Nhà máy xử lý rác Cần Thơ do Công ty TNHH Sinohydro (Trung Quốc) là tổng thầu EPC đã đi vào vận hành thương mại gần 10 tháng nhưng vẫn chây ì thanh toán cho các thầu phụ là doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đơn phản ánh của 4 nhà thầu phụ gửi Báo DĐDN, trong nhiều tháng nay dù đã rất cố gắng nhưng không liên lạc kết nối được với Công ty Sinohydro (Trung Quốc)-đơn vị tổng thầu EPC nhà máy xử lý rác Cần Thơ bởi vì tại nơi đăng ký chi nhánh hoạt động (ấp Trường Phú A, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) không còn hoạt động, gọi điện cho người đại diện thì được trả lời là đã chuyển sang làm việc ở công ty khác.
Tổng thầu “lặn mất”
Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt Cần Thơ được xây dựng tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ do Công ty TNHH Quốc tế Everbright (China EverBright International Limited) có pháp nhân tại Việt Nam là Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ làm chủ đầu tư.
Dự án có vốn đầu tư 1.050 tỉ đồng, được xây dựng trên diện tích 5,3 ha, công suất xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, rác được biến thành điện với công suất 60 triệu KWh/năm. Công ty Sinohydro Corporation Limited (Trung Quốc) được giao làm tổng thầu EPC.
Để thực hiện dự án này, Công ty Sinohydro đăng ký mở chi nhánh hoạt động tại ấp Trường Phú A và đại diện liên danh nhà thầu ký kết hợp đồng kinh tế với các thầu phụ là doanh nghiệp Việt Nam để tham gia thi công những hạng mục, gói thầu của dự án.
Ngoài 4 nhà thầu phụ có đơn phản ánh đến báo còn có thêm vài nhà thầu phụ khác cũng bị Công ty Sinohydro nợ tiền thi công với tổng số tiền thống kê chưa đầy đủ lên đến gần 60 tỷ đồng.
Nhà máy xử lý rác Cần Thơ khánh thành vào ngày 8/12/2018 và đang vận hành thương mại có lãi nhưng gần 10 tháng qua, nhà thầu chính vẫn không chịu thanh toán cho các nhà thầu phụ với khối lượng đã thi công trị giá nhiều chục tỷ đồng.
Nghi vấn nhà thầu và chủ đầu tư bắt tay “ăn quỵt”
Trong văn bản do Công ty Sinohydro gửi UBND TP.Cần Thơ cho rằng lý do chậm thanh toán cho các nhà thầu phụ là do chủ đầu tư dự án- Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ chưa thanh toán cho tổng thầu các hạng mục phát sinh.
“Theo hợp đồng ký kết ban đầu nhà máy được lắp đặt có công suất xử lý 400 tấn rác/ngày với tổng giá trị gói thầu hơn 37,6 triệu USD nhưng trong quá trình thi công, chủ đầu tư yêu cầu nâng công suất lên 500 tấn/ngày với chi phí phát sinh gần 10 triệu USD. Trong lúc thi công, chủ đầu tư đồng ý thanh toán theo giá trị thực tế nhưng sau khi hoàn thành công trình thì lại từ chối thanh toán cho phần phát sinh ngoài hợp đồng do nâng công suất nhà máy. Do đó, vốn trong tài khoản không còn đủ để thanh toán cho các nhà thầu phụ”, văn bản của Cty Sinohydro cho biết.
Có thể bạn quan tâm
12:15, 17/10/2019
16:00, 14/10/2019
00:29, 03/10/2019
21:09, 02/10/2019
18:50, 02/10/2019
Trả lời câu hỏi của PV DĐDN liên quan đến vụ việc trên, tại buổi họp báo quý III/2019, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, cho biết: sau khi nắm được vụ việc này, UBND TP đã chỉ đạo UBND huyện Thới Lai, xã Trường Xuân phối hợp với Sở Xây dựng làm việc với chủ đầu tư. Theo báo cáo của đoàn công tác này thì phía chủ đầu tư nhà máy là Cty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ cho biết đến nay đã hoàn tất các nghĩa vụ thanh toán cho tổng thầu EPC là Cty Sinohydro, còn việc công ty này có nợ nhà thầu phụ hay không thì đó là trách nhiệm của đơn vị này (?).
Không đồng ý với cách trả lời “đùn đẩy trách nhiệm” của chủ đầu tư, UBND TP Cần Thơ tiếp tục yêu cầu Cty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ phải rà soát lại việc thanh toán cho tổng thầu như thế nào và yêu cầu tổng thầu phải liệt kê bảng thanh toán cho các nhà thầu phụ ra sao. Đồng thời, UBND TP.Cần Thơ cũng đặt điều kiện nếu tổng thầu chưa thanh toán cho nhà thầu phụ nhưng nhà thầu phụ có bảng kê được tổng thầu xác nhận thì chủ đầu tư và tổng thầu phải liên đới trách nhiệm chi trả cho nhà thầu phụ.
Ông Đỗ Văn Trung- Đại diện Công ty TNHH MTV xử lý bom mìn vật nổ 319 cho biết đến nay Cty Sinohydro vẫn còn nợ công ty 319 hơn 30 tỷ đồng, chúng tôi đang xem xét để khởi kiện đơn vị này. “Cả chủ đầu tư và tổng thầu EPC đều là doanh nghiệp lớn ở Trung Quốc, việc hợp tác để thực hiện nhà máy rác ngàn tỷ đồng đã được hợp tác chặt chẽ ký kết tại Trung Quốc thì không thể có chuyện “nói ngược” lẫn nhau không thanh toán khối lượng phát sinh. Như vậy, không loại trừ khả năng hai “ông lớn” này bắt tay để chiếm dụng vốn của nhà thầu phụ tại Việt Nam”, ông Trung đặt nghi vấn.