Du lịch "ngủ": (Bài 1) Khách sạn tận dụng xu hướng ra sao?

QUÂN BẢO 24/03/2024 03:05

Gần 70% du khách Việt đi du lịch “chỉ để ngủ”. Không chỉ Việt Nam, mà du khách khắp nơi trên thế giới cũng đang đặt “ngủ” làm mục tiêu chính khi du lịch. Và các khách sạn không bỏ qua cơ hội này.

>> Sự tiến hóa của tiếp thị khách sạn

Nhiều công nghệ tiên tiến được khách sạn sử dụng để

Nhiều công nghệ tiên tiến được khách sạn sử dụng để "ru ngủ"

Du khách thèm ngủ

Theo báo cáo Dự đoán du lịch năm 2024 của công ty đặt phòng lớn nhất thế giới Booking.com, có tới 2/3 du khách thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết họ muốn đi du lịch chỉ để được ngủ một giấc một mạch. Tỷ lệ cao nhất là Trung quốc, nơi có tới hơn 80% du khách tìm kiếm kỳ nghỉ tập trung hoàn toàn vào giấc ngủ. Các thị trường có xu hướng này phổ biến tiếp theo là Hồng Kông và Thái Lan.

Việt Nam xếp vị trí thứ 6, cùng hạng với Singapore với tỷ lệ là 67% du khách lựa chọn đi du lịch chỉ để được ngủ.

Không chỉ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phương Tây cũng đang có tình hình tương tự. Báo cáo xu hướng 2024 của tập đoàn khách sạn Hilton cho thấy lý do lớn nhất để mọi người đi du lịch là nghỉ ngơi và nạp năng lượng. Những Dữ liệu này đã trở thành một cơ hội kinh doanh của ngành khách sạn.

Giáo sư Chekitan Dev của Trường Quản trị Khách sạn Nolan - Đại học Cornell, cho biết các khách sạn đang bắt đầu tạo ra hướng đi mới cho mình bằng cách cung cấp những dịch vụ và tiện nghi nhằm đem đến một giấc ngủ ngon cho khách hàng. 

Trong khi đó, Phó Giáo sư Kaushik Varadharajan tại Trường Quản trị Khách sạn thuộc Đại học Boston cho biết trong khoảng 10 năm trở lại đây, xã hội đã dần quan tâm hơn đến giấc ngủ. Vậy nên, “một đêm ngon giấc” không chỉ là một thế mạnh để khách sạn bán sản phẩm cho khách hàng, mà đó còn trở thành một ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng.

Trên thực tế, từ những năm 60 của thế kỷ trước, các khách sạn hạng sang đã cung cấp nhiều đặc quyền để giấc ngủ ngon hơn, chẳng hạn một loạt các loại gối để khách chọn, rèm cản sáng hay máy tạo tiếng ồn trắng. Ngày nay, các khách sạn không chỉ dừng lại ở đó, mà họ còn cung cấp nhiều thứ hiện đại hơn, tất cả chỉ để khách “ngủ ngon giấc”.

Những chiếc giường được tiếp thêm sức mạnh nhờ trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà trị liệu thôi miên sẵn sàng phục vụ, các “kén ngủ” biệt lập và độc đáo dành cho khách, đó là những gì mà các khách sạn đang cung cấp nhằm giúp khách hàng có được giấc ngủ ngon.

Công nghệ hỗ trợ ngủ

Người ta đánh giá Bryte, chiếc giường trị giá 6.299 USD và được hỗ trợ AI, là sản phẩm đột phá tiếp theo trong thị trường nệm cho khách sạn. Ưu điểm nổi trội nhất của Bryte là có hệ thống giảm áp chủ động, tự điều chỉnh mỗi khi người dùng nhích người, từ đó hỗ trợ tối ưu hóa giấc ngủ sâu.

Chiếc giường đã xuất hiện tại Carillon Miami Wellness Resort. Mary Bemis, một nhà báo từng được ngủ hai đêm tại khách sạn này, cho biết cô rất bất ngờ vì chiếc nệm, nó chuyển động đúng theo cách cô muốn. Đồng thời cô rất thích Somnify, một tính năng đồng bộ hóa chuyển động và cảnh quan âm thanh. Chiếc giường đã giúp cô ít chịu ảnh hưởng của jet lag hơn bình thường. 

Park Hyatt New York cũng là một trong những cái tên áp dụng Bryte, với năm dãy dòng suite trang bị chiếc giường này và có mức giá từ 1.095 USD. Đại diện khách sạn cho biết họ đón rất nhiều khách du lịch trong địa phương, những người đến chỉ để tìm kiếm những giờ phút ngủ ngon. Khách sạn cũng đưa cho du khách nhiều gợi ý để ngủ ngon nhất, chẳng hạn đặt nhiệt độ phù hợp, tắm nước ấm và dùng trà hoa cúc trước khi ngủ. 

Ngoài New York, Park Hyatt còn trang bị giường Bryte cho các khách sạn Little Nell (Colorado) và Rosewood Miramar Beach (California).

Trong khi đó, khách sạn Beatrice (Rhode Island) lại cung cấp cho khách hàng gói Chăm sóc giấc ngủ (Sleep Wellness) với mức giá từ 419 USD mỗi đêm. Trong gói này, khách hàng có quyền sử dụng Therabody SmartGoggles, một loại mặt nạ cho mắt sử dụng nhiệt, các thao tác massage và rung để giảm nhịp tim và giảm căng thẳng trên khuôn mặt.

Khóa tu và các chương trình khác

Tại Carillon, tất cả 150 căn hộ của khách sạn này đều có giường Bryte. Bên cạnh đó, họ còn cung cấp một gói trị liệu giấc ngủ giá 99 USD với 5 liệu pháp, bao gồm dùng ánh sáng hồng ngoại, tần số điện từ, muối nổi và nhịp độ rung. Cao cấp hơn có gói Sleep Well Retreat trị giá 2.598 USD, kéo dài 4 đêm, bao gồm tất cả liệu pháp trên và dịch vụ massage hỗ trợ giấc ngủ, cũng như xông hơi thảo dược và ghế dài sưởi ấm bằng nhiệt bức xạ. 

Trong khi đó, khách sạn Canyon Ranch Tucson từng tổ chức Khóa tu làm chủ giấc ngủ (Mastering Sleep Retreat) lần đầu tiên vào tháng 10/2022. Đó là chương trình kéo dài 5 đêm bao gồm việc được các chuyên gia thẩm định giấc ngủ. Kết thúc chương trình, khách hàng vẫn có thể được hỗ trợ bằng trợ lý ảo. Năm nay, chương trình sẽ tiếp tục ở Canyon Ranch Lenox từ ngày 28/4 đến 5/3 với giá 8.800 USD/người.

(Còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch ngủ lên ngôi tại Việt Nam

    Du lịch ngủ lên ngôi tại Việt Nam

    00:30, 23/03/2024

  • “Bùng nổ” công nghệ ngủ ngon

    “Bùng nổ” công nghệ ngủ ngon

    04:00, 07/11/2021

  • Chuyển đổi số - tăng lợi thế cạnh tranh ngành khách sạn

    Chuyển đổi số - tăng lợi thế cạnh tranh ngành khách sạn

    15:20, 23/01/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Du lịch "ngủ": (Bài 1) Khách sạn tận dụng xu hướng ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO