Chính sách - Quy hoạch

Đủ căn cứ pháp lý để đấu giá nhà tái định cư dư thừa

Diệu Hoa 07/09/2024 05:00

Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý để địa phương rà soát, tổ chức thí điểm đấu giá nhà tái định cư dư thừa.

tái định cư -enternews
Nhiều dự án nhà tái định cư bỏ hoang gây lãng phí ngân sách. Ảnh: DH

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 9 dự án tái định cư với quy mô gần 2.500 căn. Trong đó, có 2 dự án đã hoàn thành chưa được đưa vào vận hành, sử dụng và 7 dự án đang triển khai dang dở.

Toàn bộ quỹ nhà tại các dự án này đã được thành phố bố trí tái định cư phục vụ cho các dự án cần giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố, nhất là các dự án trọng điểm.

Để sớm đưa quỹ nhà tái định cư vào hoạt động, khai thác, mới đây Sở Xây dựng Hà Nội đã có đề xuất phương án tổ chức bán đấu giá thu hồi vốn với các dự án chậm đưa vào sử dụng. Còn 2 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, thành phố đã giao Trung tâm quản lý nhà TP Hà Nội do Sở Xây dựng quản lý, bán nhà tái định cư theo quy định.

Theo luật sư Trịnh Hữu Đức – Hội Luật gia Việt Nam, phương án đấu giá là khả thi bởi Luật Nhà ở năm 2023 đã cho phép chuyển đổi công năng sử dụng của nhà tái định cư thành nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Nghị định 95/2024/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2023 cũng cho phép việc chuyển đổi công năng từ nhà ở tái định cư sang nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu về nhà ở cho người dân.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS TS Định Trọng Thịnh cho rằng, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực cùng Luật Nhà ở 2023 và các văn bản hướng dẫn ban hành đã tạo hành lang pháp lý để các địa phương rà soát và tổ chức thí điểm các phương án phù hợp với những căn hộ tái định cư bị bỏ hoang suốt thời gian dài, trong đó có phương án đấu giá.

Cụ thể, Luật Nhà ở 2023 mới được ban hành đã khắc phục được vướng mắc ở các văn bản trước đây khi quy định cụ thể về nhà ở tái định cư trên nhiều vấn đề, từ việc phát triển, bố trí nhà tái định cư đến quản lý chất lượng, việc chuyển đổi công năng.

Tuy nhiên, nếu chất lượng công trình không đảm bảo, tiện ích xung quanh không tương xứng thì không thể thu hút người dân đến ở.

nha-tai-dinh-cu.png
Nhà tái định cư thường vướng nhiều vấn đề về pháp lý, quy chuẩn.

Bên cạnh đó, để đấu giá được dự án nhà tái định cư còn nhiều vấn đề, từ pháp lý dự án, chất lượng công trình, sự đồng thuận của các bên hay điều kiện dự án có đủ không.

Chưa kể hiện nay, vị chuyên gia cho rằng mỗi dự án bỏ hoang đều có vướng mắc riêng cần giải quyết, từ phương án đến thực tiễn, để triển khai bán đấu giá nhà tái định cư sẽ là một hành trình dài.

Trong khi đó, KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, rất nhiều dự án nhà chung cư tái định cư được tọa lạc ở vị trí “đất vàng” của Thủ đô nhưng khi xây dựng lại không đáp ứng được những vấn đề về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng nên đã không nhận được sự quan tâm của người dân thuộc diện tái định cư, gây ra tình trạng thất thoát ngân sách, lãng phí nguồn lực đất đai.

“Tất cả những dự án nhà chung cư tái định cư đều được xây dựng bằng tiền ngân sách Nhà nước, nhưng nếu bị bỏ hoang thì cần có giải pháp để xử lý sớm nhằm tránh thất thoát nguồn ngân sách Nhà nước. Những dự án này Nhà nước cần thu hồi lại và tổ chức bán đấu giá, tạo lập thành nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại để bán cho người dân đang có nhu cầu. Nhưng để làm được việc này thì cần phải đồng bộ các giải pháp, trong đó Chính phủ có thể cho TP Hà Nội một phương án đặc thù” – KTS Trần Huy Ánh kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đủ căn cứ pháp lý để đấu giá nhà tái định cư dư thừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO