Trong 12 tháng vừa qua, người tiêu dùng Việt Nam xếp thứ hai khu vực châu Á – Thái Bình Dương (41%) về tần suất tham dự hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở cả trong và ngoài nước.
>>>AI sẽ tái định hình tương lai thanh toán số tại Việt Nam ra sao?
Tham dự hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở cả trong và ngoài nước sẽ tiếp tục là một trong những xu hướng chủ đạo trong việc để dành ngân sách và "mở hầu bao" của người Việt trong năm tới, theo nghiên cứu và dự báo từ cơ sở dữ liệu của Visa.
Visa, công ty thanh toán điện tử hàng đầu thế giới, vừa công bố nghiên cứu Green Shoots Radar mới nhất – báo cáo hàng quý tập trung đánh giá tâm lý tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, thương mại, du lịch và nhiều chủ đề khác.
Dữ liệu từ báo cáo ghi nhận, trong 12 tháng vừa qua, người tiêu dùng Việt Nam xếp thứ hai khu vực châu Á – Thái Bình Dương (41%) về tần suất tham dự hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở cả trong và ngoài nước, trong đó dẫn đầu là Ấn Độ (45%) và thứ 3 là Indonesia (40%).
Đáng chú ý là có tới 40% người tiêu dùng Việt du lịch nước ngoài cho mục đích tham dự các buổi biểu diễn. Đặc biệt, Thái Lan và Hàn Quốc là 2 điểm đến hàng đầu của những người hâm mộ cuồng nhiệt này. Điều này hoàn toàn trùng hợp với sự thúc đẩy của ngành công nghiệp trình diễn nghệ thuật tại châu Á và từ các ngôi sao hàng đầu thế giới đến châu Á cũng như Việt Nam trong thời gian gần đây.
>>>Tuần lễ chuyển đổi số năm 2023 từ khai thác dữ liệu số, thanh toán số
Nghiên cứu từ Visa cũng cho thấy 3 xu hướng nổi bật trong năm 2024, cụ thể:
Xu hướng 1: Nhu cầu du lịch trong và ngoài nước để tham dự trực tiếp các buổi biểu diễn âm nhạc sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2024
Giai đoạn hậu đại dịch đánh dấu làn sóng quay trở lại của các chương trình biểu diễn trực tiếp, kéo theo lượng khách du lịch kết hợp tham dự sự kiện gia tăng nhanh chóng. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục giữ vững trong năm 2024 với tour diễn quốc tế của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Coldplay hay Taylor Swift. Các buổi trình diễn âm nhạc trực tiếp này được ghi nhận sẽ trở thành loại hình sự kiện phổ biến nhất, theo sau đó là chương trình ca nhạc/kịch nghệ và sự kiện thể thao.
Đặc biệt, chương trình của Taylor Swift năm 2024 theo ghi nhận của DĐDN, đã được "chắp cánh" khi mở cửa bán vé trước show thông qua chiến dịch đăng ký mở thẻ ngân hàng United Overseas Bank (UOB-Singapore) để mua vé cho buổi diễn tại đây.
Đại diện Ngân hàng UOB cho biết số đơn đăng ký mở thẻ tín dụng tại Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam mỗi ngày tăng trung bình 45% trong tuần sau khi Swift công bố thời gian cho đêm diễn ở quốc đảo (tại tháng 7 so với tháng 6). Cùng với đó, số đơn đăng ký thẻ ghi nợ tại Singapore và Việt Nam đã tăng gần 130%. Singapore là điểm dừng chân duy nhất tại Đông Nam Á của Taylor Swift|The Eras Tour trong năm 2024, do đó , dự báo xu hướng này gần như đã được "đốt nóng" với sự tham dự của UOB lẫn đối tác Klook ngay từ năm nay.
Xu hướng 2: Người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ được tâm lý tích cực
Theo dự báo của Visa, cứ 10 người tiêu dùng ở châu Á – Thái Bình Dương thì có 4 người tin rằng tình hình kinh tế trong nước sẽ cải thiện trong một năm tới đây. Trong đó, 75% người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục duy trì tâm thế lạc quan với triển vọng kinh tế trong nước, cao hơn đáng kể so với người tiêu dùng tại Indonesia (64%) và Philippines (50%). Gần một nửa (47%) người tiêu dùng được khảo sát trong khu vực cũng tin rằng hiện nay là thời điểm tốt nhất để mua sắm các vật dụng gia đình giá trị cao như nội thất, đồ gia dụng và thiết bị điện tử, số liệu này ở người tiêu dùng Việt Nam vượt cao hơn, đạt mức 59%.
Việc mua ô tô mới được xem như cột mốc trong chi tiêu cá nhân đang ngày càng quen thuộc ở hầu hết các thị trường trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhu cầu phổ biến này hiện được ghi nhận ở 16% người tiêu dùng Việt tham gia khảo sát. Đặc biệt, báo cáo cũng cho thấy ý định chi tiêu nhiều hơn trong năm 2024 tại khu vực, với một nửa số người dùng (50%) châu Á – Thái Bình Dương dự kiến chi tiêu nhiều hơn, và người tiêu dùng Việt Nam xếp hạng cao hơn (55%) so với trung bình khu vực.
Xu hướng 3: Người tiêu dùng sẽ tăng cường tiết kiệm cá nhân
Mặc dù có ý định chi tiêu nhiều hơn, phần lớn người tiêu dùng chia sẻ nguyện vọng sẽ trích khoản ngân sách lớn hơn cho mục đích tiết kiệm. Với các khoản tiết kiệm chiếm từ 10% – 29% thu nhập cá nhân hàng tháng, tại Việt Nam, 43% người dùng được hỏi kỳ vọng sẽ để dành nhiều khoản tích luỹ cá nhân hơn – tỉ lệ này cao hơn mức trung bình trong khu vực (36%).
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, cho biết: “Sự trở lại của làn sóng du lịch và các buổi biểu diễn âm nhạc trực tiếp báo hiệu xu hướng vô cùng khả quan. Và trong suốt hành trình du lịch xuyên biên giới đó, việc thanh toán qua thẻ đóng vai trò quan trọng hàng đầu để có thể cung cấp trải nghiệm mua vé an toàn và bảo mật thông qua hình thức thanh toán không tiếp xúc. Người tiêu dùng cũng có thể chi trả cho các vật phẩm sự kiện, chuẩn bị kế hoạch đi lại và mua sắm một cách liền mạch bằng thẻ ngân hàng. Tại Visa, mục tiêu của chúng tôi là nâng cao trải nghiệm cho tất cả mọi người. Chúng tôi mong muốn duy trì những ấn tượng tốt đẹp và tuyệt vời trong đời sống người tiêu dùng và đồng hành cùng họ qua các giai đoạn, sự kiện khác nhau bằng những sản phẩm và giải pháp phù hợp”.
Việc người Việt tăng cường tiết kiệm cá nhân cũng được giới chuyên môn đánh giá là tích cực khi sau 2 năm Covid-19, phần tích lũy của nhiều gia đình đã mất đi và nhiều người, nhiều hộ gia đình cũng qua đó ý thức hơn về tăng cường quản lý tài chính, tích lũy và quản lý gia sản, phòng ngừa rủi ro.
Có thể bạn quan tâm