Trải nghiệm

Du lịch Than Uyên - kỳ vọng bừng sáng

Phạm Tuấn 08/09/2024 01:17

Bản sắc văn hóa cần được giữ gìn, trước tiên là từ con người của dân tộc, càng giữ được nguyên vẹn thì càng cuốn hút được du khách.

Tôi yêu núi rừng. Sinh ra ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ, nhưng từ bé hồn vía tôi cứ mênh mang, bay bổng với vệt mây trắng lững lờ ngang sườn núi, tiếng khèn man dại với nhịp váy hoa đầy màu sắc của thiếu nữ người Mông, huyền bí buổi lễ cúng của thầy mo và cả câu chuyện về bùa yêu. Tình yêu ấy vẫn theo tôi suốt năm tháng, để có dịp là tôi lại ruổi rong Tây Bắc.

Lần này, điểm đến ban đầu tôi dự tính là Than Uyên - Lai Châu, là cánh đồng Mường Than vào mùa lúa chín với lời giới thiệu của người bạn sinh hoạt cùng nhóm Tản Văn.

thanuyen2.jpg

Than Uyên tổ chức Tết Độc Lập to lắm. Vòng xoè nơi thị trấn có hàng ngàn người tham gia, cùng bao nhiêu đoàn nghệ thuật tới biểu diễn, nên khách du lịch đông. Khách sạn, nhà nghỉ ở khu vực này kín hết. Khó khăn lắm mới tìm được một điểm lưu trú dạng homestay của anh Hoàng Văn Hom, tại làng cá Thẩm Phé.

Con đường từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào Than Uyên nhiều đoạn đang làm đường rất xấu, lái xe mà đảo như xào rau. Cứ lấy được tốc độ lại phải phanh để tránh ổ voi, ổ trâu, chứ đừng nói là ổ gà. Đường quanh co, uốn lượn, chỗ thì lầy lội, chỗ thì bụi cuốn mù mịt. Tay lái còn non thì sẽ thấy mệt với cung đường này. Có con dốc mà xe khách bị trơn trượt do đất chỗ công trình làm taluy trôi xuống bị nước mưa làm lầy lên. Thứ đất núi trơn như bôi mỡ, làm chiếc xe bị quay ngang mà không sao lên dốc được, dẫn đến tắc đường. Cả chiếc xe điện của Vinfast, do thiết kế pin nằm giữa xe nên phần đầu nhẹ, cứ xoay xở dăn dở mà không làm sao vượt dốc được khi bánh xe bê bết bùn đất, cứ xoáy tít mù mà không bám được xuống đường.

Có hơn trăm cây số mà mất đến hơn 5 giờ đồng hồ, tôi mới tới được Than Uyên. Anh Hoàng Văn Hom, chủ nhà nghỉ người dân tộc Khơ Mú, dù tôi đã nhắn tin, gọi điện rồi kết bạn Zalo, nhưng anh không biết cách gửi vị trí, làm tôi chạy quá Than Uyên hơn chục cây số rồi mới vòng lại được. Đây là cung đường không dành cho người thích nhẹ nhàng hưởng thụ, mà là cung đường cho sự gan góc, lì lợm. Bù lại, có cung đường thì ngan ngát màu xanh, và đèo Khau Cọ đẹp như nàng thơ thả dáng giữa núi rừng.

thanuyen1.jpg

Làng cá Thẩm Phé là một nhóm lồng bè nuôi cá trên hồ thủy điện. Cảnh sắc yên bình như viên ngọc xanh giữa núi rừng Tây Bắc. Cũng chỉ vài loài cá phổ thông như rô phi, trôi, chép… hiền lành bơi trong làn nước trong xanh.

Nắng chiều đổ ngang lưng núi, sáng bừng lên vạt rừng nương ngô mươn mướt xanh nhờ những cơn mưa mùa hè, nhấp nhánh như ngàn vạn chiếc gương nhỏ phản chiếu ánh mặt trời. Trên trời cao, mây trắng bồng bềnh chậm chậm trôi giữa thinh không mênh mông, gió thổi mát rười rượi luồn lách khắp thân thể, cảm giác dễ chịu và thư thái như được thả trôi cả thân người về phía cuối chân trời. Chiếc vó bè giữa mặt hồ cong cong lên, trông xa như chiếc vương miện màu vàng nhô lên giữa thảm xanh màu ngọc bích, thật ấn tượng. Thẩm Phé đẹp bình dị và chân tình như cô gái người Khơ Mú.

thanuyen4.jpg

Bữa tối thật ngon với gà đi bộ, cá nướng pa pỉnh tộp, xôi với canh măng, rau luộc, chân bò hầm mắc khén. Cách chế biến thì đơn giản, nhưng nguyên liệu thì tuyệt vời. Rau trồng vườn nhà, ngon ngọt đến tận khi nuốt trôi qua cổ, thịt gà chắc ngọt, xôi dẻo thơm mùi nếp của cánh đồng Mường Than. Có lẽ khí hậu và thổ nhưỡng thanh sạch nơi đây tạo ra mùi vị đặc trưng, khiến đồ ăn có hương vị thơm ngon, đậm đà. Bình thường dưới xuôi tôi chẳng bao giờ đụng đũa vào cá rô phi. Thế mà cá nướng ở đây không một chút tanh, thịt dai và ngọt đẫm mùi mắc khén.

Tối xuống, nhân dân các vùng xung quanh xuống sân vận động trung tâm đi hội, đông vui lắm, đủ màu sắc áo quần của người Mông, người Dao, người Thái, Khơ Mú… Xúng xính váy áo, rung rinh tiếng cười, tiếng chào, tiếng các dân tộc ríu rít nói chuyện với nhau. Dọc theo sân vận động, từng ngôi nhà với kiến trúc đặc trưng, vật dụng sinh hoạt của từng dân tộc được tái hiện như bảo tàng thu nhỏ. Thực ra, vùng này trước đây người Kinh hiếm lắm. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ thì dân công hỏa tuyến, bộ đội thương binh của Việt Minh mến thương vùng đất này mà ở lại sinh cơ lập nghiệp, dần dần mới trở lên đông vui nhộn nhịp, mà vẫn không mất đi sự chân chất, mộc mạc, hồn hậu của người dân nơi đây.

Đêm phố núi dịu mát, thả sức rong chơi mà không mệt mỏi. Tiết thu trong mát, khô ráo, khác hẳn sự oi nồng, ngột ngạt nơi phố thị. Than Uyên lung linh trong đêm hội, ai tìm ai trong câu hát giao duyên. Màn trình diễn trang phục của sinh viên trường nghệ thuật Lào Cai thật ấn tượng. Trang phục, tiếng nói là hồn cốt của dân tộc, là chiều sâu văn hóa ngàn đời quý giá, cần gìn giữ và bảo tồn. Người ta lên với Than Uyên để tìm, để nhìn và khám phá những điều này. Nhiều sản phẩm rất đặc sắc, độc đáo từ hoa quả Sơn Tra (táo mèo), từ núi, từ rừng rất tốt cho sức khỏe, cần lắm kênh tiếp thị, phân phối tới người tiêu dùng nơi thành phố. Sản phẩm thuần Việt chắc chắn phù hợp với cơ địa và sự chuyển hóa của người Việt. Phần nữa là góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của kinh tế địa phương, vì chỉ một lọ dưỡng thể có giá vài triệu đồng, thì mua được rất nhiều thứ ở đây.

Bản sắc văn hóa cần được giữ gìn, trước tiên là từ con người của dân tộc, càng giữ được nguyên vẹn thì càng cuốn hút được du khách. Từ không gian văn hóa, đến ẩm thực, trang phục, ngôn ngữ nếu bảo tồn như bảo tồn giống lúa cổ nguyên sơ của núi rừng, thì Than Uyên sẽ bừng sáng trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Du lịch Than Uyên - kỳ vọng bừng sáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO