Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Tạo lợi thế cạnh tranh từ chính sách ưu đãi

NGUYỄN VIỆT 03/06/2022 19:24

Việt Nam đang đứng trước một thực tế, đó là số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết gần đây giảm mạnh.

>>Thông qua Luật Dầu khí sửa đổi: Thúc đẩy ngành năng lượng phát triển bền vững

"Cụ thể, giai đoạn 2009-2014, khoảng 35 hợp đồng được ký, nhưng từ giai đoạn 2015-2019 mỗi năm chỉ có 1 hợp đồng được ký; năm 2020 và 2021 không có hợp đồng nào được ký", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ tại phiên thảo luận ở tổ về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), ngày 3/6..

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Nguyễn Việt

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Nguyễn Việt

Trữ lượng nhỏ, tiềm năng hạn chế

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nguyên nhân khách quan là các phát hiện mới ở Việt Nam trong thời gian qua phần lớn có trữ lượng nhỏ, các diện tích mở còn lại đều được đánh giá có tiềm năng ở mức hạn chế, chủ yếu là khí, tập trung ở khu vực thuộc đối tượng của chính sách khuyến khích đầu tư theo quy định của Luật Dầu khí.

Các mỏ đang khai thác ở trong giai đoạn cuối đời mỏ, sản lượng khai thác giảm dần, một số mỏ doanh thu không bù đắp được chi phí và các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước. 

"Do đó, việc bổ sung các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với bối cảnh hiện nay, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực hoạt động dầu khí của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực là hết sức cần thiết", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định.

Dự thảo Luật đã quy định bổ sung đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt (chưa được quy định tại Luật Dầu khí hiện hành). Cụ thể, được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% (so với mức 32% theo quy định hiện hành).

Thu hồi chi phí tối đa 80% (so với mức 70% theo quy định hiện hành) trên cơ sở tham khảo chính sách của một số nước trong khu vực có hoạt động dầu khí tương đồng với Việt Nam.

Trong khi đó, mức thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Thái Lan là 20%, Malaysia 25%, Trung Quốc 25%, Myanmar 30%; mức thu hồi chi phí (tối đa) của Malaysia là 75%, Indonesia 90%). 

"Việc ưu đãi này sẽ mở ra cơ hội tăng thu cho ngân sách nhà nước khi mở rộng đối tượng ký mới hợp đồng và khai thác", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Báo cáo làm rõ thêm một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế để các đại biểu thảo luận, cho ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, về tên gọi của dự án Luật, để bảo đảm tính kế thừa, ổn định, liên tục của pháp luật về dầu khí.

Không làm ảnh hưởng đến các hoạt động dầu khí, hợp đồng dầu khí đã ký kết (không gây hiểu nhầm đối với các nhà thầu hiện hữu), cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị được giữ nguyên tên gọi là “Luật Dầu khí” như pháp luật hiện hành, tương tự như nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang sử dụng tên gọi Luật Dầu khí để điều chỉnh các hoạt động thượng nguồn (điều tra cơ bản về dầu khí, tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí).

“Tên gọi như vậy là phù hợp với thông lệ và không làm khó cho quá trình triển khai thực hiện những dự án hiện có”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, gồm điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí (hoạt động thượng nguồn), không điều chỉnh hoạt động trung và hạ nguồn.

Lý do theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, vì tính đặc thù của hoạt động thượng nguồn được quy định tại Luật Dầu khí hiện hành, xét thấy cần phải có sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật.

“Trong quá trình điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò và khai thác cũng giống như “tìm kim ở đáy bể”, bỏ tiền và công sức để tìm kiếm thăm dò ngoài biển, chưa ai biết có hay không, nhưng nếu không có những quy định đặc thù của hoạt động này thì không ai dám bỏ tiền của ra để làm”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn chứng, những năm trước đây, PVN cũng có hoạt động đầu tư ở nước ngoài, bỏ chi phí một khoản rất lớn nhưng cuối cùng không dễ gì lấy được các dữ liệu…

“Điều này cho thấy, quy định về tính đặc thù của hoạt động thượng nguồn trong Luật Dầu khí hiện hành đã có quy định, nhưng chưa đủ rõ, không bảo đảm hệ số an toàn cho hoạt động thượng nguồn”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Các hoạt động trung và hạ nguồn, gồm vận chuyển, xử lý, chế biến dầu khí hiện nay đang điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai…

Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án trung và hạ nguồn cơ bản không gặp vướng mắc, do vậy không cần thiết phải đưa các hoạt động trung và hạ nguồn vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.

>>Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): "Đánh thức" đầu tư vào dầu khí phải có cách nhìn mới

Thiết kế theo hướng chỉ quy định các nội dung đặc thù

Đối với trường hợp triển khai dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ, bao gồm phát triển khai thác, vận chuyển, xử lý dầu khí… là những trường hợp rất đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhằm khuyến khích các nhà thầu bỏ vốn đầu tư lớn để thực hiện các dự án đầu tư thành phần liên quan mật thiết với nhau theo chuỗi. Đơn cử, như chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh tại Lô 117-118-119.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ. Ảnh: Nguyễn Việt

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong trường hợp này, trình tự, thủ tục thực hiện dự án dầu khí được thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí.

Về nguyên tắc, Luật Dầu khí (sửa đổi) không thể thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. 

“Theo đó, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) được thiết kế theo hướng chỉ quy định các nội dung đặc thù, chuyên ngành đối với điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; các nội dung khác (không có tính đặc thù) thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan”, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay.

Điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động rất quan trọng do Nhà nước thống nhất quản lý, làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí. Trước đây, PVN được hình thành và sử dụng Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí và tìm kiếm thăm dò dầu khí.

“Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không cho phép lập Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí, do đó việc bố trí kinh phí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí từ nguồn lực của nhà nước (bao gồm ngân sách nhà nước, nguồn lợi sau thuế theo dõi tại PVN) và nguồn vốn của các tổ chức cá nhân là cần thiết, đồng bộ với quy định của pháp luật về khoáng sản”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.

Điều tra cơ bản về dầu khí được thực hiện theo cơ chế “giao nhiệm vụ” (tương tự cơ chế giao nhiệm vụ đề tài nghiên cứu khoa học) trên cơ sở danh mục đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, theo đó sẽ nghiên cứu, bổ sung những nội dung cụ thể giao Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí (việc lập danh mục dự án; trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt đề án, báo cáo kết quả…).

Có thể bạn quan tâm

  • Thông qua Luật Dầu khí sửa đổi: Thúc đẩy ngành năng lượng phát triển bền vững

    22:30, 23/05/2022

  • Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần có đánh giá cụ thể về rủi ro môi trường

    04:00, 20/05/2022

  • Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): "Đánh thức" đầu tư vào dầu khí phải có cách nhìn mới

    04:00, 15/04/2022

  • PVN đề xuất sớm ban hành Luật Dầu khí sửa đổi

    14:59, 24/03/2022

  • Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Bổ sung quy định về đầu tư dự án dầu khí

    03:50, 04/01/2022

  • Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Thêm quy định điều tra cơ bản về dầu khí

    04:00, 27/12/2021

  • Đã đến lúc phải sửa Luật Dầu khí

    04:00, 25/12/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Tạo lợi thế cạnh tranh từ chính sách ưu đãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO