Bộ NN&PTNT vừa tổ chức Lễ phát động thi đua tại công trình xây dựng dự án thủy lợi lớn nhất nước: Cái Lớn-Cái Bé.
Tại lễ phát động đại diện chủ đầu tư cam kết hoàn thành đưa công trình này đi vào sử dụng chỉ sau 24 tháng thi công, rút ngắn tiến độ hơn 20 tháng so với kế hoạch.
Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, với việc xây dựng hệ thống cống Cái Lớn, cống Cái Bé với quy mô lớn nhất trong cả nước và một số hạng mục phụ trợ sẽ có hiệu quả trực tiếp trên 384.000ha thuộc 4 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Khi xây dựng hoàn thành, cống Cái Lớn, cống Cái Bé sẽ khép kín toàn bộ cùng đê biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang để chủ động việc kiểm soát nguồn nước, góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt huyện An Minh, An Biên với những năm mưa ít; và tiêu thoát cho vùng hưởng lợi của dự án trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thủy, bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
“ Hôm nay, Bộ NN&PTNT phát động phong trào thi đua với tinh thần chỉ đạo là 4 nhất: dự án này sẽ là dự án có tiến độ nhanh nhất; chất lượng tốt nhất; dự án này cũng là dự án an toàn nhất và cuối cùng đây sẽ là dự án có hiệu quả cao nhất trong tất cả các dự án chúng ta đã làm.”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói.
Tại buổi lễ, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Kiên Giang đã trao 18 bằng khen cho các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác đền bù và giải phóng mặt bằng thuộc dự án thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 1.
Dự án thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé là đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước được thực hiện từ trước năm 2000. Thời gian lập dự án: Từ tháng 3/2010 đến 8/2018. Dự án này được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 498/QĐ-TTg với tổng mức đầu tư dự kiến là 3.309,5 tỷ đồng.
Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được Bộ NN&PTNT phê duyệt ngày 16/8/2019, Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 3.309,5 tỷ đồng, gồm 11 gói thầu, trong đó có 3 gói thầu phi tư vấn, 5 gói thầu tư vấn và 3 gói thầu xây lắp.
Theo Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 1 sẽ thực hiện đầu tư xây dựng cống Cái Lớn với cấp độ công trình là cấp I; cống Cái Bé (cấp II) và xây dựng đê nối hai cống với Quốc lộ 61 (cấp III). Ngoài ra, ở giai đoạn này còn thực hiện hợp phần mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang do Sở NN&PTNT 2 địa phương này làm chủ đầu tư.
Cống Cái Lớn sẽ được xây dựng dưới lòng sông Cái Lớn, có tổng chiều dài 470 mét, gồm 11 khoang cống rộng 40 mét/khoang, có cao trình ngưỡng -3,5 đến -6,5 mét; hai âu thuyền rộng 15 mét/âu thuyền, cao trình ngưỡng -5 mét, đi theo hai chiều ngược nhau.Cống Cái Bé được xây dựng dưới lòng sông Cái Bé, có tổng chiều dài 85 mét, gồm 2 khoang rộng 35 mét/khoang, cao trình ngưỡng -5 mét và âu thuyền rộng 15 mét, cao trình ngưỡng -4 mét.
Tuyến đê nối 2 cống với Quốc lộ 61 có tổng chiều dài 5,843 km được chia làm hai giai đoạn, gồm đoạn từ cống Cái Lớn đến cống Cái Bé có chiều dài 1,031 km; đoạn từ cống Cái Bé đến Quốc lộ 61 có chiều dài 4,812 km. Mặt đê được xây dựng có bề rộng 9 mét, cao trình 2 mét.Ngoài ra, Dự án cũng thực hiện các hạng mục phụ trợ gồm: hệ thống cung cấp điện, hệ thống chiếu sáng công trình; hệ thống thiết bị quan trắc, nhà vận hành, kè gia cố bảo vệ bờ sông…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã có phản ánh trong thời gian chuẩn bị đầu tư dự án đã có những ý kiến khác nhau về dự án này.
Ông Lê Hồng Linh - Giám đốc Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10, (Bộ NN&PTNT) chia sẻ: Trong thời gian chuẩn bị đầu tư, chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến, trong đó phần lớn đồng tình vì cho rằng trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Kông:Trung Quốc, Thái Lan, Lào và sắp tới là Campuchia xây dựng nhiều đập thủy điện chặn ngang dòng chính thì vào mùa khô nước ngọt bị giữ ở thượng nguồn để phát điện làm cho xâm nhập mặn vào sâu hơn.
Do vậy ngay từ bây giờ chúng ta phải có giải pháp ứng phó mà dự án Cái Lớn-Cái Bé là một trong những công trình như vậy. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số ý kiến lo ngại về tác động môi trường và hiệu quả của dự án này.
Để dự án được phê duyệt, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cùng các chuyên gia đầu ngành về thủy lợi đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia nhà khoa học, phản biện nhiều chiều. Đơn vị soạn thảo cũng đã tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học ở Trường ĐH Cần Thơ, các nhà khoa học ở Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Viện Quy họach thủy lợi Miền Nam và bổ sung, điều chỉnh (báo cáo đánh giá tác động môi trường) ĐTM trình Hội đồng thẩm định.
Hội đồng thẩm định ĐTM của dự án có đến 22 thành viên, đông nhất trong các dự án thủy lợi ở ĐBSCL trước nay. Ngày 3/11/2018, Hội đồng họp lần cuối sau rất nhiều cuộc họp góp ý hoàn thiện dự án. Ngoài thành viên Hội đồng còn có Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng và khách mời là GS Nguyễn Ngọc Trân, đã bỏ phiếu nhất trí 100% thông qua ĐTM.
Ngày 24/11/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chấp thuận triển khai đầu tư dự án và giao cho Bộ NN&PTNT nghiên cứu thực hiện dự án đảm bảo chặt chẽ, khoa học, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, đầu tư xây dựng và bảo vệ môi trường.
Từ các cơ sở này, thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đã thay mặt Bộ NN&PTNT ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1. Thời gian thực hiện dự án theo quyết định phê duyệt đầu tư là hoàn thành trước ngày 31/12/2021.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết, Kiên Giang chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ thủy triều biển Tây, tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ngày càng gay gắt, vào mùa khô nước mặn nồng độ 4-25 phần ngàn vào sâu trong nội đồng 8-9km, có năm còn sâu hơn, những cánh đồng bị nhiễm mặn nồng độ cao phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục được sản xuất.
Dự án Cái Lớn, Cái Bé có vai trò hết sức quan trọng đối với địa phương nên nhận được sự đồng tình của các cấp, ngành và người dân trong vùng dự án. Khi hoàn thiện, Dự án này cùng 16 đập ngăn mặn do địa phương sắp triển khai sẽ khép kín toàn bộ hệ thống thủy lợi ven biển Tây, mang lại hiệu quả tích cực cho sản xuất và đời sống của người dân Kiên Giang cũng như các tỉnh lân cận trong vùng bán đảo Cà Mau.