nên không gây tác động trực tiếp đến rừng ngập mặn và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Dự án lấn biển Cần Giờ, với quy mô ban đầu là 600 ha, tọa lạc tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP. HCM được phê duyệt năm 2004 và khởi công năm 2007. Tổng kinh phí đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 8.470 tỷ đồng, do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau 15 năm, dự án vẫn chưa thể triển khai.

Không tác động đến rừng ngập mặn

Mới đây, dự án được phê duyệt điều chỉnh quy mô lên 2.870 ha, tăng gấp 5 lần so với quy mô ban đầu. Trong đó, Đất đơn vị ở là 313,51 ha chiếm 10,9%; Đất TMDV - nghỉ dưỡng là 756,26 ha chiếm 26,35%; Đất hạ tầng xã hội – kỹ thuật - cây xanh mặt nước là 1718,25 ha chiếm 59,87%...

Vị trí dự án nằm cách vùng lõi Khu bảo tồn sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ 18km.

Vị trí dự án nằm cách vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ 18km.

Tổng kinh phí đầu tư sau điều chỉnh khoảng 217.054 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là 32.558 tỷ đồng, chiếm 15% tổng vốn đầu tư; Vốn vay thương mại là 184.496 tỷ đồng, chiếm 85% tổng vốn đầu tư.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được chia thành 3 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1 từ năm 2021 – 2023 xây dựng hạ tầng khung: Đê bao, tuyến giao thông chính, biển hồ, khu công viên chuyên đề, khu công viên chủ đề VinWonders tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD; khách sạn –  resort, tháp điểm nhấn, khu công cộng dịch vụ đô thị, khu nhà ở…Giai đoạn 2 từ 2023 – 2028, dự án sẽ hoàn thiện tiếp hạ tầng khung, công viên công cộng, bệnh viện, cầu qua biển hồ, bãi biển, nhà ở, khách sạn...Giai đoạn 3 từ 2028 – 2031, dự án sẽ hoàn thiện hạ tầng và các công trình nhà ở, khách sạn, resort…

Theo báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt, dự án lấn biển Cần Giờ nằm ngoài khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, cách vùng lõi khoảng 18 km về phía Bắc; Nằm ngoài ranh giới diện tích đất lâm nghiệp 34.672,79 ha, trong đó diện tích rừng ngập mặn là 32.451,02 ha (rừng phòng hộ Cần Giờ); Nằm kế cận vùng chuyển tiếp thuộc ranh giới Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Và cách khu du lịch sinh thái Vàm Sát khoảng 17,5 km về phía Tây Bắc.

Theo đánh giá của các chuyên gia, vị trí dự án không thuộc phạm vi rừng ngập mặn nên không gây tác động trực tiếp đến rừng ngập mặn. Dự án cũng không ảnh hưởng đến các di tích khảo cổ, các dự án hiện tại, không gây ra tình trạng mất đất ở, không có di dân, tái định cư, cũng như không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản của địa phương. Đồng thời, dự án cũng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và khung pháp lý của Unesco.

Phát triển kinh tế biển

Mặt khác, dự án lấn biển Cần Giờ cũng phù hợp với chủ trương hướng ra biển để phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước thông qua Nghị quyết số 09 năm 2007 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, với quan điểm “phải đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Nghị quyết đã đề ra 5 lĩnh vực ưu tiên phát triển trong đó có một nội dung quan trọng là “phát triển du lịch và nghỉ dưỡng biển”, rất nhiều các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp tập trung ven biển sau đó đã đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng chung của cả nước.

Tới năm 2018, Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp tục nhấn mạnh quan điểm, Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Thậm chí, Nghị quyết nêu lên, biển là “là không gian sinh tồn”.

Riêng về du lịch và dịch vụ biển, Nghị quyết nhấn mạnh chủ trương: Đầu tư hạ tầng du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển.

Trên thực tế, biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng và đang là thách thức ngăn chặn những bước chân mở kinh tế hướng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức đang được cả Đảng, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nỗ lực tháo gỡ, vượt qua. Trong đó, đặc biệt là sự năng động, vào cuộc mạnh mẽ và sáng tạo của các khối doanh nghiệp tư nhân để chủ công trong việc thực thi chiến lược chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực.

Việc gia nhập, gia cố các “hàng rào” ứng phó xâm thực mặn và nước biển dâng từ các khu đô thị tầm cỡ, quy mô, có đầu tư hạ tầng vững, sâu và rộng nhưng không làm thay đổi dòng chảy biển hay tác động theo hướng tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái xung quanh, được giới chuyên môn đánh giá như một giải pháp quan trọng và bền vững, thay thế dần tình trạng “kè đê lấn biển” thủ công và yếu trước đây.

Đây cũng là bước đầu tư quan trọng để tạo sức hút lan tỏa cho mọi lĩnh vực, khu vực, thành phần khác cùng tham gia gia cố “hàng rào” quan trọng này. Với dự án lấn biển Cần Giờ, sức lan tỏa kỳ vọng sẽ không chỉ là nơi du lịch, nghỉ dưỡng, đầu tư tầm vóc khu vực và quốc tế,  còn là một điểm nhấn, một đẳng cấp mới cho lĩnh vực công nghiệp không khói góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP. HCM và quan trọng nhất, thay đổi điều kiện an sinh, công việc, thu nhập ngày càng tích cực hơn cho người lao động.

TP HCM cũng đã xác định việc phát triển khu đô thị du lịch biển Cần Giờ với vai trò khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng hoàn toàn phù hợp với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thể hiện qua phê duyệt tại đề án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2016 – 2020,  phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ du lịch sinh thái; phát triển nông nghiệp đô thị, đầu tư, thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

Kỳ 2: Những lợi ích dự án mang lại 

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ TNMT nói gì về tác động của dự án lấn biển Cần Giờ?

    Bộ TNMT nói gì về tác động của dự án lấn biển Cần Giờ?

    11:30, 20/07/2020

  • Điều chỉnh Dự án lấn biển Cần Giờ - Saigon Sunbay

    Điều chỉnh Dự án lấn biển Cần Giờ - Saigon Sunbay

    08:00, 22/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự án lấn biển Cần Giờ: Phù hợp chiến lược phát triển kinh tế biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO