Thủ tướng vừa giao giao Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT nghiên cứu áp dụng các công nghệ hiện đại, công nghệ mới trong công tác dự báo, cảnh báo và phòng chống thiên tai theo thông tin DĐDN nêu.
Chỉ đạo trên được đưa ra sau khi, Diễn đàn Doanh nghiệp có bài phản ánh về biến đổi khí hậu và thiên tai, tình trạng sạt lở ở miền núi vào mùa mưa, bão xảy ra ngày càng nghiêm trọng gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản của người dân và nhà nước.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai. Tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng trở nên nghiêm trọng và khó có thể lường hết được.
Điển hình, trong năm 2020, “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ”, mưa lớn kéo dài nhiều ngày phổ biến từ 1.000 – 2.000mm, có nơi trên 3.000mm tại khu vực miền Trung gây lũ lớn, lũ lịch sử, ngập lụt sâu diện rộng, đặc biệt lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng chưa từng có trong nhiều năm qua tại Phong Điền (Thừa Thiên Huế), Hướng Hoá (Quảng Trị), Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) và nhiều khu vực khác đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trước thực trạng đó, ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia đã đưa ra một số giải pháp cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trong công tác KTTV. Theo ông Vũ Đức Long, hệ thống quan trắc mưa lưu lượng tự động cần được tăng cường phát triển, đẩy mạnh công nghệ cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét thông qua việc xây dựng công nghệ đồng hóa dữ liệu cảnh báo, cảnh báo mưa, dông, hạn cực ngắn cho khu vực miền núi.
Bên cạnh đó, hệ thống cần xác định ngưỡng mưa gây sạt lở, lũ quét cho khu vực miền núi, khu vực trọng điểm xảy ra sạt lở, lũ quét; đồng thời, nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng hệ thống cảnh báo tác động và cảnh báo rủi ro do sạt lở đất…
Để hệ thống quan trắc hoạt động lâu dài phục vụ cảnh báo sớm hiệu quả, ông Long cho rằng cần có sự phối hợp tạo điều kiện và tham gia của chính quyền địa phương các cấp, kết hợp có hiệu quả các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau ở trong nước và quốc tế...
Theo GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV, Bộ TN&MT đang thúc đẩy các nghiên cứu, điều tra về hiện tượng trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét trên diện rộng ở tỷ lệ lớn và đi cùng với phân vùng cảnh báo nguy cơ để giúp Chính phủ cũng như các địa phương có thể nằm bắt, hiểu biết về hiện trạng và nguy cơ trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét. Từ đó, các cơ quan có định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời có giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Thực tế hiện nay, nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế, quy mô tăng trưởng, phát triển kinh tế của Quốc gia đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác KTTV. Khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của khối tư nhân để tăng cường phục vụ cho công tác phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, Tổng cục KTTV kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng quy mô, phương thức và loại hình xã hội hóa hoạt động KTTV.
Để tăng cường nguồn lực cho công tác KTTV, Thủ tướng đã yêu cầu tập trung đầu tư phát triển hệ thống trạm quan trắc tự động, nhất là về những hiện tượng thiên tai bất thường gây thiệt hại lớn.
Thủ tướng yêu cầu ngành KTTV phải đẩy mạnh khuyến khích xã hội hóa và thương mại hóa hoạt động KTTV đi cùng với mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là với một số nước Châu Âu về máy móc, thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, các cơ quan phải từng bước phát triển ngành công nghiệp KTTV theo tinh thần tự lực, tự cường, nhất là trong phát triển công nghệ và thiết bị phục vụ công tác dự báo, quan trắc KTTV.
TS Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai:Trong bối cảnh biến đổi của khí hậu, thời tiết diễn biến rất phức tạp, các hiện tượng thiên tai khó lường, không theo quy luật vốn có từ lâu ở nước ta, như kinh nghiệm từ lâu để lại, các địa phương cần chủ động theo dõi sát diễn biến, linh hoạt ứng phó với các hiện tượng thiên tai xảy ra. Cần cố gắng đến mức cao nhất, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo dù điều này đòi hỏi sự đầu tư chất xám, phương tiện và kỹ năng rất lớn. Nhưng khi đã có dự báo chính xác thì việc đưa thông tin đến người dân, các cơ quan chức năng kịp thời, có sức thuyết phục cũng rất quan trọng. Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn (KTTV) Quốc gia:Trong năm 2021, Trung tâm sẽ triển khai sâu rộng hệ thống Khí tượng thông minh (SmartMet) vào trong nghiệp vụ, đặc biệt là dự báo thời tiết điểm. Cải tiến nội dung và hình thức các bản tin dự báo KTTV, cụ thể hóa bản tin dự báo KTTV nguy hiểm theo hướng dự báo chi tiết hơn, dự báo tác động của các hiện tượng KTTV nguy hiểm đến các ngành, lĩnh vực. Cùng với đó, triển khai các hình thức tương tác bản tin KTTV với người dùng mới như App điện thoại di động, Facebook, Youtube... Xây dựng mô hình số trị phân giải cao với hệ thống đồng hóa số liệu hoàn chỉnh cho Việt Nam có cập nhật đầy đủ số liệu từ thám không, radar, vệ tinh, quan trắc truyền thống và quan trắc tự động nhằm nâng cao chất lượng dự báo mưa định lượng. Triển khai xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực cho các khu vực vùng núi, trung du trên toàn quốc. |
Có thể bạn quan tâm
08:00, 23/12/2020
19:40, 17/12/2020
03:48, 05/12/2020