Mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đã và đang dần thực hiện hóa thành công khi vươn lên đứng thứ 3 cả nước về số lượng khách du lịch.
>>Phát triển du lịch bền vững: Việt Nam đã sẵn sàng trở lại đường đua?
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chỉ trong 9 tháng, toàn tỉnh đã đón hơn 10,3 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế gần 110 nghìn lượt), tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 103,9% kế hoạch; doanh thu ước đạt gần 20 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 106,4% kế hoạch đề ra. Với kết quả đó, Thanh Hóa là 1 trong 3 địa phương thu hút lượng khách lớn của cả nước (sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội). Riêng thành phố biển Sầm Sơn đón lượng khách kỷ lục hơn 6,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, vượt 73% kế hoạch năm 2022.
Năm 2022, du lịch Thanh Hóa được đánh giá có mức tăng trưởng khá, là tín hiệu tốt và dành được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh du lịch trong cả nước. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đón 38,524 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 49.823 tỷ đồng; có 18 quy hoạch phát triển du lịch được lập và điều chỉnh bổ sung; triển khai 330 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch với tổng kinh phí được giao thực hiện trên 1.283 tỷ đồng; thu hút 25 dự án đầu tư kinh doanh du lịch, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 29.400 tỷ đồng.
Đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh có 80 dự án đầu tư kinh doanh du lịch đang triển khai, với tổng vốn đăng ký gần 145.500 tỷ đồng, tiêu biểu như: Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC; Khu du lịch sinh thái biển Tiến Thanh; Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn; Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En...
Phân tích và đánh giá các yếu tố giúp Thanh Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút được lượng du khách tăng cao ông Vũ Văn Bình, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Du lịch Trust Viet vì sao du lịch Thanh Hóa năm những tháng vừa qua thu hút được lượng du khách tăng cao bởi vì tỉnh Thanh Hóa, các đơn vị doanh nghiệp lữ hành nhà hàng, khách sạn... đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt cho sự phục hồi, với dự báo mở cửa trở lại đúng vào thời gian cao điểm du lịch biển - sản phẩm thế mạnh của Thanh Hóa. Nhu cầu du lịch của người dân tăng mạnh sau 2 năm gián đoạn bởi dịch COVID-19; các địa phương, doanh nghiệp Thanh Hóa đã chủ động, sáng tạo nắm bắt thị trường, làm mới sản phẩm. Thêm vào đó là sự kết nối du lịch các vùng miền, liên kết du lịch giữa các địa phương được chú trọng quan tâm.
>>Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa: Liên kết cùng đưa du lịch "cất cánh"
>>Du lịch Thanh Hóa “cất cánh” đến Liên Bang Nga
Tuy nhiên, doanh thu từ ngành “công nghiệp không khói” được đánh giá vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh những khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế chưa được “tháo gỡ” của du lịch Thanh Hóa cho đến nay vẫn chưa được khắc phục. Trong đó nổi lên một số vấn đề như: năng lực du lịch chuyên nghiệp chưa cao, sản phẩm dịch vụ du lịch chưa độc đáo và thiếu sức hấp dẫn du khách như khu vui chơi, mua sắm, giải trí. Cơ sở hạn tầng cũng chưa đồng bộ, du lịch vẫn mang tính chất mùa vụ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành du lịch…
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, du lịch Thanh Hóa những năm gần đây đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Do đó, du lịch cần thay đổi cả về tư duy, cách làm và nhất là cần cú hích mạnh mẽ trên mọi phương diện.
Về cơ chế chính sách, Thanh Hóa cần nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ để có các chính sách ưu tiên, đặc thù, cũng như có chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược, giàu tiềm lực. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các quy hoạch du lịch, quy hoạch liên quan đến du lịch và tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch du lịch. Hoàn thiện, nâng cấp kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.
Đồng thời, chú trọng thị trường nội địa và liên kết để khai thác các thị trường nguồn như Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, thị trường khách nội tỉnh. Chú trọng phát triển các sản phẩm có chất lượng, thương hiệu gồm cả du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng - sinh thái...
Trước thời cơ mới, Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đón được 16 triệu lượt khách, tổng thu ước đạt 45.500 tỷ đồng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025, thuộc nhóm các địa phương có ngành du lịch phát triển của cả nước.
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã, đang tập trung triển khai, thực hiện 5 nhóm giải pháp quan trọng gồm: phát triển sản phẩm du lịch Thanh Hóa theo hướng đa dạng loại hình, nâng cao giá trị; tiếp tục phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nhằm phục hồi ngành du lịch. Ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” và “Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ sở; phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao.
Có thể bạn quan tâm