Chính sách - Quy hoạch

Dư địa lớn cho bất động sản công nghiệp sau sáp nhập tỉnh thành

Yến Nhung 01/07/2025 05:02

Sau sáp nhập tỉnh thành, bất động sản công nghiệp Việt Nam được kỳ vọng sẽ mở ra dư địa lớn để thu hút vốn FDI và làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp nhờ vào hạ tầng và quy hoạch đồng bộ.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn khi quá trình sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Theo đó, cả nước sẽ còn 34 tỉnh/thành phố, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

cover-2-1749718862944335083148.jpg
Sau sáp nhập cả nước sẽ còn 34 tỉnh/thành phố, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: ITN

Sau hợp nhất, chỉ tiêu về khu công nghiệp sẽ được tính gộp toàn vùng, giúp tạo dư địa linh hoạt cho việc mở rộng hoặc tái cấu trúc các khu công nghiệp theo nhu cầu thực tế. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các địa phương hút vốn FDI mạnh như TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên… nơi các nhà đầu tư quốc tế luôn đòi hỏi sự nhất quán, minh bạch và hạ tầng tốt.

Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, các doanh nghiệp tư nhân sẽ có cơ hội tiếp cận đất công nghiệp với chi phí hợp lý hơn nhờ các ưu đãi thuê đất, từ đó giảm chi phí sản xuất và đầu tư, thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, nhà xưởng và logistics thu hút FDI.

Thực tế, việc sáp nhập địa giới hành chính thường đi kèm với đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông và công trình công cộng nhằm kết nối các khu vực liền kề, phát triển kinh tế vùng và tăng sức hút với nhà đầu tư. Bà Trang Bùi nhấn mạnh, khi ngân sách và tài sản công được hợp nhất, nguồn lực đầu tư sẽ tăng đáng kể cho các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc liên vùng, sân bay, cảng biển, bệnh viện hay trường đại học lớn.

“Đặc biệt, tác động tích cực đến bất động sản công nghiệp là rất rõ nét. Hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ sẽ kéo theo chi phí logistics giảm, thời gian vận chuyển ngắn hơn, từ đó tăng tính cạnh tranh của các khu công nghiệp và trung tâm logistics trong thu hút các nhà đầu tư sản xuất - xuất khẩu quốc tế”, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định.

Đồng quan điểm, bà Giang Huỳnh, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc hợp nhất TP Hồ Chí Minh với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tạo ra một siêu vùng kinh tế đa dạng cả về công nghiệp, thương mại dịch vụ, nhà ở và du lịch. Tuy nhiên, để tiềm năng này trở thành hiện thực, việc quy hoạch đồng bộ và cải cách thủ tục hành chính là yếu tố then chốt.

Theo đại diện Savills, TP Hồ Chí Minh hiện là trung tâm kinh tế tài chính, dịch vụ lưu trú và nhà ở với dân số lớn nhất. Tuy nhiên, hạ tầng tại đây đang chịu áp lực lớn do sự tập trung hóa cao, dẫn đến tình trạng giao thông ngày càng tắc nghẽn. Bình Dương được xem là thủ phủ công nghiệp, đồng thời tốc độ đô thị hoá cao. Bà Rịa-Vũng Tàu có lợi thế về cả du lịch và công nghiệp. Việc hợp nhất 3 khu vực này sẽ tạo ra một vùng kinh tế lớn mạnh, đa dạng các lĩnh vực như công nghiệp, nhà ở, thương mại dịch vụ và du lịch.

thanh-hoa-co-them-kcn-dong-vang-quy-mo-gan-492-ha1647820923.jpg
Sau sáp nhập, bất động sản công nghiệp Việt Nam được kỳ vọng sẽ mở ra dư địa lớn để thu hút vốn FDI và doanh nghiệp nhờ vào hạ tầng và quy hoạch đồng bộ - Ảnh: ITN

Để quá trình sáp nhập hành chính phát huy hiệu quả một cách bền vững, đồng thời tối ưu hóa sử dụng quỹ đất đô thị, cần đồng bộ triển khai bốn trụ cột quan trọng. Trước hết là cải cách thủ tục hành chính và đất đai nhằm rà soát, đơn giản hóa và tăng tính minh bạch trong tiếp cận đất đai và giải quyết hồ sơ pháp lý. Tiếp theo là xây dựng quy hoạch tổng thể, thống nhất giữa sử dụng đất và phát triển hạ tầng. Yếu tố thứ ba là cơ chế tài chính, với trọng tâm là thiết lập quy trình giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, ưu tiên cho các dự án hạ tầng thiết yếu. Cuối cùng, cần một chiến lược phát triển chung rõ ràng, làm nền tảng cho việc phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư hợp lý giữa các vùng sau sáp nhập.

“Việc quy hoạch trên diện tích lớn hơn sau sáp nhập sẽ tạo dư địa để đưa ra các quyết định chiến lược về hạ tầng và phát triển khu dân cư. Điều này không chỉ giúp giải quyết bài toán giãn dân mà còn tạo thêm nguồn cung nhà ở chất lượng. Tuy nhiên, để người dân thực sự muốn di chuyển, các khu vực mới phải có khả năng tiếp cận tốt đến trung tâm thành phố và có cơ sở hạ tầng hoàn thiện,” bà Giang Huỳnh chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dư địa lớn cho bất động sản công nghiệp sau sáp nhập tỉnh thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO