Dư điện gió - “Tại anh, tại ả!”

Nguyễn Việt thực hiện 06/07/2019 11:00

Đưa điện mặt trời và điện gió vào hệ thống là rất cần thiết, nhưng đưa vào mà làm ảnh hưởng đến hệ thống, thậm chí làm rối loạn hệ thống thì EVN sẽ rất lo sợ.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) khẳng định: Việc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia muốn giảm công suất điện gió và điện mặt trời xuống không phải do đường dây quá tải, mà vì việc nối trực tiếp vào hệ thống điện lưới quốc gia sẽ gây ra dao động tần số, dao động điện áp, dao động phụ tải và hệ thống rung lắc, làm rối loạn hệ thống điện quốc gia.

- Ông đánh giá thế nào khi các nhà máy điện gió tại tỉnh Bình Thuận bị cắt giảm công suất khi đường dây quá tải?

Tôi khẳng định, điện gió chưa bao giờ thừa, bởi vì hiện nay điện gió của Việt Nam mới chỉ có tại 2 nơi, một là điện gió Bạc Liêu với công suất 50MW nhưng hiệu suất rất thấp, điện lượng phát ra trong 1 năm chỉ khoảng 200 triệu kWh. Hai là điện gió Tuy Phong – Bình Thuận với công suất 52MW, phát ra mới được 30 MW hiệu suất cũng không cao.

Các nhà đầu tư điện mặt trời và điện gió phải lưu ý, để nối được vào hệ thống điện quốc gia, và được EVN chấp nhận thì dứt khoát phải có hệ thống lưu trữ điện năng.

Điện gió là nguồn điện năng lượng tái tạo tốt nhất cho Việt Nam, điện mặt trời đưa vào sử dụng đến nay khoảng 4.460MW, nhưng vận hành điện mặt trời rất khó khăn, hiệu quả không cao. Hiện nay EVN đang gặp trục trặc trong việc vận hành điện mặt trời.

Tại thời điểm này, cả điện gió và điện mặt trời bổ sung vào hệ thống năng lượng điện quốc gia chiếm tỷ lệ khoảng 10%. Do đó, tôi khẳng định Việt Nam chưa bao giờ thừa điện gió từ nay cho đến năm 2050. Điện gió hay điện mặt trời có phát triển lên cao nữa thì chỉ có tốt mà không ảnh hưởng gì đến hệ thống điện quốc gia.

- Vậy tại sao Chủ tịch Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận phải gửi đơn kiến nghị đến Bộ Công Thương và EVN, thưa ông?

Hiện nay nguồn điện của Việt Nam đang còn rất thiếu, EVN còn đang phải phát điện bằng dầu tới 5.000MW bù vào cho việc thiếu điện, vì thủy điện cạn nước, điện than thiếu than, điện khí thiếu khí. Việc phải phát bù lên tới 5.000MW là rất “khủng khiếp”. Trong khi điện mặt trời đã đưa vào hệ thống từ 4.460MW, điện gió cũng được khoảng 160MW.

Nhưng Cục Điều tiết điện lực muốn ”ép” điện gió và điện mặt trời giảm xuống là vì đưa vào nhưng không vận hành được. Bởi khi kết nối với hệ thống điện lưới quốc gia không có hệ thống lưu trữ điện năng để làm ổn định tần số, ổn định điện áp, ổn định phụ tải trên hệ thống điện năng lượng quốc gia. Do đó, khi nối vào sẽ gây rối loạn, vận hành không tốt, chính vì vậy Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia muốn giảm công suất điện gió và điện mặt trời xuống để không bị rung lắc và dao động hệ thống.

- Vậy thực tế có phải chúng ta đang dư thừa nguồn điện gió và mặt trời nên đã dẫn đến quá tải không, thưa ông?

Ở đây không phải do quá tải, cũng không phải dư thừa điện vì EVN vẫn còn đang thiếu điện trầm trọng, dùng từ quá tải là không đúng. Còn điện mặt trời và điện gió đưa vào hệ thống nhưng không ổn định hệ thống, do đó không phục vụ hệ thống được bao nhiêu. EVN hạn chế điện mặt trời và điện gió nhằm ổn định hệ thống trong quá trình vận hành. Đưa điện mặt trời và điện gió vào hệ thống là rất cần thiết, nhưng đưa vào mà làm ảnh hưởng đến hệ thống, thậm chí làm rối loạn hệ thống thì EVN sẽ rất lo sợ. Điện mặt trời và điện gió sẽ tăng sức mạnh cho EVN khi đảm bảo được 3 điều kiện.

Thứ nhất, ổn định tần số hệ thống, ví dụ tần số của lưới điện quốc gia là 50Hz, khi điện mặt trời hay điện gió đưa vào hệ thống cũng phải đảm bảo đúng 50Hz và không được dao động.

Thứ hai, điện mặt trời và điện gió không được làm méo mó điện áp điện áp 110kV, 220kV hoặc 500kV khi nối vào hệ thống điện lưới quốc gia. Ví dụ, điện áp của điện mặt trời và điện gió khi đưa vào hệ thống là 110kV nhưng khi không có mặt trời chỉ còn 50kV, khi đó lấy cái gì để bù vào phần thiếu trên hệ thống điện lưới quốc gia.

Thứ ba, phụ tải, ở đây là động cơ hoặc ti vi đang xem ổn định mà nguồn điện bị yếu thì không thể xem được, động cơ cũng sẽ không chạy được.

Do đó, phải ổn định được 3 tiêu chí này.

- Như vậy, muốn làm được thì nhà đầu tư phải có hệ thống lưu trữ điện năng, thưa ông?

Đúng như vậy. Nhưng theo tôi được biết, tất cả các hệ thống điện mặt trời và điện gió chưa có hệ thống này. Vì thêm bộ phận này sẽ vô cùng tốn kém, cả Việt Nam chưa làm được cái đó, VEA đã tổ chức 5 cuộc hội thảo về vấn đề này, thậm chí mời các nhà đầu tư quốc tế cùng vào cuộc, nhưng hiện nay mới chỉ có điện gió Kê Gà đang triển khai sẽ đầu tư hệ thống lưu trữ điện năng. Do đó, các nhà đầu tư điện mặt trời và điện gió phải lưu ý, để nối được vào hệ thống điện quốc gia, và được EVN và Bộ Công Thương chấp nhận thì dứt khoát phải có hệ thống lưu trữ điện năng.

- Vậy theo ông hướng giải quyết vấn đề này sẽ như thế nào?

Năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối… là nguồn năng lượng rất quý, các nước phát huy nguồn năng lượng này để hỗ trợ, bù đắp cho điện truyền thống. Nhưng cơ quan điều khiển nó phải thật sự giỏi, ví dụ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia phải giỏi khi đưa vào sử dụng sao cho hiệu quả trong trường hợp ban đêm không có mặt trời, gió lúc có lúc không, khi có đám mây đi qua ánh nắng mặt trời giảm xuống thì yêu cầu bên phía chủ đầu tư của điện mặt trời, điện gió dứt khoát phải lắp hệ thống lưu trữ điện năng, để đảm bảo tần số ổn định, điện áp ổn định và phụ tải ổn định. Lúc đó mới giải quyết được bài toán đưa năng lượng tái tạo vào hệ thống điện quốc gia.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dư điện gió - “Tại anh, tại ả!”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO