Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận về việc cho phép Kiểm toán Nhà nước quyền giám định tư pháp.
Theo đó, một số đại biểu Quốc hội tán thành với việc bổ sung vào dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện giám định tư pháp khi được trưng cầu và công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học (Phú Yên), cho biết, trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng kinh tế cho thấy, mặc dù cơ quan giám định, người có thẩm quyền trưng cầu giám định nhưng giữa các cơ quan vẫn có sự đùn đẩy, né tránh.
“Báo cáo cho thấy từ năm 2013 đến 2018, trong lĩnh vực tài chính trưng cầu giám định 241 vụ việc, nhưng cũng có tình trạng chậm, né tránh, đùn đẩy. Nếu đề nghị kiểm toán tham gia giám định trong lĩnh vực tư pháp, tài chính thì sẽ có thêm một kênh để lựa chọn”, Đại biểu Nguyễn Thái Học cho biết, đồng thời nhận định Kiểm toán Nhà nước có đầy đủ các điều kiện để tham gia vào việc giám định này để cho một kết luận mang tính khách quan và chính xác.
Tuy nhiên, cũng có Đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định trên là không cần thiết. Theo đó, nguồn nhân lực hiện nay đã đáp ứng tốt nhu cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.
Có thể bạn quan tâm
10:49, 25/11/2019
09:25, 25/11/2019
14:05, 16/08/2019
19:36, 31/07/2019
18:21, 09/07/2019
Theo Đại biểu, nếu giao Kiểm toán Nhà nước tham gia hoạt động giám định tư pháp thì phạm vi thực hiện giám định rất hẹp, đồng thời, sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này. Do đó, Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản đề nghị không bổ sung quy định Kiểm toán Nhà nước tham gia hoạt động giám định tư pháp.
“Hiến pháp năm 2013 và Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 không quy định Kiểm toán Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thực hiện giám định tư pháp. Việc bổ sung quy định này trong dự thảo luật là không phù hợp với thực tiễn hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, không đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Do vậy, theo đại biểu, việc bổ sung này là không cần thiết”, Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng bổ sung thêm kiểm toán nhà nước sẽ dẫn đến sự trùng lặp trong chức năng nhiệm vụ, không tuân thủ nguyên tắc chức năng của các tổ chức.
Theo Đại biểu đoàn Bình Dương, một việc chỉ nên để một cơ quan làm, "xu hướng cơi nới thẩm quyền như thế là không đúng".
"Nếu vì khó khăn thực tiễn mà "cơi nới "về thẩm quyền sẽ không ổn về tổ chức bộ máy. Hơn nữa, vừa qua khi sửa Luật Kiểm toán chúng ta cũng không đề cập đến nội dung này", Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nhận định.
Được biết, để tăng cường huy động các cơ quan, tổ chức có chuyên môn cao vào hoạt động giám định, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đã bổ sung quy định về trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước trong thực hiện giám định tư pháp khi được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu.
Theo quy định này, Kiểm toán nhà nước chỉ thực hiện giám định như một tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, không phải là cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp.