Hố sụt Canh Cảo – được ví như “tiểu Sơn Đoòng”, nằm trên cao nguyên Lũng Gà, xã Ngũ Lão, huyện Hoà An cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 23km.
>>Sơn Đoòng là hang động tự nhiên kỳ vĩ nhất thế giới
Hố sụt nằm sát cạnh hồ Thang Hen, trong công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng
Nhiều năm về trước, tôi đã từng ghé qua hồ Thang Hen trong một chuyến đi khám phá phía khu vực Trà Lĩnh, Tổng Cọt. Thời điểm đó, hồ Thang Hen vẫn còn rất hoang sơ, không có dịch vụ gì, khung cảnh nổi bật với màu xanh ngọc bích, một màu xanh đặc biệt của mảnh đất Cao Bằng. Chuyến ghé thăm cũng thật nhanh vì Thang Hen không có gì để chơi và vì còn nhiều điểm đến hấp dẫn khác đang chờ ở phía trước.
Đường vào hồ Thang Hen vẫn đi qua những mảng xanh của núi đồi và của cây cỏ tốt tươi. Cao Bằng vẫn thế, vẫn một màu xanh bất tận, đường vào đã tốt hơn rất nhiều, không còn xóc nẩy và thi thoảng phải đi bộ vì dốc vì đá nữa. Nghe bảo phải đu dây mới vào được lòng hố sụt, trong lòng tôi thấp thỏm vì cũng lâu rồi không đi trekking, thể lực cũng không thật sự còn dẻo dai như hồi còn trẻ. Nhưng đã đến đây rồi, cứ thử xem sao.
Dưới ánh sáng chiều của mặt trời, nhìn từ trên cao có thể thấy cả một dãy núi dường như bị tạo hóa khoét một lỗ khổng lồ ở giữa. Anh chàng hướng dẫn viên nhanh nhẹn chuẩn bị dây để mọi người leo xuống. Đoạn đầu tiên của hố sụt, phải leo dây khéo léo qua các vách đá vào bên trong. Còn một đoạn leo dây nữa bên trong hố sụt.
Hiện tượng hố sụt hay "hố tử thần" không phải là hiếm trên thế giới. Nó thường xảy ra ở những khu vực có cấu trúc địa chất đặc biệt như nền đất mềm; có các mỏ đá, đá vôi hoặc thạch cao dưới lòng đất; hay có độ rỗng trong lòng đất.
Để xuống hố sụt phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cho việc đu dây xuống dưới. Những chiếc mũ bảo hiểm đã được đội thay cho mũ lưỡi trai che nắng. Dây buộc và các thiết bị đã móc vào đai đeo quanh người. Anh bạn hướng dẫn cẩn thận chỉ tôi cách cầm dây, cách tụt xuống, vừa nhắc nhở tôi cẩn thận chỗ này, lưu ý chỗ kia, vừa khuyến khích không ngừng. Tôi hít một hơi lấy dũng khí, bình tĩnh nắm chắc dây, rồi từ từ thả mình qua khe hẹp.
Không thể tưởng tượng được khi bên trong một ngọn núi lại có một vòm động đặc biệt đến thế. Không dễ dàng để leo xuống nhưng bạn sẽ được chiêm ngưỡng tác phẩm kỳ diệu của dòng nước trong hàng triệu năm hấp thụ và xói mòn. Xung quanh Hố Sụt Canh Cảo là những vách đá dựng đứng với rêu cỏ ngàn đời bám trụ sinh trưởng xanh tốt. Tôi chậm rãi lách theo bờ đá, ngẩng đầu nhìn lên cả một vòm trời xanh tuyệt đẹp rộng mở. Giữa những vách đá sừng sững ấy mới thấy con người thật nhỏ bé. Thiên nhiên thật thú vị và mang đến cho con người nhiều điều bất ngờ.
Chúng tôi tiếp tục xuống sâu hơn trong hố sụt. Gạt bỏ nỗi lo đu dây ban đầu, cảm giác được lơ lửng giữa trời, bám mình treo giữa những vách đá, được chạm tay vào thiên nhiên thật đã.
Một bữa trưa ngay trong lòng hố sụt có lẽ là trải nghiệm khó quên với bất cứ ai khi tham gia hành trình. Những món ăn đơn giản nhưng đủ dinh dưỡng đã được chuẩn bị sẵn. Vừa ăn trưa, vừa trò chuyện và lắng nghe những câu chuyện của các hướng dẫn viên trong không gian mát lạnh và hùng vĩ của hố sụt, thấy mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên. Những người bạn từ lạ thành quen. Chúng tôi cùng nhau chia sẻ các kiến thức về địa chất địa mạo mà mình tìm hiểu được, kể cho nhau nghe những chuyến thám hiểm thú vị. Trong đoàn có khá nhiều các bạn trẻ là nữ, những cô gái chẳng chân yếu tay mềm, sẵn sàng lên đường khám phá Việt Nam.
Hố sụt Canh Cảo là một trong những cung trải nghiệm thú vị mới được đưa vào khai thác tại Cao Bằng. Cung đu dây này không quá khó với những người ưa thích vận động. Dù vậy, bạn vẫn nên đảm bảo sức khỏe, độ dẻo dai, chuẩn bị đầy đủ kĩ càng mọi món đồ để chuyến đi an toàn nhất.
Có thể bạn quan tâm